Bất chấp lệnh cấm, bóng cười vẫn 'ngập' phố Bùi Viện TP HCM
5 tháng sau khi Nghị quyết 173/2024/QH15 chính thức có hiệu lực, cấm tuyệt đối việc sản xuất, kinh doanh, vận chuyển và sử dụng các loại khí, chất gây nghiện, trong đó có bóng cười (N2O) nhưng tại phố đi bộ Bùi Viện, Quận 1, TPHCM những chùm bóng cười công khai trong các quán bar, pub như thách thức pháp luật
“Phố đầu độc” Bùi Viện: Bóng cười vẫn tràn lan bất chấp lệnh cấm
0h ngày 11/5, tại quán Miss SaiGon, địa chỉ 158 Bùi Viện (Quận 1, TP.HCM), trong vai khách hàng, phóng viên được nhân viên nhà hàng mời chào sử dụng dịch vụ bóng cười với mức giá từ 120.000 đến 150.000 đồng/quả, “muốn bao nhiêu cũng có”.

Phố Bùi Viện: Sau lớp vỏ sôi động là một ‘chợ đêm bóng cười’ ngầm
Dù các nhân viên cho biết “đã có lệnh cấm từ đầu tháng 1”, song quán vẫn ngang nhiên phục vụ bóng cười trong khu vực bên trong nhà hàng. Khi bước vào, giữa không gian ngập trong tiếng nhạc chát chúa, những vũ công ăn mặc hở hang, khiêu gợi uốn éo quanh khách hàng, hàng trăm thanh niên chìm đắm trong chùm bóng bay, rượu mạnh. Không ít người gục ngã ngay tại bàn. Những hình ảnh thực tế dưới đây mới có thể phản ánh đầy đủ cảnh tượng hỗn loạn đang diễn ra giữa trung tâm TP.HCM.
Ở một góc quán, một cô gái tên T. có biểu hiện chếnh choáng, tay lắc đều ly rượu mạnh, ánh mắt đỏ hoe lạc thần nhìn về phía nhân viên. Khi cô giơ một ngón tay, nhân viên lập tức mang đến một quả bóng cười. Lân la trò chuyện, T. tiết lộ mình mới 19 tuổi, là sinh viên năm nhất của một trường cao đẳng trên địa bàn TP.HCM. Hôm nay, cô đến quán một mình. Vừa nói, cô vừa gọi thêm cho phóng viên một quả bóng cười như một lời mời thân thiện. Cô ghé tai thì thầm: “Em bị thất tình nên mới tìm đến đây. Em hút 10 quả rồi, không sao hết. Anh hút đi, vui lắm. Lát nữa đưa em về được không?”
Không chỉ T., rất nhiều người trẻ ở đây được phục vụ rượu mạnh và bóng cười một cách dễ dàng. Những cô gái ăn mặc hở hang liên tục uốn éo, nhảy múa trên người khách. Sau mỗi bài nhạc là những tràng hò reo, tiếng chạm ly, và tiền được tung lên, nhét thẳng vào ngực hoặc bất cứ chỗ nào có thể trên cơ thể vũ công. Một không khí hoang dại và công khai đến rợn người.
“Phố Bùi Viện về đêm: Bóng cười, rượu mạnh và những tiếng cười méo mó”
Lệnh cấm rõ ràng – Thực thi mờ nhạt
Theo Nghị quyết 173/2024/QH15, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, bóng cười chính thức bị cấm hoàn toàn tại Việt Nam, cùng với thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Mọi hành vi sản xuất, tàng trữ, kinh doanh, buôn bán hay sử dụng bóng cười đều bị coi là vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thế nhưng, thực tế tại phố Bùi Viện cho thấy lệnh cấm vẫn chỉ “nằm trên giấy”. Dù cơ quan chức năng khẳng định vẫn kiểm tra thường xuyên, các cơ sở kinh doanh lại hoạt động một cách tinh vi: giấu bình bơm khí trong kho, thuê phòng riêng, thay đổi nhân viên liên tục... Nhưng những gì phóng viên ghi nhận cho thấy, hoạt động buôn bán và sử dụng bóng cười ở đây là công khai, ai cũng thấy, ai cũng tiếp cận được.
Ông Nguyễn Văn Hùng, cư dân sống gần phố đi bộ, bức xúc: “Tôi tưởng cấm rồi thì sẽ hết, ai ngờ càng ngày càng nhiều. Đêm nào cũng thấy người ta cười hả hê vì mấy quả bóng. Chắc phải có người chống lưng mới dám bán công khai như thế.”
Luật sư Đoàn Hữu Sơn (Đoàn Luật sư TP.HCM) giám đốc hãng luật GOLDEN LAW cho biết, việc buôn bán và sử dụng bóng cười tại Bùi Viện không chỉ là hành vi vi phạm hành chính mà còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Theo Điều 190 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), nếu buôn bán bóng cười có giá trị trên 100 triệu đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên, người vi phạm có thể chịu mức án từ 1 đến 15 năm tù, tùy theo mức độ nghiêm trọng. Các tổ chức, pháp nhân liên quan cũng có thể bị phạt từ 1 đến 9 tỷ đồng, thậm chí bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn nếu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.

Bóng cười chứa khí N₂O – loại khí gây tê dùng trong y học – nhưng khi bị lạm dụng sẽ gây hưng phấn tạm thời, ảo giác, mất kiểm soát hành vi. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo: sử dụng bóng cười thường xuyên có thể gây tổn thương não, hệ thần kinh và dẫn tới rối loạn tâm thần lâu dài. Dù vậy, nhiều người trẻ – đặc biệt là khách du lịch – vẫn xem đó là “trò vui vô hại”. Việc các cơ sở kinh doanh quảng bá bóng cười như một “trò giải trí dễ thương” trong các quán bar – pub khiến mức độ cảnh giác của xã hội giảm sút nghiêm trọng.
Đã đến lúc phải xử lý tận gốc
Đã 5 tháng kể từ ngày lệnh cấm có hiệu lực, nhưng việc thực thi vẫn còn nhiều kẽ hở. Nếu không có biện pháp quyết liệt, không chỉ thế hệ trẻ tiếp tục bị đầu độc bởi thứ “tiếng cười méo mó”, mà còn đặt ra nghi vấn lớn về hiệu lực pháp luật tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Được, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín, nhận định: “Việc kinh doanh các chất cấm như bóng cười có thể mang lại lợi nhuận lớn, nhưng đồng thời gây ra nhiều tác hại cho xã hội và người dân. Đây là hành vi vi phạm pháp luật. Hơn nữa, chủ cơ sở kinh doanh thường không ghi nhận doanh thu vào sổ sách, không thực hiện nghĩa vụ thuế. Vì vậy, nếu buông lỏng quản lý hoặc cố tình làm ngơ, thì việc này không chỉ không mang lại lợi ích cho xã hội hay ngành du lịch, mà còn tạo tiền lệ xấu.”
Đặc biệt, chính ông Nguyễn Văn Được – Chủ tịch UBND TP.HCM – cũng từng khẳng định rằng, ăn nhậu vỉa hè không phải là kinh tế đêm. Do đó, thành phố cần kiên quyết dẹp bỏ các hoạt động sử dụng chất kích thích công khai trên địa bàn.
TP.HCM cần hành động ngay, từ việc kiểm tra đột xuất, xử lý tận gốc các điểm cung cấp, đến áp dụng hình sự nghiêm khắc với các đối tượng đầu nậu và tổ chức buôn bán khí cười. Với vai trò là trung tâm kinh tế – văn hóa lớn nhất cả nước, TP.HCM càng cần làm gương, không thể để phố đi bộ nổi tiếng trở thành “phố đầu độc công khai” ngay trước mắt du khách trong và ngoài nước. Đã đến lúc không thể “cười trừ” với bóng cười nữa.