Bất cập trong hạch toán tài sản công
(Báo Quảng Ngãi)- Việc quản lý, hạch toán tài sản công hiện đã được pháp luật quy định, nhưng quá trình thực thi vẫn gặp nhiều khó khăn, bất cập.
Siết chặt quản lý
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 3 Luật Quản lý sử dụng tài sản công năm 2017, tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Khối tài sản công hiện nay không ngừng được bổ sung, cập nhật do những tài sản được đầu tư từ ngân sách đang tiếp tục triển khai, hoàn thành, bàn giao, đưa vào sử dụng. Vì thế, việc hạch toán kịp thời, để cùng quản lý, sử dụng hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí là một yêu cầu đặt ra trong tình hình hiện nay. Có một thực tế là, không ít tài sản công do không được hạch toán đầy đủ, quản lý lỏng lẻo gây ra tình trạng bị chiếm dụng, sử dụng trái phép.
Tháng 7/2024, thực hiện sự chỉ đạo của trung ương, UBND tỉnh đã ban hành công văn yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị thuộc UBND tỉnh; các hội đoàn thể tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường công tác quản lý, hạch toán tài sản công. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức thực hiện công tác đầu tư xây dựng, mua sắm và đang trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản phải rà soát việc bàn giao, tiếp nhận và hạch toán tài sản, bảo đảm tài sản đã đưa vào sử dụng phải được quản lý, hạch toán.
Riêng đối với tài sản công là kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, hạ tầng cấp nước sạch đô thị, UBND tỉnh giao cho các Sở: GTVT, NN&PTNT, Xây dựng quản lý, hạch toán. Đối với cấp huyện, UBND tỉnh yêu cầu UBND cấp huyện rà soát việc bàn giao tài sản kết cấu hạ tầng cho đối tượng quản lý để bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật. Trường hợp thực hiện nâng cấp, sửa chữa, mở rộng tài sản kết cấu hạ tầng theo dự án phải được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt.
Sớm tháo gỡ bất cập
Theo phản ánh của một số cơ quan, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công thì hiện nay, quy định về hạch toán tài sản công đang gặp một số vướng mắc, bất cập. Đó là khi hạch toán tài sản thường chỉ kiểm đếm về số lượng, còn giá trị không được thẩm định, khấu hao. Nhiều tài sản đã qua sử dụng hàng chục năm, thậm chí gần hết thời hạn sử dụng nhưng trong hồ sơ vẫn cập nhật nguyên giá trị sử dụng ban đầu (giá trị khi đầu tư, mua sắm tài sản).
Điều này dẫn đến tình trạng khi thẩm định giá trị bồi thường tài sản công thường rất cao và không phù hợp với thực tế. Đơn cử như các công trình thủy lợi nhỏ (kênh, mương) trên địa bàn huyện Sơn Hà được đầu tư từ ngân sách nhà nước. Mặc dù công trình đã hư hỏng, không còn sử dụng, nhưng khi quy hoạch diện tích đất này cho dự án ngoài ngân sách thì vẫn xác định giá trị bồi thường theo hồ sơ xây lắp ban đầu.
Hay như trường hợp Nhà máy Xử lý chất thải sinh hoạt huyện Lý Sơn, do Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) làm chủ đầu tư, với kinh phí 32 tỷ đồng; xây dựng hoàn thành và bàn giao cho tỉnh (thông qua Sở Tài chính) quản lý vào năm 2016. Sau đó, Quảng Ngãi chủ trương xã hội hóa lĩnh vực môi trường và cho Công ty CP Thương mại - Xây dựng Đa Lộc thuê để vận hành. Tuy nhiên, khi tiếp nhận nhà máy có một số hạng mục hư hỏng, công ty không thống nhất thuê toàn bộ nhà máy (chỉ thuê những hạng mục cần thiết, sử dụng được), nhưng không có cơ sở để giải quyết đề nghị này. Theo đại diện Sở Tài chính, về nguyên tắc khối tài sản này không thể tách rời và giá trị tài sản vẫn là 32 tỷ đồng như trong hồ sơ khi tiếp nhận.
Một bất cập khác liên quan đến hạ tầng giao thông là, các dự án cầu, đường khi xây dựng mới sẽ dễ thẩm định giá trị tài sản để hạch toán, quản lý. Còn các dự án cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, đặc biệt là chia nhỏ thành đoạn, tuyến thì việc thẩm định giá trị tài sản vẫn chưa có quy định cụ thể, nên rất khó thực hiện.
Theo Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Luyện, hạch toán tài sản công là quy định nhằm tạo cơ sở để quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả tài sản nhà nước. Tuy nhiên, đây là một công việc tương đối khó, chi tiết, đòi hỏi mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức cần thực hiện nghiêm phần việc của mình thì mới giúp cho tỉnh thực thi quy định này một cách toàn diện. Chỉ khi hạch toán đầy đủ, đánh giá, thẩm định giá trị tài sản kịp thời thì mới giúp quản lý, khai thác tài sản công hợp lý, hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.