Bất an quà vặt cổng trường
Vụ việc 13 học sinh tại Trường THCS Bình Minh (huyện Thanh Oai, Hà Nội) nhập viện do nghi ngờ ngộ độc thực phẩm - lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ mất an toàn thực phẩm từ những hàng rong cổng trường.
Thông tin từ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, cơ quan này nhận được thông tin sự cố an toàn thực phẩm của một số học sinh Trường THCS Bình Minh (thôn Sinh Quả, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Hà Nội). Cụ thể, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, chiều 30/9, tại cổng Trường THCS Bình Minh có nhóm người lạ phát miễn phí sản phẩm nước ngọt đóng chai cho học sinh, trong đó có 263 học sinh uống sản phẩm.
Sau khi uống nước này, học sinh đầu tiên N.H.H. (lớp 6A, 12 tuổi) có triệu chứng đau bụng vùng rốn, buồn nôn, nhà trường đưa đến Trạm Y tế xã và Bệnh viện đa khoa Thanh Oai. Cùng ngày, bệnh viện tiếp nhận 12 bệnh nhân có cùng triệu chứng; đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn đến từ Trường THCS Bình Minh. Các bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi ngộ độc thực phẩm. Chiều 1/10, có 3 bệnh nhân được ra viện. Đến chiều 2/10 còn 10 bệnh nhân tiếp tục theo dõi tại bệnh viện.
Được biết, cơ quan chức năng thu nhận được 236 chai nước ngọt đóng chai, trong đó đã sử dụng 98 chai; còn lại 136 chai chưa sử dụng. Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện đã niêm phong và bàn giao cho Công an huyện Thanh Oai.
Đoàn điều tra lấy 2 mẫu sản phẩm nêu trên gửi kiểm nghiệm tại Viện kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia chưa có kết quả kiểm nghiệm.
Trước tình hình trên, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có văn bản đề nghị Sở Y tế Hà Nội khẩn trương phối hợp cơ quản chức năng điều tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm để xác định rõ nguồn cung cấp thực phẩm; lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xét nghiệm tìm nguyên nhân.
Mặc dù theo những thông tin mới nhất, cơ quan chức năng chưa xác định được nguyên nhân gây ra vụ việc nói trên, thế nhưng, đây có thể xem là hồi chuông cảnh báo mạnh mẽ về nguy cơ xảy ra các vụ ngộ độc tập thể tại các trường học trong bối cảnh năm học mới đã bắt đầu.
Thực tế cho thấy, với sự “dễ dãi” của cả học sinh, phụ huynh, nhà trường và chính quyền địa phương, các hàng quán hàng, xe đẩy lưu động bầy bán đồ ăn vặt tại các cổng trường đã được “mọc lên như nấm” trong nhiều năm qua, bất chấp cảnh báo liên tục từ các chuyên gia.
Dạo quanh các trường học, không khó bắt gặp cảnh tượng học sinh vây kín những quầy hàng này mỗi khi tan học. Nguy hại ở chỗ, ngoài đặc điểm chung của mặt hàng thực phẩm này là được chế biến ngay tại khu vực lề đường, khói bụi mất vệ sinh thì nguồn gốc, xuất xứ của những món hàng này cũng không hề được đảm bảo. Thậm chí, chỉ nhìn bằng mắt thường có thể dễ dàng nhận thấy hàng trăm chiếc que xiên, một can dầu ăn với những túi nilong đựng thực phẩm không có bao bì, nhãn mác.
Mới nhất, Cục An toàn thực phẩm cũng đã công bố số liệu, có tới 70 - 80% thức ăn đường phố, trong đó có quà vặt cổng trường được xác định là bị nhiễm khuẩn như E.coli, gây tiêu chảy, bệnh đường ruột.
Ngoài nguy cơ ngộ độc cấp tính, gây tiêu chảy, nôn mửa, đau đầu, khó thở…, các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, sản xuất không đúng quy trình bày bán ở gần cổng các trường học còn tiềm ẩn nhiều mối nguy hại lâu dài cho sức khỏe mà không có biểu hiện ngay ra bên ngoài, gây ra các bệnh mạn tính như béo phì, tim mạch, đái tháo đường, thậm chí gây ung thư.
Đáng lo ngại hơn nữa, theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), ngoài nguy cơ mất an toàn thực phẩm, Trung tâm Chống độc từng tiếp nhận nhiều bệnh nhi ngộ độc do sử dụng ma túy dưới dạng thực phẩm như bánh, kẹo, nước giải khát cũng được bắt nguồn từ những quầy hàng bày bán trước cổng trường. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ không nên cho con tiền để hạn chế nguy cơ trẻ mua đồ ăn vặt không đảm bảo an toàn bày bán trước cổng trường.
“Thông thường, nếu thực phẩm có vấn đề, trẻ sẽ có các phản ứng, triệu chứng biểu hiện sau khi ăn khoảng 15 - 30 phút. Nếu thấy trẻ có các biểu hiện như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, hoặc những biểu hiện kích thích, mệt mỏi, khó thở, cần đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để được các bác sỹ xử lý” - TS.BS Nguyễn Trung Nguyên nhấn mạnh.