Bảo vệ trẻ trên môi trường mạng
Gần đây, các video có nội dung xấu độc liên quan đến trẻ em xuất hiện ngày một nhiều trên mạng xã hội, đặc biệt là nền tảng TikTok. Điều đáng nói là nhiều bậc phụ huynh đang có xu hướng rủ rê, lôi kéo chính con em mình tham gia đóng các clip có nội dung phản cảm, lấy trẻ em làm chủ thể, trung tâm của kịch bản, rồi đăng lên mạng xã hội.
Nhiều clip được tạo ra nhằm gây sự tò mò, chú ý với những tên gọi xấu xí, nội dung nhảm nhí; cách giao tiếp giữa người lớn và trẻ nhỏ thậm chí có nhiều từ ngữ, hành động thiếu văn hóa. Một số clip trẻ em mặc đồ gợi cảm, không phù hợp với lứa tuổi, cùng người lớn uốn éo, nhảy nhót theo điệu nhạc gây bức xúc cho người xem.
Thực tế cho thấy, nhiều đối tượng có hành vi bất chấp, sẵn sàng thực hiện quay các clip có nội dung phản cảm liên quan đến trẻ em rồi tung lên mạng xã hội với mục đích đạt được nhiều lượt xem, nhiều người theo dõi, từ đó phục vụ hoạt động quảng cáo, kinh doanh trên mạng. Hành động này gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm, tác động tiêu cực đến tâm tư, tình cảm, làm tổn thương tinh thần, dẫn đến những xu hướng, thay đổi lệch lạc về lối sống, hành vi của trẻ nhỏ, thậm chí đẩy các em tới những vụ việc vi phạm pháp luật.
Trẻ em là mầm xanh, là tương lai của đất nước; bảo vệ trẻ em chính là bảo vệ tương lai của dân tộc. Vì vậy, cần khẩn trương có những biện pháp ngăn chặn tác động tiêu cực từ mạng xã hội đối với sự an toàn và phát triển toàn diện của trẻ.
Các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh kiểm duyệt nội dung trên internet, đặc biệt là nội dung trên các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, có máy chủ đặt ở nước ngoài; xây dựng những lớp tường lửa để lọc các nội dung nguy hiểm, nhất là những nội dung gây hại với trẻ em. Nghiên cứu, xây dựng bộ tiêu chí, nguyên tắc cụ thể, chi tiết để nhận diện những nội dung độc hại, ngăn chặn không để chúng xuất hiện trên mạng xã hội. Cơ quan chức năng cũng yêu cầu các nền tảng mạng xã hội thiết lập điều kiện về độ tuổi người dùng khi tạo tài khoản sử dụng; có cơ chế xử phạt nghiêm minh, thích đáng, mang tính răn đe khi phát hiện sai phạm.
Việc ngăn chặn những clip có nội dung bạo lực, phát ngôn thiếu chuẩn mực, mang tính giang hồ, hiếu chiến của một số đối tượng “giang hồ mạng” trên internet cũng rất quan trọng, cấp thiết. Trẻ em rất dễ bắt chước những hành động trên mạng và đôi khi không nghĩ điều đó gây hại cho xã hội. Nhiều trường hợp trẻ em tham gia đua xe, hỗn chiến, sử dụng chất cấm khi bị lực lượng chức năng bắt giữ hoàn toàn không biết vi phạm pháp luật, mà chỉ đơn giản thấy các "thần tượng" thực hiện thì làm theo.
Các bậc phụ huynh cần chú trọng, quan tâm đến con em mình hơn nữa, dành thời gian yêu thương, trò chuyện với các con; cùng con tham gia những hoạt động vui chơi, ngoại khóa để tăng cường gắn kết gia đình; kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm, diễn biến tâm lý, giúp trẻ có không gian, môi trường phát triển lành mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần.