Bảo vệ Tam Giang, cứu những phận đời - Kỳ 2

Với hệ sinh thái đa dạng phong phú, nơi đây, tập trung hàng nghìn loại thủy sản là nguồn sinh kế cho khoảng 300 nghìn dân sinh sống khu vực gần bờ. Song, Tam Giang đang gánh nhiều nỗi đau từ chính bàn tay của con người.

Xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc có gần 50% dân số làm ngư nghiệp tập trung ở 5 thôn: Miêu Nha, Lương Quý Phú, Trung Chánh, Bát Sơn và Bạch Thạch. Nguồn thu nhập từ việc khai thác, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản đã góp phần tạo sinh kế cho cả nghìn hộ dân với sản lượng đánh bắt bình quân trên dưới 2.000 tấn/năm. Tuy nhiên, việc “ngư tặc” hoành hành, đánh bắt bằng nhiều hình thức tận diệt nguồn lợi thủy sản đã khiến đời sống, sản xuất của ngư dân gặp rất nhiều khó khăn.

Sau đợt mưa lũ cuối năm 2024, vùng nuôi cá vược (cá trặc) trên phá Tam Giang thuộc xã Lộc Điền trở nên xơ xác. Ông Trần Đức, Chi hội trưởng Chi hội Nghề cá Lương Chánh (Lộc Điền) nói rằng, xác xơ không phải bị sóng to gió lớn trên đầm phá mà do “ngư tặc” dùng xung điện vào lồng cá cắt lưới bắt trộm, những chiếc lồng nuôi sau khi bị tháo khung sắt theo cơn lũ trôi dạt vào bờ là thứ tài sản duy nhất còn lại của ngư dân.

Chi hội Nghề cá Lương Chánh có 52 hộ dân làm ngư nghiệp. Trong đó, có 25 hộ chuyên nuôi trồng thủy sản cá lồng trên đầm phá, nhưng đến nay, số lượng người nuôi còn rất ít. Một thời, nuôi cá vược - loài thủy sản khó tính nhưng mang lại giá trị kinh tế cao cho ngư dân Lộc Điền. Thế nhưng, tình trạng ngư tặc hoành hành còn ghê hơn “cướp” cạn đã khiến ngư dân bỏ nghề, đi làm phụ hồ hoặc chuyển qua nuôi trồng bên bờ.

Một ngày cuối năm 2023, ngư dân Đỗ Chi ra phá Tam Giang kiểm tra khu vực nuôi cá lồng của mình thì “ngã ngửa” khi 2 lồng nuôi cá vược sắp thu hoạch trị giá gần 30 triệu đồng của mình “không cánh mà bay”. Dấu vết còn lại chỉ là những mành lưới bị rách nát. “Ngư tặc” bắt cá đã đành, lấy luôn cả lồng mang đi. Ông Chi nhẩm tính: “Với 1.000 con giống cá vược tính sơ sơ cũng đã 10 triệu đồng, mỗi lồng nuôi 3 triệu đồng, chưa tính công chăm sóc, thức ăn. Gần một năm nuôi, tôi cứ nghĩ vụ cá này kiếm được khoảng 30 triệu đồng, nay trắng tay”. Cạnh đó, một lồng nuôi của ông Nguyễn Chải cũng bị cắt lưới, dùng xung điện “hốt” sạch cá, thiệt hại 20 triệu đồng. Chiếc lồng sau đó trôi dạt vào bờ được ngư dân phát hiện nhưng chỉ còn là mành lưới rách bươm.

Chi hội trưởng Chi hội Nghề cá Lương Chánh Trần Đức bảo rằng, "ngư tặc" tinh vi đến nỗi, chúng theo dõi cả giờ giấc sinh hoạt của chủ cá, khi nào ra chòi canh, khi nào vào bờ đều nắm rõ. Nằm trên vùng đầm phá hoang vắng, nên khi mất tài sản, dẫu có nghi nhờ nhưng cũng không làm gì được. Các đối tượng ngư tặc ngày một lộng hành hơn, đặc biệt là người ngoài địa phương. Với thuyền công suất lớn, họ len lỏi từng ngóc ngách trên đầm phá và “tẩu thoát” rất nhanh nên dù có phát hiện, truy đuổi vẫn không bắt được. Sản xuất khó khăn, lồng nuôi trên đầm phá liên tục bị bắt trộm cá, đến nay có khoảng 10 hộ của chi hội đã bỏ nghề nuôi cá vược, chuyển qua nuôi tôm trên bờ, chấp nhận chịu rủi ro với loài thủy sản này. Ở Chi hội Nghề cá Trung Chánh cũng xảy ra tình trạng tương tự khi 45 hộ trên tổng số 50 hộ nuôi trồng cá vược bỏ lồng, chuyển qua nuôi thủy sản gần bờ.

Năm 2024, hàng loạt chi hội nghề cá các địa phương Quảng Điền, Phong Điền đã ký đơn tập thể kêu cứu gửi HĐND, UBND, Công an tỉnh (nay là TP. Huế) và các cơ quan hữu quan về tình trạng “ngư tặc” hoành hành, tận diệt nguồn lợi thủy sản. Các chi hội nghề cá địa phương cho rằng, hiện nay trên đầm phá Tam Giang đang phát triển các nghề hủy diệt môi trường như nghề cào trìa, cào lươn, giã cào, xung điện... Nhiều lần các chi hội nghề cá đề xuất tại các buổi họp tiếp xúc HĐND các cấp nhưng vẫn không được giải quyết một cách rốt ráo.

Theo các chi hội nghề cá, nghề cào lươn, cào hến của các đối tượng “ngư tặc” thường sử dụng một dụng cụ gồm thanh sắt tạo thành hình tam giác, phía sau có một đụt lươn, buộc vào cán cao đè sâu vào mặt đất khoảng 15cm dùng đò trang bị 2 động cơ, ngày đêm nạo vét, tàn phá những thảm vật thủy sinh trên mặt đầm phá, làm ô nhiễm môi trường trầm trọng, ảnh hưởng đến đời sống của bà con ngư dân đang sinh sống trên phá Tam Giang. Cuộc sống của bà con ngư dân trông cậy vào nguồn lợi thủy sản, bây giờ các nghề này phát triển đã tận diệt môi trường, hủy hoại môi sinh khiến đời sống ngư dân rơi vào bế tắc.

Một chiếc đò trọng tải khoảng 700kg, nhưng đối tượng khai thác trái phép đặt 2 động cơ vận tốc lên đến 30km/giờ cày xới trên đầm phá. Đa số các thuyền hành nghề này đều không đăng kiểm thuyền máy. Khi bị lực lượng tuần tra phát hiện hoặc bị rượt đuổi, họ đều dễ dàng chạy thoát. Thậm chí, “ngư tặc” còn tổ chức thành một tổ hợp nghề hủy diệt để cùng nhau chống lại các thành viên của các chi hội nghề cá. Nhiều lần xảy ra xô xát hai bên dẫn đến nguy hiểm tính mạng. Khi hành nghề, các đối tượng khai thác trái phép thường phá hoại tài sản của ngư dân, như lưới, nò sáo, dẫn đến ngư dân khó khăn, thiệt hại tài sản, không thể tái sản xuất.

Thống kê của các chi hội nghề cá cho thấy, hiện nay trên đầm phá từ xã Điền Hòa (nay là phường Phong Phú, TX. Phong Điền) đến xã Quảng Công (huyện Quảng Điền) có hơn 60 chiếc đò máy có công suất từ 35 mã lực trở lên. Trong đó, có 13 đò gắn 2 máy gồm các chi hội nghề cá thôn 9 xã Điền Hòa có khoảng 40 đò, trong đó có 6 đò gắn 2 máy. Chi hội Nghề cá thôn 1 xã Điền Hải (nay là phường Phong Hải, TX. Phong Điền) gồm có khoảng 10 đò, trong đó có 4 đò gắn 2 máy. Chi hội Nghề cá thôn Trung Làng (xã Quảng Thái) khoảng 10 đò, trong đó có 3 đò gắn 2 máy.

Đa số những đò máy của các chi hội nghề cá dùng để tuần tra là tiền của người dân đóng góp. Trong 3 năm qua, các chi hội nghề cá đã đẩy đuổi và tuần tra khoảng 150 đợt và đã bắt được 12 đò, trong đó có đò 2 máy. Đồng thời đã chuyển giao đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, số tiền xử phạt lên đến 300 triệu đồng đã nộp vào Kho bạc Nhà nước.

Từ những bất cập và khó khăn trên, các chi hội nghề cá kiến nghị các các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần có biện pháp xử lý mạnh tay đối với những đò máy làm nghề hủy diệt môi trường có công suất máy 35 mã lực trở lên và đò gắn 2 máy; đề nghị trang cấp kinh phí, phương tiện tuần tra cho các chi hội nghề cá để có kinh phí hoạt động. Các chi hội nghề cá cũng đề xuất được làm việc, đối thoại với lực lượng chức năng, chính quyền địa phương nhằm tìm phương án hiệu quả trong việc xử lý “ngư tặc” hoành hành, tận diệt nguồn lợi thủy sản.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường - ông Nguyễn Đình Đức, việc khai thác hủy diệt đa phần do một số thành phần bất hảo hoặc các thành phần khác thực hiện, mang tính chất tước đoạt tài nguyên thủy sản công làm của riêng, như việc sử dụng xung điện, các nghề quét nền đáy... thu được số lớn thủy sản, bất kể hủy diệt đi kèm. Đây tương tự hành vi trộm cướp trên bộ, nên tồn tại luôn song hành xã hội, mà phải phòng chống thường xuyên.

Phá Tam Giang – Cầu Hai có hệ sinh thái đa dạng, với nhiều loài thủy sản đặc sản như, tôm, cua, ghẹ… hệ thống cỏ biển, rong tảo phát triển ở các khu vực hạ lưu của những dòng sông tạo nên các khu vực cư trú, bãi giống, bãi đẻ của nhiều loài thủy sản. Các nghiên cứu gần đây đã thống kê được khu hệ thực vật gồm 221 loài thực vật phù du, 46 loài rong, 18 loài thực vật thủy sinh bậc cao gồm có 7 loài cỏ biển và 11 loài cỏ nước ngọt, 31 loài thực vật bậc cao; trong đó, 7 loài thực vật ngập mặn. Khu hệ động vật tại đây gồm 66 loài động vật phù du, 46 loài động vật đáy, 230 loài cá…

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/e-magazine/bao-ve-tam-giang-cuu-nhung-phan-doi-ky-2-152098.html
Zalo