Bảo vệ nguồn lợi thủy sản nhìn từ lễ hội Yok T'ro Peng
Trong nỗ lực bảo vệ nguồn lợi thủy sản địa phương, rất nhiều mô hình hay đã được cộng đồng các dân tộc tại Bình Phước duy trì, để vừa tạo sinh kế, vừa gìn giữ những tập quán đẹp. Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội phá bàu - Yok T'ro Peng của đồng bào Khmer xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh là một điển hình sinh động.
Từ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản
Già làng Lâm Đinh ở ấp Sóc Lớn, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh cho biết: Cộng đồng người Khmer có một truyền thống đẹp, đó là chung tay bảo vệ nguồn cá, tôm đặc hữu của địa phương. Ngoài ra, đồng bào còn góp phần làm phong phú chủng loại thông qua việc góp cá giống, thả vào các bưng, bàu tự nhiên trên địa bàn sinh sống vào mỗi tháng 3 hàng năm. Người Khmer quan niệm đánh bắt hủy diệt là tội ác, là cướp đi sinh kế của ngư dân, đồng thời hủy hoại môi trường sống. Vì vậy, đồng bào chỉ bắt cá với ngư lưới cụ, nơm, vó, thả lợp, đặt trúm. Thậm chí, hội đồng già làng chúng tôi còn khuyến cáo người dân không đánh bắt cá trong mùa sinh sản. Cứ vào tháng 3, nhà nào tham gia đánh bắt cá thì phải mua một ít cá giống thả trở lại vào các bàu nước tự nhiên. Chúng tôi duy trì cách làm này từ bao đời nay.

Đồng bào Khmer luôn duy trì việc thả cá giống vào bưng, bàu tự nhiên để làm phong phú các chủng loài thủy sản
Bình Phước có diện tích mặt nước nội địa khoảng 28.300 ha, trong đó mặt nước trên các hệ thống sông, suối, kênh gần 7.200 ha, còn lại là ao, hồ... Đây chính là điều kiện thuận lợi để người dân phát triển nghề cá. Tuy nhiên, tình trạng sử dụng các ngư cụ trái phép như cào điện, chích điện có tính sát thương thủy sản hàng loạt vẫn còn tồn tại. Chính vì thế, tái tạo nguồn lợi thủy sản vào các vùng nước tự nhiên, nâng cao ý thức của cộng đồng dân cư để tái tạo nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học thông qua lễ hội phá bàu là cách làm cần được khuyến khích và nhân rộng.

Hàng ngàn du khách cùng hòa mình vào bầu không khí lễ hội
Ông Võ Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh chia sẻ: “Lễ hội phá bàu của người Khmer xã Lộc Khánh đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Do đó để duy trì và khôi phục lễ hội ngày một tốt hơn, UBND huyện phối hợp với xã và các già làng kết nối đồng bào Khmer với các dân tộc khác trên địa bàn huyện Lộc Ninh. Qua đó, hình thành một cộng đồng lớn mạnh cùng chung tay bảo vệ các nguồn gen thủy sản đặc chủng địa phương. Từ đó nâng cao nhận thức cho cả cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản”.
Đến làm du lịch từ lễ hội phá bàu
Mỗi năm một lần, đồng bào Khmer xã Lộc Khánh lại tổ chức phá bàu với những hình ảnh vui tươi, sôi động, thu hút hàng ngàn người dân, du khách tham gia.
Tất cả đồng bào đều được tham gia bắt cá trong các bưng, bàu mà cộng đồng đã chung tay bảo vệ, giữ gìn trong cả một năm và lẽ dĩ nhiên, chỉ các ngư cụ truyền thống mới được sử dụng. “Đồng bào mình không bắt cá bằng kích nổ, chích điện, làm vậy là cá lớn, cá nhỏ chết hết. Chúng tôi chỉ bắt cá trưởng thành và sử dụng các phương tiện đánh bắt truyền thống. Thật ra, đây là cách để đồng bào chúng tôi quảng bá, giới thiệu thêm với du khách về truyền thống, tập quán tốt đẹp của đồng bào Khmer nơi đây” - anh Điểu Tích ở xã Lộc Khánh cho biết.


Lễ hội phá bàu Yok T’ro Peng được thực hiện với các nghi thức trang trọng
Lễ hội phá bàu chứa đựng những giá trị về văn hóa cộng đồng, văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên qua khai thác, đánh bắt thủy sản ở các bàu nước. Đến với lễ hội, người dân không chỉ được khai thác thủy sản trong bàu nước mà còn được vui chơi, giao lưu kết nối với nhau. Với nội dung ngày càng phong phú, đa dạng, lễ hội thu hút đông đảo người dân từ các nơi về tham quan và trải nghiệm.
Mùa lễ hội phá bàu Yok T’ro Peng tại xã Lộc Khánh năm 2025 thu hút trên 1.500 lượt người. Không chỉ thành công về mặt quảng bá, sự kiện còn giúp các dịch vụ khác như ẩm thực, khách sạn… cũng được kích cầu. “Tôi đến từ Trà Vinh. Từ mấy năm trước, tôi đã biết đến lễ hội Yok T’ro Peng tại xã Lộc Khánh, tuy nhiên đến nay tôi mới góp mặt được. Thật vui khi chứng kiến không khí hồ hởi, đoàn kết giữa nhân dân địa phương với du khách mọi miền. Mọi người đến đây vừa được đánh bắt cá cùng nhau, vừa giúp gắn kết tình thân ái. Tôi bất ngờ hơn khi có rất đông Tiktoker, Youtuber cũng đến để livestream, lan tỏa hình ảnh lễ hội đến với nhiều người!” - chị Trần Như Ý, du khách chia sẻ.



Lễ hội khuyến khích đồng bào đánh bắt thủy sản an toàn bằng các ngư lưới cụ truyền thống
Từ một tập quán đẹp: Không đánh bắt thủy sản theo cách hủy diệt và không đánh bắt cá trong mùa sinh sản, đồng bào Khmer đã chung tay gìn giữ những nét đẹp lâu đời của lễ hội qua việc tuân thủ các nguyên tắc tổ chức nghi thức, nghi lễ, trò chơi dân gian gắn với lễ hội theo đúng truyền thống của đồng bào. Chính sự đặc sắc này đã giúp lễ hội được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là một vinh dự rất lớn không chỉ đối với người Khmer ở Lộc Khánh nói riêng, mà còn với ngành du lịch Bình Phước nói chung.