Bảo vệ sức khỏe trước tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng

Liên tiếp trong tuần qua, Hà Nội đều xếp hạng hàng đầu trong số những thành phố ô nhiễm nhất thế giới.

Ô nhiễm không khí tại Hà Nội ở mức báo động. Ảnh: Quang Vinh.

Ô nhiễm không khí tại Hà Nội ở mức báo động. Ảnh: Quang Vinh.

Ghi nhận vào sáng 6/1, chất lượng không khí trên địa bàn Hà Nội tiếp tục ở mức xấu và rất xấu khi chỉ số AQI (chỉ số theo dõi chất lượng không khí) ở nhiều khu vực trên địa bàn thành phố vượt ngưỡng 200. Đặc biệt, qua ứng dụng đo chỉ số chất lượng không khí IQAir toàn cầu đã xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm đứng thứ 3 thế giới khi có chỉ số AQI là 253 (màu tím - rất xấu). Đến trưa 6/1, dù có phần cải thiện nhưng chỉ số này tại Hà Nội vẫn là 200 – đứng thứ 7 thế giới.

Đặc biệt, không chỉ có Hà Nội mà qua ứng dụng IQAir cũng cho thấy, nhiều tỉnh, thành ở phía Bắc như: Bắc Giang, Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Ninh, Thái Nguyên… cũng chìm trong ô nhiễm không khí nghiêm trọng với nhiều nơi có chỉ số AQI ở mức màu tím.

Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhận định, qua theo dõi chu kỳ diễn biến chất lượng môi trường không khí hằng năm, từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau, không khí tại một số địa phương thường diễn biến xấu.

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân khiến chất lượng không khí của Hà Nội và nhiều tỉnh miền Bắc bị ô nhiễm. Trong đó 2 lý do chính đó là nguồn thải và thời tiết.

Ở nguồn thải, chính khói bụi, khí thải từ các công trường xây dựng, phương tiện ô tô, xe máy và thói quen sinh hoạt, buôn bán, đốt than, rơm rạ của người dân là nguyên nhân tác động tới tình trạng ô nhiễm không khí.

Về nguyên nhân do thời tiết, các chuyên gia nhận định, miền Bắc hiện đang bước vào những ngày hanh, khô, ít gió nên lượng khí thải từ các nguồn thải thường xuyên bay lên bị “mắc kẹt” không thể phát tán hay bay hơi được, tạo ra hiện tượng nghịch nhiệt.

Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đánh giá, tại Hà Nội và một số địa phương lân cận, cùng với các nguyên nhân như trên, bụi thải từ hoạt động giao thông chiếm tỷ lệ lớn nhất. Đây là nguồn phát thải các chất ô nhiễm trong không khí, đặc biệt là chứa bụi mịn PM2.5 – đây được xem như sát thủ trong không khí.

BS Nguyễn Trọng An - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Môi trường Sức khỏe cho biết, các loại bụi mịn như PM2.5 hay PM10 là loại bụi mịn rất nhỏ, chỉ chiếm 1/30 hoặc 1/50 của một sợi tóc, bụi mịn có thể xuyên qua hệ thống phòng ngừa như lông mũi, chất nhờn trong mũi, trong phế quản, vào thẳng trong phía nan, nơi trao đổi chất và vào trong máu gây rối loạn trao đổi chất, các chức năng cơ thể, kể cả hệ thống gen.

Chính vì vậy, bụi mịn là “sát thủ vô hình” mà chúng ta không thể thấy bằng mắt thường nhưng lại là tác nhân gây ra các loại bệnh cho con người như đột quỵ, cao huyết áp, phổi tắc nghẽn, ung thư…

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, ô nhiễm không khí ngoài trời gây ra 4,2 triệu ca tử vong sớm toàn thế giới. Tổ chức này cũng cho rằng có đến 30% ca tử vong do ung thư phổi là liên quan ô nhiễm không khí. Ô nhiễm không khí cũng được xác định là nguyên nhân gây ra 25% các ca tử vong do đột quỵ não, bệnh lý tim mạch và 43% các ca tử vong do bệnh lý hô hấp. Bốn nhóm bệnh nêu trên (đột quỵ, tim mạch, hô hấp, ung thư phổi) cũng luôn nằm trong top 10 nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất trên toàn thế giới nhiều thập kỷ qua.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân, trong những ngày ô nhiễm không khí nghiêm trọng, nên hạn chế ra khỏi nhà, vận động tập thể dục, lao động ngoài trời khi chất lượng không khí ở mức xấu. Khi ra đường nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách (đảm bảo kín, khít mặt). Vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường. Tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.

Với người hút thuốc lá nên bỏ hẳn hoặc hạn chế hút thuốc lá. Với người không hút thuốc lá nên tránh xa khói thuốc lá. Nên hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực ô nhiễm.

Thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống. Hạn chế sử dụng hoặc thay thế sử dụng bếp than tổ ong, củi, rơm rạ bằng bếp điện, bếp từ hoặc bếp ga. Trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí.

Đối với người có bệnh hô hấp, bệnh tâm phế mạn tính, bệnh tim mạch, suy dinh dưỡng, già yếu, Bộ Y tế khuyên thực hiện các biện pháp dự phòng trên nghiêm ngặt hơn. Ngoài ra cần hạn chế tối đa đi ra ngoài đặc biệt là vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng.

Đức Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/bao-ve-suc-khoe-truoc-tinh-trang-o-nhiem-khong-khi-nghiem-trong-10297845.html
Zalo