Bảo vệ sức khỏe khi rét đậm, rét hại, tránh bị đột quỵ
Những ngày này, các tỉnh phía Bắc, nhất là các tỉnh miền núi đang trong thời điểm rét đậm, rét hại, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, mọi người nên chủ động bảo vệ sức khỏe, tránh bị đột quỵ.
Rét đậm dễ gây nguy cơ đột quỵ
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, đợt rét đậm, rét hại diện rộng ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ còn kéo dài đến hết ngày 11/2. Vùng núi cao Bắc Bộ có khả năng xuất hiện băng giá, sương muối, trời rét buốt.
Theo Bộ Y tế, vào mùa lạnh người dân có thể thường gặp phải một số vấn đề sức khỏe như cảm lạnh, hen suyễn, viêm họng, viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, cúm, đột quỵ, ngộ độc khí than...
Người cao tuổi, người bị bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, đột quỵ cũng có nguy cơ cao hơn bình thường. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân phải tiếp xúc quá lâu hoặc làm việc trong môi trường lạnh hoặc cũng có thể do thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột.
![Các bệnh nhân điều trị tại Trung tâm cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: BVCC](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_11_51439681/b34828b31cfdf5a3acec.jpg)
Các bệnh nhân điều trị tại Trung tâm cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: BVCC
Theo các chuyên gia y tế, đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây ra tàn phế và tử vong ở người lớn tại Việt Nam. Các trường hợp đột quỵ, có đến tới khoảng 70-80% là có dấu hiệu báo trước. Người bệnh nên nhận biết các dấu hiệu hoặc biểu hiện bất thường để được gặp bác sĩ và điều trị sớm nhất.
Bác sĩ Nguyễn Minh Anh - Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, dịp nghỉ Tết, bệnh nhân nhập viện cấp cứu, đột quỵ tại đơn vị tăng đột biến, ước chừng tăng khoảng 30 - 40% so với ngày thường. Tại Trung tâm Đột quỵ tiếp nhận 566 ca đột quỵ (chiếm 15%).
“Do trong dịp Tết, các cơ sở y tế gần như hạn chế hoạt động, số lượng bệnh nhân chuyển từ tuyến dưới lên gia tăng. Thêm vào đó, gần Tết, người bệnh ngại đi khám lại, uống đơn cũ hoặc tự ý dừng thuốc đợi ra Tết khám lại, thiếu tuân thủ phác đồ điều trị dẫn đến nguy cơ cao, đặc biệt đối với những bệnh nhân có bệnh nền. Mặt khác, dịp Tết, nhiều người ăn uống sinh hoạt thiếu điều độ, thức khuya cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tăng tỷ lệ đột quỵ” - bác sĩ Nguyễn Minh Anh lý giải.
![Bác sĩ Nguyễn Minh Anh khám cho bệnh nhân điều trị tại Trung tâm Đột quỵ.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_11_51439681/1b43afb89bf672a82be7.jpg)
Bác sĩ Nguyễn Minh Anh khám cho bệnh nhân điều trị tại Trung tâm Đột quỵ.
Đặc biệt, trong số các bệnh nhân nhập viện do đột quỵ dịp này, số lượng người bệnh trẻ tuổi, từ dưới 50 tuổi chiếm tỷ lệ đến 40%. Nguyên nhân chủ yếu do người trẻ chủ quan, thiếu sự thăm khám sức khỏe định kỳ và thường không nghĩ mình có thể mắc các bệnh tăng huyết áp, tiểu đường…
Đồng quan điểm, bác sĩ Đoàn Dư Mạnh - thành viên Hội Bệnh mạch máu Việt Nam cảnh báo, tăng huyết áp đột ngột có thể làm vỡ các mạch máu nhỏ trong não, gây xuất huyết não. Ngoài ra, tắc mạch vành (mạch máu nuôi tim) dẫn đến nhồi máu cơ tim, từ đó tăng nguy cơ xảy ra các vấn đề sức khỏe như tai biến mạch máu não và các bệnh lý tim mạch.
Một bệnh lý hiếm gặp hơn nhưng cũng rất nguy hiểm là huyết khối tĩnh mạch sâu, hình thành do ít uống nước khi trời rét. Nguyên nhân là huyết áp bị thay đổi đột ngột tác động lên các động mạch chủ ngực hoặc bụng, bệnh nhân cảm thấy đau ngực dữ dội, tỷ lệ tử vong lên đến 90% nếu không được can thiệp kịp thời.
Tăng biện pháp bảo vệ sức khỏe
Liên quan đến vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, Bộ Quốc phòng lưu ý, khi cơ thể bị mất nước, máu sẽ cô đặc hơn, tổng khối lượng máu trong cơ thể giảm xuống, nguy cơ đột quỵ cao hơn. Nếu người dân không bổ sung nước kịp thời, cơ thể sẽ tự điều chỉnh bằng việc cung cấp máu tới bộ phận quan trọng nhất là tim, từ đó có thể xuất hiện các cơn đau cơ.
Các chuyên gia y tế cho rằng, không rõ nước có ngăn ngừa đột quỵ không, nhưng bổ sung nước có thể mang lại nhiều lợi ích khác cho sức khỏe. Nước ấm vào cơ thể giúp máu dễ dàng lưu thông, cải thiện tâm trạng, giúp dễ ngủ và ngủ ngon hơn. Do đó, mỗi người nên bổ sung đủ 2-3 lít nước mỗi ngày.
![Tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ nhập viện tăng đột biến trong và sau Tết.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_11_51439681/4f15f0eec4a02dfe74b1.jpg)
Tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ nhập viện tăng đột biến trong và sau Tết.
Để giảm nguy cơ đột quỵ, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người có bệnh lý nền cần uống thuốc đầy đủ; đo huyết áp thường xuyên, duy trì thói quen tập thể dục, chế độ ăn uống phù hợp; không nên tập thể dục ngoài trời trước 6 giờ 30 phút để tránh bị nhiễm lạnh.
Nhằm bảo vệ an toàn sức khỏe của người dân trước ảnh hưởng của rét đậm, rét hại, Bộ Y tế đề nghị các địa phương chỉ đạo các sở, ngành theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến, kịp thời thông tin để nguời dân biết và chủ động các biện pháp dự phòng.
Các cơ sở y tế KCB cho người dân, bảo đảm phòng chống rét cho người bệnh và người nhà người bệnh; phổ biến hướng dẫn chăm sóc sức khỏe mùa lạnh cho cộng đồng và người lao động cho cán bộ y tế các cấp, nhất là tuyến y tế cơ sở.
Đối với người dân, nên hạn chế đi ra ngoài trời khi thời tiết giá lạnh, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 9 giờ đêm đến 6 giờ sáng. Khi ra ngoài, nên trang bị đủ trang phục ấm che chắn gió lùa; tránh tiếp xúc với khói thuốc, khói bếp than...
UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo cơ sở y tế các cấp bảo đảm bố trí đầy đủ cơ số thuốc cấp cứu, đủ giường bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp. Đồng thời, các đơn vị bảo đảm phòng, chống rét cho người bệnh và người nhà người bệnh trong quá trình khám, chữa bệnh (KCB) tại các cơ sở y tế.
Người dân tuyệt đối không sử dụng than củi, than tổ ong để đốt và sưởi ấm trong phòng kín. Nếu thời tiết quá lạnh buộc phải sử dụng than thì chỉ sử dụng trong thời gian ngắn, cần mở hé cửa để đảm bảo thông khí và chỉ sưởi ấm khi mọi người còn thức; không dùng sưởi qua đêm và đóng kín cửa phòng. Khi cơ thể có dấu hiệu bất thường như ho kéo dài, sốt hoặc khó thở, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị.
Bộ Y tế