Bảo vệ sông Cầu trước biến đổi khí hậu và tác động của con người
BBK- Sông Cầu bắt nguồn từ xã Phương Viên, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Sông có diện tích lưu vực khoảng 6.030km vuông, chiều dài khoảng 290km, độ cao bình quân lưu vực 190m.

Dòng sông Cầu đoạn qua phường Sông Cầu nhiều chỗ cạn trơ đáy.
Thượng nguồn dòng sông Cầu bắt nguồn từ phía Nam đỉnh Phja Bjoóc (cao 1.578m), thuộc xã Phương Viên, huyện Chợ Đồn và chảy qua các huyện, thị: Bạch Thông, thành phố Bắc Kạn và huyện Chợ Mới, chảy sang tỉnh Thái Nguyên và xuôi về hạ lưu. Trên địa phận tỉnh Bắc Kạn, sông Cầu tiếp nhận khoảng 30 nhánh suối, trong đó các suối chính là Khuổi Bún, Đôn Phong, Nặm Cắt, Nà Cú, Nà Cáy, Khuổi Lung…
Trên địa phận tỉnh Bắc Kạn, sông Cầu dài 103km, diện tích lưu vực 510km2, lưu lượng bình quân năm 73m3/s, mùa lũ là 123m3/s, mùa khô là 8,05m3/s. Tổng lượng nước khoảng 798 triệu mét khối. Dòng sông uốn khúc quanh co, hệ số uốn khúc lớn (>2,0); độ dốc đáy sông đạt trên 10 phần nghìn. Sông Cầu chảy qua Bắc Kạn có hai nhà máy thủy điện là Nặm Cắt và Thác Giềng.
Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa mạnh mẽ và nhiều công trình thủy điện, thủy lợi ngăn dòng đã trực tiếp ảnh hưởng đến dòng chảy và lưu lượng nước của dòng sông. Thời điểm hiện nay dòng sông Cầu nhiều đoạn cạn gần trơ đáy, nhiều đoạn bị thu hẹp, lòng sông bị xói lở, bồi đắp, ô nhiễm, rác thải. Cùng với đó, nhiều công trình lớn đang được thi công và nước thải sinh hoạt từ các khu vực dân cư cũng gây ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn nước sông Cầu...

Việc thi công các công trình cần đảm bảo an toàn môi trường cho dòng sông.
Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bắc Kạn chia sẻ: Dòng sông Cầu không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với sản xuất và đời sống của Nhân dân tỉnh Bắc Kạn nói riêng mà còn với 05 tỉnh trong lưu vực nói chung. Đó là nguồn cung cấp nước chủ yếu cho tưới tiêu nông nghiệp, nuôi thủy sản; một số dòng chảy được sử dụng cho mục đích sinh hoạt, sản xuất điện. Hầu hết việc canh tác của người dân sống dọc hai bên bờ sông đều phụ thuộc vào nguồn nước sông Cầu. Những năm gần đây, việc sản xuất, kinh doanh của người dân gia tăng, hoạt động canh tác sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nước thải sinh hoạt, đất đá thi công các công trình đường giao thông gây tác động tới môi trường nước của dòng sông.
Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu làm tăng nguy cơ cạn kiệt nguồn nước về mùa khô gây hạn hán kéo dài; về mùa mưa hình thành lũ, lũ quét cục bộ, gây thiệt hại về người, tài sản, nông nghiệp… của Nhân dân, làm xói lở đất canh tác. Theo cơ sở chuyên môn, chất lượng nước các sông, suối trong lưu vực sông Cầu bắt đầu có dấu hiệu ô nhiễm cục bộ, với hàm lượng hữu cơ khá cao. Phần lớn các nguồn thải đổ vào sông chưa được xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn.

Nước thải sinh hoạt tác động trực tiếp đến nguồn nước sông Cầu.
Để cải thiện tình trạng trên, cần tăng cường bảo vệ rừng phòng hộ, đặc dụng hiện có trên lưu vực sông Cầu. Nâng cao khả năng hấp thụ CO2 của rừng tự nhiên, góp phần giảm thiểu ô nhiễm bầu không khí, ô nhiễm nguồn nước.
Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, sinh thái, cảnh quan lưu vực sông Cầu. Tăng cường sự tham gia của cộng đồng, duy trì phong trào quần chúng tham gia bảo vệ môi trường; nhân rộng các mô hình tự quản, điển hình tiên tiến về bảo vệ môi trường trong cộng đồng, trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BVMT lưu vực sông Cầu. Tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý các tổ chức, đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm.
Ưu tiên bố trí vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để xây dựng cơ sở hạ tầng về bảo vệ môi trường. Huy động và kêu gọi các nguồn vốn viện trợ quốc tế, vốn vay ODA. Khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp, đơn vị đầu tư các dự án về bảo vệ môi trường, công trình xử lý chất thải. Có cơ chế chính sách để khuyến khích và huy động sự tham gia của cộng đồng và doanh nghiệp trong công tác xã hội hóa bảo vệ môi trường./.