Ngoại giao Việt Nam đóng vai trò tiên phong và linh hoạt trong lịch sử

Sáng ngày 23.4, trong khuôn khổ Hội thảo quốc tế với chủ đề '50 năm Thống nhất đất nước: Vai trò kiến tạo của Ngoại giao trong lịch sử và hiện tại', Phiên thảo luận (Phiên 1): 'Ngoại giao Việt Nam và Chiến thắng lịch sử 30.4.1975 đã diễn ra tại Hà Nội'.

Các đại biểu thảo luận trong Phiên 1: "Ngoại giao Việt Nam và Chiến thắng lịch sử 30.4.1975.

Các đại biểu thảo luận trong Phiên 1: "Ngoại giao Việt Nam và Chiến thắng lịch sử 30.4.1975.

Đóng góp ngoại giao vô cùng quan trọng, vô cùng to lớn

Phiên 1 do Đại sứ Hà Kim Ngọc, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao chủ trì, cùng với sự tham gia của các đại biểu trong và ngoài nước.

Thảo luận tại Phiên 1, với chủ đề “Đóng góp của ngoại giao trong kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình và thống nhất đất nước”, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên cho biết chiến thắng quân sự thật sự là yếu tố quyết định để các nhà ngoại giao ngồi vào bàn đàm phán.

Chúng ta không thể giành lợi thế trên bàn đàm phán nếu như chúng ta không đạt được thắng lợi ở chiến trường. Và nếu nhưng không có hiệp định Paris thì chúng ta không có chiến thắng 30.4.1975.

Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên nhận định những nhà ngoại giao, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã hoạt động hết sức tích cực, đã rất khôn khéo, rất chủ động và liên tục tấn công, làm cho đối phương phải có nhân nhượng.

Hiệp định Paris thực là đỉnh cao của thương lượng để chấm dứt chiến tranh trong lịch sử ngoại giao Việt Nam. Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên nhấn mạnh, Hội nghị Paris mang lại 4 cái nhất:

Thứ nhất, đây là hội nghị dài nhất trong lịch sử 4 năm, 8 tháng, 16 ngày qua hơn 200 cuộc họp chính thức, 45 họp riêng, 500 họp báo và hàng nghìn cuộc phỏng vấn.

Thứ hai, đây là cuộc đối thoại đàm phán vô cùng quan trọng, vô cùng căng thẳng và quyết liệt.

Thứ ba, đây là hội nghị đàm phán được sự ủng hộ của nhân dân trên khắp thế giới. Vì vậy, đây là áp lực vô cùng lớn đối với phái đoàn đối phương, đối với Mỹ. Điều này đã hỗ trợ rất lớn cho chúng ta trên bàn đàm phán.

Thứ tư, đây là cái nhất quan trọng nhất, trong hội nghị này, chúng ta đã giành được những thắng lợi hết sức cơ bản. Chưa bao giờ mà Mỹ và một số nước thừa nhận độc lập thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Điều này đã được ghi trong Chương 1, Điều 1 của Hiệp định Paris.

Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên cũng cho rằng điều quan trọng tiếp theo, được xem là chìa khóa giải phóng miền nam và thống nhất đất nước, đó là chấm dứt chiến tranh, rút quân đội nước ngoài ra khỏi Việt Nam.

Cốt lõi của Hội nghị Paris và cốt lõi của cuộc đấu tranh dai dẳng ở Paris là ở những điểm này. Chính đây là chìa khóa mở ra cục diện chính trị, cục diện đấu tranh mới, cục diện quân sự để tiến hành công cuộc giải phóng đất nước, thống nhất đất nước.

Đóng góp ngoại giao vô cùng quan trọng, vô cùng to lớn và vô cùng oanh liệt. Sau 50 năm nhìn lại, niềm vui ngày càng nhân lên vì đất nước đã được thống nhất, mang đến cơ đồ vô cùng tốt đẹp cho dân tộc chúng ta.

Sau khi kết thúc chiến tranh sau 50 năm, chúng ta đã nối lại quan hệ ngoại giao với Mỹ, nâng mức quan hệ lên tầm chiến lược - tầm cao nhất của ngoại giao.

Thông điệp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước lần này không chỉ riêng cho Việt Nam mà có ý nghĩa cho cả thế giới.

“Dù các cuộc đấu tranh khốc liệt đến đâu, căng thẳng đến đâu thì cuối cùng vẫn tìm ra giải pháp hòa bình. Tôi hy vọng rằng Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới trong tương lai sẽ được hưởng hòa bình, độc lập, tự do và hạnh phúc”, Nguyên Bộ trưởng Nguyễn Di Niên nói tại phiên 1.

Đánh giá cao vai trò tiên phong và linh hoạt của ngoại giao Việt Nam trong giai đoạn hậu chiến

Cũng tại Phiên 1, chia sẻ tham luận với chủ đề “Góc nhìn của Lào đối với vai trò của ngoại giao Việt Nam trong chấm dứt xung đột và phát triển đất nước sau chiến tranh”, bà Latana Siharaj, Phó Đại sứ, Đại sứ quán Lào tại Việt Nam nhận định chiến thắng ngày 30.4.1975 đã mở ra một kỷ nguyên mới cho Việt Nam, kỷ nguyên độc lập, thống nhất và phát triển.

Hành trình hàn gắn vết thương chiến tranh, bảo vệ thành quả cách mạng và xây dựng đất nước, từng bước đưa đất nước tiến lên con đường phát triển và hội nhập không hề dễ dàng. Ngoại giao Việt Nam luôn giữ vai trò hết sức quan quan trọng, là một mặt trận hòa bình.

Bà Latana Siharaj nhấn mạnh từ góc nhìn của Lào, chúng tôi đánh giá cao vai trò tiên phong và linh hoạt của ngoại giao Việt Nam trong giai đoạn hậu chiến.

Thứ nhất, ngoại giao Việt Nam đã góp phần quan trọng trong giải quyết xung đột và tranh chấp bằng biện pháp hòa bình dựa trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền và lợi ích chính đáng của các bên, đặc biệt là về biên giới lãnh thổ sau chiến tranh.

Thứ hai, trong bối cảnh đất nước bị bao vây, cấm vận, ngoại giao Việt Nam đã trở thành cánh tay nối dài, phá vỡ cô lập, vận dụng quan hệ đối ngoại và tranh thủ sự ủng hộ cuộc tế.

Trong công cuộc tái thiết, Việt Nam đã vận dụng đối ngoại nhân dân, đối ngoại song phương và đa phương; tạo dựng lòng tin và thiện cảm từ bạn bè quốc tế, từ bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ, tham gia ASEAN... đến ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do.

Việt Nam đã chứng minh rằng ngoại giao có thể mở ra cánh cửa phát triển.

Thứ ba, ngoại giao Việt Nam đã thể hiện tinh thần đoàn kết quốc sâu sắc và nhất quán, trở thành thành viên có trách nhiệm trên các diễn đàn. Việt Nam luôn tích cực giúp đỡ các bạn bè, trong đó có Lào, trên cơ sở “giúp bạn giúp mình”.

“Chúng tôi trân trọng những đóng góp thiết thực của Việt Nam trong công cuộc phát triển kinh tế của Lào. Tình hữu nghị đặc biệt của hai nước chúng ta, không chỉ thể hiện trong kháng chiến mà còn trong việc giữ gìn và vun đắp hơn nữa trong thời kỳ hòa bình và phát triển, trong đó ngoại giao hai nước luôn là lực lượng tiên phong”, bà Latana Siharaj nói.

Bà Latana Siharaj khẳng định từ góc độ của Lào, ngoại giao Việt Nam không chỉ là công cụ thực hiện chính sách đối ngoại, mà còn là trụ cột trong bảo vệ hòa bình, giải quyết xung đột và kiến tạo phát triển.

Ngoại giao Việt Nam đã thể hiện bản lĩnh trí tuệ và lòng nhân ái, biết gìn giữ nguyên tắc khi cần thiết, ứng xử linh hoạt mềm dẻo vì lợi ích chúng. Tất cả đã chứng minh qua những thành tựu lớn mà VIệt Nam đã đạt được trong suốt thời gian qua.

HỒNG NHUNG

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/chinh-tri/ngoai-giao-viet-nam-dong-vai-tro-tien-phong-va-linh-hoat-trong-lich-su-129195.html
Zalo