Bảo vệ, phát huy di sản thế giới: Cộng đồng là trụ cột then chốt
Hơn lúc nào hết, vai trò của cộng đồng được đề cao trong việc bảo vệ, phát huy giá trị của các di sản, đặc biệt là di sản thế giới. Đó là nội dung của hội thảo khoa học quốc tế 'Bảo vệ và phát huy giá trị Di sản thế giới: tiếp cận dựa vào cộng đồng vì sự phát triển bền vững' diễn ra sáng nay (21-5) tại Khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội.

Các đại biểu dự hội thảo khoa học quốc tế “Bảo vệ và phát huy giá trị Di sản thế giới: tiếp cận dựa vào cộng đồng vì sự phát triển bền vững”. Ảnh: H.L
Hội thảo do Bộ Ngoại giao - Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, và UBND thành phố Hà Nội tổ chức. Dự hội thảo có: Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới Lazare Eloundou Assomo; Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội Jonathan Baker; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà, cùng các nhà khoa học, các cơ quan quản lý văn hóa, du lịch của Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác.
Hội thảo là sự kiện trong chuỗi hoạt động triển khai Kế hoạch Hành động giai đoạn 2021 - 2025 của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bản ghi nhớ Hợp tác Việt Nam - UNESCO giai đoạn 2021 - 2025, Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030, và các kết luận của Hội nghị Văn hóa Toàn quốc, trong đó nhấn mạnh vai trò của văn hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Cộng đồng là “cốt lõi” của bảo tồn di sản
Việt Nam hiện có 8 di sản thế giới được UNESCO công nhận, bên cạnh hàng nghìn di sản văn hóa và thiên nhiên cấp quốc gia. Đó là: Hoàng thành Thăng Long, Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà, Quần thể danh thắng Tràng An, Thành nhà Hồ, Phong Nha - Kẻ Bàng, Cố đô Huế, Phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn. Mỗi di sản là một kho tàng quý báu, kết tinh từ hàng nghìn năm lịch sử, văn hóa và sự gắn bó giữa con người với thiên nhiên.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương phát biểu. Ảnh: H.L
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương khẳng định, di sản không chỉ là ký ức của quá khứ cần được bảo tồn, mà còn là tài sản chiến lược cho tương lai. Tuy nhiên, các giá trị di sản (cả văn hóa và thiên nhiên) đang đứng trước nhiều nguy cơ như: biến đổi khí hậu, đô thị hóa thiếu kiểm soát, mặt trái của toàn cầu hóa, áp lực từ du lịch đại trà, và không ít trường hợp là sự thờ ơ từ chính con người. Trong bối cảnh đó, việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Ông Hoàng Đạo Cương cũng cho biết, trong Công ước 1972, UNESCO đã nhấn mạnh đến 5 chữ "C" trong chiến lược toàn cầu, trong đó "Community" – cộng đồng – được coi là một trụ cột then chốt. “Cộng đồng” không chỉ đơn thuần là một khái niệm, mà là một triết lý, một nguyên tắc cốt lõi trong bảo tồn di sản. Chính cộng đồng là những người nắm giữ, bảo tồn và truyền lại di sản qua nhiều thế hệ. Họ sở hữu tri thức, kinh nghiệm quý giá, và hiểu rõ nhất những câu chuyện lịch sử cũng như giá trị tinh thần ẩn chứa trong từng di sản”, ông nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà phát biểu. Ảnh: H.L
Được mệnh danh là “Thành phố di sản” với quỹ di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng gồm 6.494 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có những di sản mang tầm nhân loại được UNESCO vinh danh như: Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội, Hội Gióng, Ca trù, Bia Tiến sĩ triều Lê - Mạc tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám… nhiều năm nay, thành phố Hà Nội luôn phát huy vai trò trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Đóng góp ý kiến tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà – khẳng định, thành phố xác định “đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho sự phát triển bền vững”, trong đó việc bảo vệ và phát huy giá trị các di sản là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, toàn xã hội và của mỗi người dân.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: H.L
“Thành phố đã ban hành các quy định, cơ chế chính sách về bảo tồn và phát huy giá trị di sản; quan tâm chỉ đạo hài hòa giữa công tác quy hoạch với công tác quản lý, bảo tồn di sản văn hóa; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục truyền thống, lịch sử; nâng cao nhận thức cộng đồng; tăng cường đầu tư nguồn lực cho bảo tồn nhằm gìn giữ bản sắc kiến trúc cổ trong quá trình trùng tu, tôn tạo…”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà thông tin.
Cần trao quyền cho cộng đồng
Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia văn hóa, lịch sử đã làm rõ hơn vai trò của cộng đồng trong công tác bảo tồn và phát huy di sản. Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội Jonathan Baker nhận định, đề cao vai trò của cộng đồng là yếu tố không thể thiếu trong quản lý di sản thế giới, và Việt Nam đã làm tốt điều này từ lâu.

Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội Jonathan Baker đóng góp ý kiến. Ảnh: H.L
“Lấy cộng đồng làm trung tâm trong công tác bảo tồn không chỉ là tham vấn ý kiến người dân bản địa, mà còn là sự trao quyền chủ động. Tức là cho phép người dân địa phương tham gia vào quá trình ra quyết định, tổ chức các hoạt động văn hóa, và hưởng lợi về kinh tế – xã hội từ các sáng kiến liên quan đến di sản”, ông Jonathan Baker nói.
Khẳng định cộng đồng giữ vai trò trung tâm trong bảo tồn di sản thế giới, Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới Lazare Eloundou Assomo nhấn mạnh: “Cộng đồng là những người mang tri thức, giữ gìn truyền thống, nắm quyền và đóng vai trò chủ chốt trong công tác bảo tồn. Trong bối cảnh hiện nay, khi di sản thế giới đối mặt với biến đổi khí hậu, đô thị hóa và bất bình đẳng kinh tế – xã hội, chúng ta phải tăng cường phương pháp tiếp cận lấy cộng đồng làm trung tâm. Sự công nhận vai trò của cộng đồng đã được nêu rõ trong Hướng dẫn hoạt động của Công ước Di sản Thế giới.”

Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới Lazare Eloundou Assomo phát biểu tại hội thảo. Ảnh: H.L
Để phát huy vai trò cộng đồng, ông Lazare Eloundou Assomo cho rằng, các địa phương cần đảm bảo phúc lợi và sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương và người dân bản địa sống trong và xung quanh các di sản thế giới; trao quyền thông qua xây dựng năng lực và chia sẻ kiến thức bảo tồn; đồng thời thúc đẩy khả năng phục hồi của di sản trước biến đổi khí hậu dựa trên tri thức bản địa; thúc đẩy số hóa, ứng dụng công nghệ AI phục vụ công tác bảo tồn di sản. “UNESCO sẵn sàng hỗ trợ các quốc gia thành viên trong việc thúc đẩy tầm nhìn chung này – nơi văn hóa là nền tảng cho phát triển bền vững”, ông Lazare Eloundou Assomo khẳng định.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng chia sẻ kinh nghiệm quản lý nhà nước, sở hữu di sản trong việc phát huy giá trị di sản thế giới để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội địa phương, nâng cao đời sống người dân. Đồng thời đưa ra một số kiến nghị như: hoàn thiện cơ sở pháp lý về quản lý di sản; tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức và vai trò cộng đồng; tăng cường bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên, phát triển du lịch bền vững…