Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi thông điệp tới Kỳ họp lần thứ 78 Đại hội đồng Y tế thế giới

Tại Phiên họp toàn thể của Kỳ họp lần thứ 78 Đại hội đồng Y tế thế giới diễn ra tại Thụy Sĩ ngày 20/5, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đã gửi Thông điệp tới Khóa họp theo lời đề nghị của Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus...

Khai mạc Phiên toàn thể của Kỳ họp lần thứ 78 Đại hội đồng Y tế thế giới ngày 20/5, Bộ trưởng Y tế Philippines Ted Herbosa, chủ trì phiên họp, đã công bố Nghị quyết thông qua Thỏa thuận của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch được thông qua và không có quốc gia thành viên nào phản đối. Thỏa thuận này đề cập đến các cấu trúc bất bình đẳng trong việc phát triển thuốc, vaccine và dụng cụ y tế.

Đây là kết quả của hơn 3 năm đàm phán giữa các quốc gia thành viên WHO, sau những bài học từ đại dịch COVID-19 khiến hàng triệu người trên thế giới thiệt mạng trong giai đoạn 2020-2022; là Thỏa thuận mang tính bước ngoặt nhằm tăng cường khả năng ứng phó với các đại dịch trong tương lai.

Video thông điệp của Thủ tướng Phạm Minh Chính được phát trong Phiên toàn thể của Kỳ họp ngày 20/05/2025.

Video thông điệp của Thủ tướng Phạm Minh Chính được phát trong Phiên toàn thể của Kỳ họp ngày 20/05/2025.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Việt Nam cam kết đầu tư cho con người, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe con người

Tại Phiên họp toàn thể này, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đã gửi Thông điệp tới Khóa họp theo lời đề nghị của Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus.

Trong Thông điệp gửi khóa họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong quá trình phát triển và xây dựng đất nước, Việt Nam luôn luôn đặt con người ở vị trí trung tâm, là chủ thể và động lực cho sự phát triển và tập trung cao nhất cho chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho con người và phát triển con người.

Thủ tướng khẳng định những vấn đề liên quan đến sức khỏe và con người mang tính toàn diện, toàn cầu, toàn dân, do đó cần đề cao chủ nghĩa đa phương, hợp tác và đoàn kết quốc tế. Cộng đồng quốc tế cần cùng chung tay, chung sức, đồng lòng để giải quyết những thách thức chung như đại dịch COVID-19, ứng phó với biến đổi khí hậu, già hóa dân số, cạn kiệt tài nguyên…

Thủ tướng Chính phủ kêu gọi các nước phát triển tăng cường hỗ trợ mạnh mẽ và hiệu quả hơn cho các nước đang phát triển về khoa học, công nghệ, nguồn lực, vốn, đặc biệt là giúp sản xuất thuốc chữa bệnh và vaccine phòng chống dịch, tăng cường tư vấn xây dựng thể chế, đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực và triển khai chính sách bảo vệ chăm sóc sức khỏe người dân.

Nhấn mạnh sự ủng hộ mạnh mẽ đối với WHO và Đại hội đồng Y tế thế giới, Thủ tướng Chính phủ khẳng định Việt Nam sẵn sàng đóng góp tích cực, chia sẻ kinh nghiệm, tri thức và những thành quả đạt được với cộng đồng thế giới.

Việt Nam cam kết đầu tư cho con người, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe con người, góp phần cùng các nước trên thế giới xây dựng một một thế giới khỏe mạnh và người dân ở các quốc gia đều khỏe mạnh, bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của con người.

Bộ trưởng Y tế Philippines Ted Herbosa, chủ trì phiên họp, đã công bố Nghị quyết thông qua Thỏa thuận của WHO về Phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch được thông qua.

Bộ trưởng Y tế Philippines Ted Herbosa, chủ trì phiên họp, đã công bố Nghị quyết thông qua Thỏa thuận của WHO về Phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch được thông qua.

Trân trọng sự hỗ trợ của WHO

Phiên họp toàn thể ngày 20/05/2025 của Kỳ họp Đại hội đồng Y tế thế giới lần thứ 78 tiếp tục với các bài phát biểu của Trưởng đoàn các quốc gia thành viên với chủ đề "Một thế giới vì Sức khỏe".

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, Trưởng đoàn Việt Nam đã có bài phát biểu trao đổi về chủ đề này. Trong bài phát biểu, Thứ trưởng nêu rõ, năm 2025, Việt Nam kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước và Việt Nam cũng đang đánh dấu gần 50 năm hợp tác chặt chẽ và hiệu quả với WHO. Với sự hỗ trợ không ngừng của WHO, Việt Nam đã đạt được rất nhiều cột mốc y tế đáng chú ý, đặc biệt là ba cột mốc sau:

Thứ nhất, năm 2024, Việt Nam đã cấm thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá được làm nóng. Với lệnh cấm này, Việt Nam sẽ bảo vệ được những người trẻ tuổi và giảm chi phí y tế và kinh tế dài hạn;

Thứ hai, BHYT bao phủ gần 95% người dân, bao gồm các hộ gia đình nghèo và thu nhập thấp và khu vực phi chính thức. Chăm sóc sức khỏe dễ tiếp cận và công bằng hơn bao giờ hết; Và cuối cùng, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ xảy ra thiên tai nhất.

Chỉ riêng năm ngoái, bão Yagi đã gây thiệt hại cho 550 cơ sở chăm sóc sức khỏe. Vì vậy, Việt Nam đang tăng cường khả năng ứng chịu khí hậu của các cơ sở chăm sóc sức khỏe để bảo vệ sức khỏe và cứu sống con người.

Đoàn Việt Nam và các đoàn tham gia phiên họp.

Đoàn Việt Nam và các đoàn tham gia phiên họp.

Thứ trưởng nhấn mạnh chủ đề "Một thế giới vì sức khỏe" của Kỳ họp năm nay nhắc nhở cần tiếp tục hợp tác đoàn kết, đặc biệt là trong thời điểm đầy thách thức này. Việt Nam vô cùng trân trọng sự hỗ trợ của WHO. Sự hỗ trợ này rất quan trọng trong việc cải thiện sức khỏe và cuộc sống của 100 triệu người dân Việt Nam. Việt Nam mong muốn tiếp tục sự hợp tác đáng tin cậy này, hợp tác với các quốc gia thành viên và đối tác khác.

Sau phần thảo luận cùng Trưởng đoàn các quốc gia thành viên khác, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn tiếp tục có các cuộc gặp song phương bền lề Kỳ họp.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn và các đại biểu của Bộ Y tế đã có cuộc họp song phương với TS Saia Ma'u Piukala, Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng cám ơn và đánh giá cao sự đồng hành và hỗ trợ của WHO trong suốt 77 năm qua đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, trong đó có lĩnh vực y tế. WHO đã hỗ trợ Việt Nam thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ trước đây và các Mục tiêu phát triển bền vững hiện nay, đặc biệt là các Mục tiêu về y tế.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại phiên họp.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại phiên họp.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cảm ơn WHO đã phối hợp chặt chẽ với chính phủ Việt Nam trong công cuộc ứng phó với đại dịch, đặc biệt là tốc độ và quy mô của việc triển khai vaccine COVID-19 mở đường cho giải pháp tiếp cận theo từng giai đoạn để dần mở cửa lại nền kinh tế.

Thứ trưởng cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong thấp nhất đồng thời là quốc gia có tốc độ phục hồi kinh tế nhanh nhất hậu COVID ở Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Điều này đạt được là nhờ sự hỗ trợ chặt chẽ của Tổ chức Y tế Thế giới.

Nhân cuộc họp với Giám đốc WHO khu vực, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của WHO trong việc kiểm soát các mối đe dọa đại dịch tiềm ẩn khác trong tương lai và cho biết Việt Nam rất vui mừng khi được WHO lựa chọn là quốc gia được nhận chuyển giao, tiếp nhận công nghệ vaccine mRNA.

Điều này cho thấy WHO đánh giá cao năng lực của Việt Nam trong việc làm chủ công nghệ và sản xuất vaccine quy mô lớn với chất lượng cao.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn họp với TS. Saia Ma'u Piukala - Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn họp với TS. Saia Ma'u Piukala - Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương.

Mặc dù Việt Nam có kinh nghiệm trong nghiên cứu phát triển vaccine và thực hiện các dự án chuyển giao công nghệ, tuy nhiên mRNA là một công nghệ hoàn toàn mới nên rất cần WHO tăng cường hỗ trợ đào tạo thêm về công nghệ sản xuất cũng như tăng cường đào tạo đội ngũ nghiên cứu của Việt Nam, đặc biệt là trong việc sản xuất và kiểm định vaccine mRNA.

Nhân dịp này, Thứ trưởng cũng đề nghị đề nghị WHO xem xét hỗ trợ xây dựng 01 cơ sở sản xuất vaccine đạt tiêu chuẩn GMP do hiện nay Việt Nam chưa có cơ sở sản xuất vaccine mRNA đạt tiêu chuẩn GMP.

Ngoài ra, Việt Nam rất mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác chặt chẽ của WHO trong các lĩnh vực ưu tiên, bao gồm: Các vấn đề liên quan đến sức khỏe, từ kiểm soát dịch bệnh, phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh nói chung, thúc đẩy lối sống lành mạnh và xây dựng hệ thống cung cấp dịch vụ y tế quốc gia hiệu quả và bền vững – phù hợp với mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân; Hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật, hỗ trợ xây dựng/sửa đổi Luật Phòng bệnh, Luật Trang thiết bị Y tế, Luật Dân số, Luật Ghép mô tạng… quy định về mua sắm, định giá.

Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Trần Văn Thuấn và TS. Saia Ma'u Piukala - Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương.

Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Trần Văn Thuấn và TS. Saia Ma'u Piukala - Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương.

Nhân dịp này, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn tái khẳng định việc tham gia tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam đối với công việc cao cả của WHO nhằm nâng cao sức khỏe cho tất cả mọi người.

TS Saia Ma'u Piukala, Giám đốc WHO khu vực cảm ơn Việt Nam vì đã ủng hộ và tham gia các Kỳ họp Đại hội đồng Y tế thế giới, đặc biệt cảm ơn Việt Nam đã ủng hộ WHO trong việc thông qua Thỏa thuận của WHO về Phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch tại Kỳ họp năm nay và ủng hộ chủ trương của WHO trong việc tăng niên liễm của các quốc gia thành viên để đảm bảo một phần kinh phí thực hiện các hoạt động trong Chương trình công tác chung lần thứ 14 của WHO.

TS. Saia Ma'u Piukala nhân dịp này cũng cám ơn Việt Nam đã ủng hộ và cam kết đóng góp 50.000 USD cho Vòng Đầu tư lần thứ nhất của WHO do Tổng Giám đốc kêu gọi. Đây là những đóng góp rất quan trọng và ý nghĩa đối với WHO, đặc biệt là trong giai đoạn khó khăn về tài chính hiện nay.

Liên quan đến việc dịch sởi đang lây lan rộng rãi ở một số quốc gia, WHO cảm ơn Việt Nam trong việc tăng cường tiêm chủng để kiểm soát ngăn chặn sự lây lan của dịch.

Giám đốc WHO khu vực cho biết WHO rất tự hào và đánh giá cao Chính phủ Việt Nam cũng như vai trò của các lãnh đạo ngành y tế Việt Nam về các thành công trong tỷ lệ bao phủ y tế toàn dân UHC và cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.

Quang cảnh cuộc họp.

Quang cảnh cuộc họp.

Giám đốc WHO khu vực cho biết những đề xuất của Việt Nam rất phù hợp vì đều nằm trong những ưu tiên của WHO dành cho khu vực. WHO mong muốn tiếp tục thúc đẩy và tăng cường hợp tác giữa WHO và Việt Nam và Ông hy vọng sớm được quay trở lại thăm đất nước Việt Nam xinh đẹp trong dịp gần nhất.

Các phiên chuyên đề ngày 20/5 tiếp tục được thảo luận tại Ủy ban A và Ủy ban B và tiếp tục ngày 21/5 cũng như các ngày tiếp theo của Kỳ họp.

Đoàn công tác đưa tin từ Geneva, Thụy Sĩ

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-gui-thong-diep-toi-ky-hop-lan-thu-78-dai-hoi-dong-y-te-the-gioi-169250521185816787.htm
Zalo