Bảo vệ những cây cầu trước hiểm họa

Cầu đường là một 'nút thắt' quan trọng về giao thông, bắc nhịp qua sông, vượt biển cho các thành phố. Đặc biệt, hiện nay, các cây cầu còn rút ngắn khoảng cách giữa những vùng khó khăn, giúp hàng hóa lưu thông dễ dàng. Cũng vì vậy, những cây cầu cần được bảo vệ, kiểm tra nghiêm ngặt, tránh hư hại do thiên tai, hiểm họa gây ra.

Hình ảnh cây cầu Phong Châu chỉ còn một phần sau vụ sập cầu kinh hoàng. (Nguồn: Báo Giao thông)

Hình ảnh cây cầu Phong Châu chỉ còn một phần sau vụ sập cầu kinh hoàng. (Nguồn: Báo Giao thông)

Những nguy hiểm tiềm ẩn

Một cây cầu được xây dựng luôn bảo đảm được các yếu tố về độ bền, vững chắc để chịu một tải trọng rất lớn. Hiện nay, với sự thay đổi thất thường của thời tiết, đã có những cây cầu sụp đổ, để lại các tai nạn thương tâm.

Như vào thời điểm cơn bão số 3 (Yagi) đổ bộ vào miền Bắc Việt Nam, trước những thiệt hại do bão, lũ gây ra. Vào sáng 9/9, vụ sập cầu Phong Châu (tỉnh Phú Thọ) khiến cộng đồng vô cùng đau lòng. Được biết, cầu Phong Châu nối hai huyện Tam Nông và Lâm Thao, là tuyến đường có nhiều phương tiện giao thông qua lại. Sau khi cầu sập, quân đội, công an được huy động tìm kiếm cứu nạn. Tuy nhiên, do nước sông Hồng dâng cao và chảy xiết nên hoạt động tìm kiếm ban đầu chỉ tập trung vào khu vực ven bờ và hạ nguồn.

Anh Bùi Quý Trọng (32 tuổi), một người rơi xuống sông Hồng sợ hãi kể lại khoảnh khắc cầu Phong Châu bị sập. Anh cho biết, khi cùng bạn lái xe máy cách bờ bên kia khoảng 5m, cầu đột ngột sập xuống. Anh và người bạn rơi tự do, không có nơi để bám víu. May mắn, anh cùng bạn của mình rơi trúng phần bê tông, được mọi người trên bờ kéo lên. Đối với anh Quý Trọng đây vẫn là một trải nghiệm kinh hoàng, toát mồ hôi lạnh khi kể lại.

Khác với anh Bùi Quý Trọng, rất nhiều người tham gia giao thông trên cầu Phong Châu ngày hôm đó không được may mắn như vậy. Theo báo cáo sơ bộ của tỉnh Phú Thọ, có khoảng 10 phương tiện di chuyển trên cầu gồm 3 ô tô, 6 xe máy, một xe máy điện rơi xuống sông lúc cầu sập. 3 người đã được cứu, còn những người đã chết hoặc vẫn đang mất tích.

Thiên tai, bão lũ là thời điểm những cây cầu để “lộ” ra khuyết điểm của mình. Như cây cầu Long Biên đã được UBND TP Hà Nội cấm tất cả phương tiện qua cầu Long Biên do nước sông Hồng lên báo động một 9,5m trong thời điểm bão lũ để bảo đảm an toàn. Nguyễn Thu Hồng (30 tuổi, Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, cầu Long Biên nằm trên trục đường cô đi làm. Mỗi lần đi trên cầu, Thu Hồng cảm thấy độ chênh vênh, rung lắc nhất định. Cô nói: “Vào thời điểm bão lũ xảy ra ở các tỉnh miền Bắc, mức nước sông dâng nhanh, khiến tôi cảm giác như nước sắp ồ ạt tràn vào cây cầu. Người dân đi trên cầu bình thường đã lo sợ, vào ngày mưa bão càng cảm thấy kinh hãi hơn”.

Cầu Long Biên vốn là một trong những “chứng nhân lịch sử” của Hà Nội. Cầu có tuổi đời hàng trăm năm, được các chuyên gia xếp loại cầu “yếu”. Trải qua hơn 120 năm, hiện tại, cầu chỉ còn 13 nhịp dầm Pháp cũ, nhiều nhịp bị cắt ngắn so với nguyên bản. Đánh giá cầu có các nhịp kết cấu thép bắt đầu han gỉ, bị ăn mòn và hai bên đầu cầu đã được cắm biển cấm phương tiện quá tải. Hàng năm, cần tốn vài tỷ đồng để tu sửa cầu, “vá víu” những “ổ trâu, ổ gà”. Vậy nhưng, mỗi ngày cầu đang “oằn mình” gánh cả tấn phương tiện đi lại, gây ra rất nhiều hiểm họa tiềm ẩn cho người tham gia giao thông.

Những cây cầu cũ đang cần được các tỉnh, thành phố quan tâm, chú ý nhiều hơn nữa. (Ảnh minh họa, nguồn: Tạp chí Công thương)

Những cây cầu cũ đang cần được các tỉnh, thành phố quan tâm, chú ý nhiều hơn nữa. (Ảnh minh họa, nguồn: Tạp chí Công thương)

Thực tế, trước đây, đã có một số cây cầu cũ do không được tu sửa kịp thời, dẫn đến tai nạn giao thông kinh hoàng. Đơn cử, tại xã Phong Thịnh, huyện Thanh Chương, vào 4 năm trước, cầu treo sông Giăng, nối 2 xã Thanh Liên và Phong Thịnh xảy ra một vụ tai nạn thảm khốc khiến 5 người rơi xuống sông tử vong. Vụ tai nạn để lại nỗi ám ảnh và bất an cho người dân mỗi khi đi qua cầu.

Được biết, đây là cây cầu dân sinh quan trọng, kết nối 10 xã của vùng Cát Ngạn và trung tâm huyện, hằng ngày có rất nhiều phương tiện qua lại. Cây cầu này đã có tuổi đời gần 40 năm, sau nhiều năm sử dụng, cầu treo sông Giăng đã có các hạng mục xuống cấp, hư hỏng.

Không những chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ, các cây cầu còn dễ bị hư hại do các tai nạn bất ngờ ở vùng sông nước. Như vào ngày 10/9, khi tình trạng lũ lụt ở miền Bắc đang diễn ra nặng nề, các cơ quan chức năng đã cấm phương tiện qua cầu Vĩnh Phú bắc qua sông Lô, nối tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc. Được biết, nguyên do cây cầu này bị cấm, do một tàu chở hàng và sà lan bị mắc kẹt dưới gầm cầu Vĩnh Phú, tại vị trí cột trụ thứ 3 tính từ TP Việt Trì đi tỉnh Vĩnh Phúc. Một phần sà lan chui vào gầm cầu, đầu chạm mép bêtông. Dòng chảy xiết của sông Lô khiến phương tiện này di chuyển liên tục, tăng nguy cơ gây hư hại cho cầu Vĩnh Phú.

Tổng kiểm tra, “thăm khám bệnh” cho các cây cầu

Sau vụ sập cầu ở Phong Châu, một số chuyên gia đã đưa ra những nhận định và lời khuyên. Theo ông Nguyễn Hà Nam - cựu giảng viên bộ môn Cầu Hầm của Trường Đại học Giao thông vận tải, nguyên nhân dẫn đến vụ sập cầu Phong Châu khả năng cao là do cầu đã cũ (được xây dựng cách đây hàng chục năm), mưa bão lớn khiến trụ cầu bị lũ cuốn trôi kéo theo 2 nhịp cầu sập xuống chứ không phải sụt mố cầu như nhiều người nhận định. Vì vậy, hiện nay, để bảo đảm an toàn cho người dân, việc rà soát, kiểm tra lại các cây cầu cũ để kịp thời tu bổ, sửa chữa là vô cùng quan trọng.

Mới gần đây, Sở Giao thông vận tải TP HCM đề nghị các UBND quận, huyện và TP Thủ Đức, các đơn vị tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn khai thác cầu, hầm đường bộ và cầu giao thông nông thôn, trên địa bàn thành phố trong mùa mưa bão. Theo thống kê, TP HCM có 223 cây cầu đang được sử dụng phục vụ người dân. Trong đó có 46 cây cầu giao thông nông thôn, cầu treo dân sinh đã hư hỏng, với tuổi đời lên đến cả chục năm, nhưng chưa được sửa chữa, bảo trì.

Đặc biệt, Sở Giao thông vận tải TP HCM cũng yêu cầu các đơn vị, Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ, Trung tâm Quản lý Điều hành giao thông đô thị thường xuyên phối hợp với các quận, huyện và các đơn vị đang thực hiện hợp đồng quản lý, bảo trì cầu đường bộ.

Tại Hà Nội, để bảo đảm an toàn cho người dân tham gia giao thông. TP Hà Nội cho biết sẽ dành nhiều sự quan tâm hơn nữa đến các công trình đang hiện diện ở mọi cấp độ giao thông, nhằm ngăn ngừa thảm họa, đáp ứng mong mỏi của người dân.

Theo đó, Sở Giao thông vận tải TP Hà Nội đã rà soát, đưa ra số liệu với 55 công trình cầu do thành phố quản lý đã xuống cấp nghiêm trọng, mất an toàn giao thông sẽ xử lý ngay trong năm 2024 - 2025. Các UBND các địa phương cũng đã kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng các cầu do quận, huyện, thị xã quản lý; trong đó đề xuất đầu tư xây dựng mới, thay thế, cải tạo 89 công trình cầu yếu, cầu tạm. Sở Giao thông vận tải kiến nghị thành phố hỗ trợ bằng nguồn vốn ngân sách thành phố để đầu tư xây dựng mới các công trình này theo cơ cấu: 50% ngân sách thành phố và 50% ngân sách địa phương.

Tại Huế, UBND tỉnh vừa phối hợp Khu Quản lý Đường bộ II tổ chức kiểm tra tổng thể mố trụ các cầu trên địa bàn tỉnh này nhằm bảo đảm an toàn cho các cầu, người và phương tiện lưu thông trước mùa mưa bão. Tại các cây cầu Phú Xuân, Trường Tiền và Phú Lưu, lực lượng chức năng cùng với đội lặn đã thực hiện kiểm tra kỹ thuật cầu, kết cấu mố, trụ cầu và các kết cấu dễ bị ảnh hưởng bởi thay đổi dòng chảy, xói lở, khai thác vật liệu, nước lũ, phương tiện thủy va đập, trôi dạt mắc kẹt...

Sau khi kiểm tra, đoàn công tác sẽ tiến hành tổng hợp và gửi cơ quan chuyên môn đánh giá chất lượng hiện trạng công trình. Trường hợp phát hiện tình huống khẩn cấp ảnh hưởng đến an toàn công trình, sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền để kịp thời có phương án bảo đảm an toàn công trình và an toàn giao thông.

Ứng dụng công nghệ để bảo đảm an toàn cho các cây cầu

Trên thế giới, các chuyên gia đang tìm cách ứng dụng smartphone, drone hay cảm biến thời gian thực để bảo đảm các cây cầu đủ an toàn cho người sử dụng. Như ở Ấn Độ, Bộ Giao thông Đường bộ và Đường cao tốc nơi đây vừa thông báo sẽ lắp đặt các cảm biến thời gian thực để theo dõi tình trạng các cây cầu trên tất cả quốc lộ. Đối với cây cầu quan trọng, những thông số như biến dạng, độ lệch, rung, độ nghiêng, chuyển vị, nhiệt độ… phải được thu thập thông qua các cảm biến này.

Tại nước Áo, Tổng Công ty Đường sắt Áo (OBB) năm ngoái đã hợp tác cùng Commonis - một nhà cung cấp giải pháp công nghệ thông tin và truyền thông. Dự án tập trung vào việc sử dụng máy bay không người lái (drone) cho các kiểm tra bảo dưỡng định kỳ, phát hiện sớm những vấn đề về cơ sở hạ tầng, quản lý rủi ro tự nhiên, giám sát tình trạng thực tế của các tuyến đường ray và ứng phó khẩn cấp với các vấn đề lớn.

Hương Ngọc

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/bao-ve-nhung-cay-cau-truoc-hiem-hoa-post526138.html
Zalo