4 nhóm vấn đề 'nóng' Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan
Tiếp tục chương trình kỳ họp, chiều nay (11/11) Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực y tế. Trách nhiệm trả lời chính thuộc về Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan.
Trong nhóm vấn đề thứ hai này, Quốc hội tập trung chất vấn về 4 lĩnh vực:
Việc huy động, bố trí lực lượng y tế, bảo đảm thuốc men, vật tư y tế cung cấp cho người dân và công tác phòng, chống dịch bệnh sau thiên tai;
Việc cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực khám, chữa bệnh;
Thực trạng quản lý các mặt hàng thực phẩm chức năng, dược mỹ phẩm và giải pháp xử lý các vi phạm;
Công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường.
Trách nhiệm trả lời chính thuộc về Bộ trưởng Bộ Y tế. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long và Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo, Công an, Quốc phòng cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Báo cáo gửi đại biểu trước đó, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, tính từ đầu năm 2024 đến nay, Bộ Y tế đã cấp mới 28 giấy phép hoạt động cho các bệnh viện tư nhân (cùng kỳ năm ngoái là 16 giấy phép hoạt động, tăng 75%);
Ngoài ra, ngành cũng cấp 57 quyết định điều chỉnh giấy phép hoạt động do thay đổi phạm vi hoạt động chuyên môn, thay đổi quy mô hoạt động (cùng kỳ năm ngoái là 48 quyết định, tăng 18,75%).
Tư lệnh ngành y tế khẳng định, thời gian tới, sẽ tập trung triển khai các giải pháp đột phá trong hoạt động cấp phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Qua đó sẽ xây dựng mới quy trình thẩm định theo hướng tinh gọn, minh bạch, tinh giản và rút ngắn thời gian thẩm định.
Liên quan đến lĩnh vực quản lý dược, mỹ phẩm, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, 9 tháng đầu năm 2024, Bộ Y tế đã thực hiện cấp mới, gia hạn giấy đăng ký lưu hành theo Luật Dược năm 2016 cho 12.333 thuốc.
Về công tác quản lý giá thuốc, theo Bộ trưởng, mặc dù tình hình thị trường quốc tế có nhiều biến động, tuy nhiên, với việc triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý giá thuốc, đã giúp thị trường dược phẩm “vẫn được duy trì bình ổn”, không có hiện tượng đầu cơ tích trữ, găm hàng đẩy giá lên cao.
Tuy nhiên, theo bà Lan, điểm tồn tại, hạn chế là các cơ sở sản xuất thuốc chủ yếu tập trung đầu tư cho việc sản xuất là thuốc generic với công nghệ bào chế cơ bản. Quy mô doanh nghiệp dược của Việt Nam có tính phân tán rất cao nhưng tiềm lực tài chính lại nhỏ.
“Tại một số thời điểm, một số nơi còn xảy ra tình trạng thiếu cục bộ một số thuốc hiếm”, bà Lan thừa nhận.