Bảo vệ người dân trên không gian số

Thực hiện công cuộc chuyển đổi số quốc gia, quá trình thực hiện các giao dịch trên không gian mạng, một bộ phận không nhỏ người dân có nguy cơ lộ lọt thông tin cá nhân, vô hình trung tạo điều kiện cho tội phạm lợi dụng để trục lợi. Nhằm lấp lỗ hổng này, ngành chức năng đã tăng cường các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin cá nhân.

Trong giai đoạn đẩy mạnh và tăng tốc chuyển đổi số như hiện nay, nhiều đối tượng xấu đã lợi dụng sự bùng nổ về công nghệ thông tin, những tiện ích mà công nghệ mang lại để thực hiện nhiều vụ lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt tài sản có giá trị cao. Tình trạng này xuất hiện tại nhiều địa phương trong cả nước, xuất phát từ việc trong quá trình thực hiện các giao dịch trên không gian mạng, nhiều người dân đã vô tình để lộ lọt dữ liệu thông tin cá nhân khiến tội phạm công nghệ cao lợi dụng để lừa đảo.

Thượng tá Nguyễn Trường Diệu, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Hà Tĩnh cho biết, giai đoạn hiện nay hoạt động của tội phạm công nghệ cao không còn bị giới hạn trong một phạm vi địa lý nhất định mà có tính lưu động, liên tỉnh, xuyên quốc gia, tác động lớn đến tình hình ANTT. Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đánh bạc, tổ chức đánh bạc là các hình thức phạm tội thường gặp trên không gian mạng. Đây không chỉ là vấn đề riêng của Hà Tĩnh mà là vấn đề nhức nhối của các tỉnh, thành phố khác trên cả nước.

Thời gian gần đây, mở rộng hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng, Công an Hà Tĩnh đã hiệp đồng tác chiến với Công an các nước Lào, Philippines, Campuchia triệt phá nhiều đường dây lừa đảo quy mô lớn, bắt giữ hàng trăm đối tượng với số tiền lừa đảo lên đến hàng trăm tỷ đồng, nạn nhân chủ yếu là người Việt Nam.

Công an Hà Tĩnh tuyên truyền phòng, chống tội phạm lừa đảo qua không gian mạng.

Công an Hà Tĩnh tuyên truyền phòng, chống tội phạm lừa đảo qua không gian mạng.

Điển hình, ngày 10/2/2025, Công an Hà Tĩnh phối hợp với Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ công an, Cục Cảnh sát hình sự, Cơ quan đại diện Bộ Công an tại Campuchia (AC5) và lực lượng Cảnh sát các nước Philippines, Campuchia, Đồn biên phòng Cửa khẩu Mộc Bài, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tây Ninh bắt giữ 56 đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại thủ đô Phnôm Pênh (Campuchia). Đây là đường dây lừa đảo dưới hình thức đầu tư tiền điện tử Bitcoin (BTC) trên ứng dụng UNISAT và lừa đảo làm nhiệm vụ TikTok, hoạt động tinh vi, xuyên quốc gia, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho nhiều nạn nhân. Các đối tượng chủ yếu là người Việt Nam qua các nước nói trên làm việc, được đào tạo để trở thành công cụ lừa đảo chính những người Việt trong nước.

Phương thức là sử dụng các tài khoản Facebook ảo, khoác lên mình vỏ bọc doanh nhân thành đạt để tiếp cận những người phụ nữ trung niên Việt Nam – thường là những người đơn thân, thiếu thốn tình cảm, từng bước thiết lập mối quan hệ thân thiết với nạn nhân. Sau đó, thuyết phục nạn nhân cùng đầu tư Bitcoin (BTC) trên sàn UNISAT để chiếm đoạt tài sản. Với những cách thức hoạt động tinh vi, chuyên nghiệp, tổ chức lừa đảo quốc tế này đã lừa đảo hàng nghìn bị hại là người Việt Nam, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng.

Trước đó, vào tháng 8/2024, Công an Hà Tĩnh phối hợp với các lực lượng chức năng của Lào bắt gọn 155 đối tượng trong đường dây lừa đảo xuyên quốc gia tại Đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng. Thông qua hình thức giả danh là người thành công, giàu có, doanh nhân nhưng độc thân trên nền tảng mạng xã hội, các đối tượng trong đường dây đã tiếp cận, kết bạn các nạn nhân độc thân, trung tuổi, có điều kiện về kinh tế, tạo nên các mối quan hệ yêu đương trên mạng rồi lừa đầu tư kinh doanh khách sạn trên ứng dụng ảo tên OYO để chiếm đoạt tiền đầu tư.

Theo thống kê, trong năm 2024, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh ghi nhận khoảng 100 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thiệt hại khoảng 80 tỷ đồng. Để đấu tranh mạnh với tội phạm trên không gian mạng, đồng thời bảo vệ người dân trên nền tảng không gian số, thời gian qua Công an Hà Tĩnh chủ động ban hành và chỉ đạo triển khai nhiều kế hoạch, đề án về công tác phòng, chống tội phạm. Trọng tâm là các loại tội phạm trên không gian mạng và mở nhiều đợt cao điểm phòng, chống các loại tội phạm, vi phạm pháp luật gắn với phòng, chống tội phạm công nghệ cao.

Trong năm 2024, Công an các đơn vị, địa phương trên địa bàn toàn tỉnh đã kịp thời ngăn chặn 152 vụ lừa đảo trên không gian mạng với số tiền gần 10,2 tỷ đồng. Đối với tội phạm công nghệ cao liên quan đến lừa đảo, buôn người và buôn bán vũ khí, Công an Hà Tĩnh đã điều tra, khám phá 52 vụ, 299 đối tượng, trong đó đã triệt xóa 9 đường dây với 228 đối tượng hoạt động chuyên nghiệp với quy mô lớn trên cả nước, xuyên quốc gia.

Cũng trong thời gian qua, tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo lực lượng Công an phối hợp với Sở TT&TT cùng các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp đồng bộ nhằm bảo vệ an toàn dữ liệu cho người dân khi tham gia giao dịch trên không gian số. Trong đó, tập trung tuyên truyền các nội dung về đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin và những mối đe dọa tiềm ẩn liên quan đến an toàn thông tin, các hành vi lừa đảo trên môi trường mạng hiện nay. Hướng dẫn người dân xây dựng phương án bảo mật thông tin nhằm triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn thông tin theo quy định, đảm bảo an toàn thông tin cho tài khoản cá nhân khi tham gia chuyển đổi số và giao dịch trên môi trường mạng.

Cùng với đó, tổ chức Cuộc thi trực tuyến nâng cao nhận thức về an toàn thông tin trên không gian mạng. Tuyên truyền, nâng cao hiểu biết, trang bị các kỹ năng số cơ bản, khai thác và sử dụng an toàn các dịch vụ số và các nền tảng số khác; tổ chức các lớp diễn tập thực chiến để đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin. Tổ Chuyển đổi số cộng đồng tích cực hướng dẫn người dân nâng cao kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số, thực hiện các giao dịch điện tử; phòng, tránh lừa đảo qua mạng, các biện pháp bảo đảm an toàn thông tin cho tài khoản cá nhân trong quá trình giao dịch. Tăng cường các biện pháp bảo mật thông tin, phòng ngừa, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Chuẩn hóa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; kiểm tra, đánh giá việc đảm bảo an toàn thông tin các hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước; tăng cường bảo mật thông tin qua app VNeID và triển khai sinh trắc học trên các ứng dụng của các ngân hàng để tăng cường mức độ bảo mật cao cho khách hàng.

Công an Hà Tĩnh sẽ cụ thể hóa các quy định pháp lý về bảo vệ dữ liệu cá nhân và an toàn thông tin, đồng thời có chế tài xử lý vi phạm nhằm răn đe và xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến an ninh mạng và bảo mật thông tin. Đồng thời, tham mưu cơ quan chức năng tiếp tục đầu tư, nâng cấp đảm bảo tuyệt đối an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin, các nền tảng cơ sở dữ liệu của nhà nước để kịp thời phát hiện, phát hiện sớm và ứng phó với các sự cố an ninh mạng khi cung cấp các dịch vụ trực tuyến cho người dân trên địa bàn theo quy định.

Thiên Thảo

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/cong-nghe/bao-ve-nguoi-dan-tren-khong-gian-so-i759491/
Zalo