Bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản
Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trong hoạt động khai thác khoáng sản được các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm, hướng đến phát triển kinh tế xanh và bền vững.
Nỗ lực kiểm soát
Tại huyện Bình Sơn hiện có 22 mỏ đất, đá được tỉnh cấp phép khai thác. UBND huyện chỉ đạo Phòng TN&MT phối hợp với các địa phương liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động tại các điểm mỏ, nhất là công tác BVMT. Qua đó, kịp thời nhắc nhở các doanh nghiệp (DN) khắc phục, xử lý những vấn đề liên quan đến bụi, tiếng ồn, xả nước thải.
Trưởng phòng TN&MT huyện Bình Sơn Nguyễn Minh Hoàng cho biết, hầu hết các chủ mỏ thực hiện đúng các quy định của pháp luật về BVMT trong quá trình khai thác đất, đá. Riêng các mỏ đá thì DN còn chú trọng đầu tư ứng dụng kỹ thuật mới nên giảm đáng kể độ rung chấn, ồn và bụi trong quá trình khai thác. Tuy nhiên, quá trình vận chuyển khoáng sản, một số chủ mỏ chưa thực hiện đầy đủ và kịp thời các biện pháp BVMT, dẫn đến bụi và tiếng ồn, ảnh hưởng đến việc đi lại và cuộc sống của người dân. Để chấn chỉnh tình trạng này, Phòng TN&MT phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương liên quan tổ chức kiểm tra và yêu cầu chủ mỏ khắc phục kịp thời.
Theo Sở TN&MT, công tác BVMT trong lĩnh vực khai thác khoáng sản được chú trọng theo nguyên tắc: Hoạt động khoáng sản phải lấy hiệu quả kinh tế - xã hội và BVMT làm tiêu chuẩn cơ bản để quyết định đầu tư. Chính vì vậy, sở không quy hoạch và không tham mưu UBND tỉnh cấp phép thăm dò, khai thác đối với các mỏ trong khu vực cấm hoạt động khoáng sản và định hướng phát triển du lịch, hoặc ảnh hưởng đến người dân, môi trường. Đồng thời, khi tham mưu cấp phép khai thác, ưu tiên đối với các DN áp dụng công nghệ khai thác tiên tiến, phù hợp với quy mô, đặc điểm từng mỏ, loại khoáng sản để thu hồi tối đa khoáng sản, giảm tác động tiêu cực đến môi trường. Ngoài ra, Sở TN&MT cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý hoặc tham mưu xử lý kịp thời những vấn đề liên quan đến môi trường, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Khắc phục những tồn tại
Bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động khai thác khoáng sản tại một số khu vực còn có những tồn tại, bất cập như: Làm phát sinh các chất thải nguy hiểm, gây ô nhiễm không khí, nguồn nước; ảnh hưởng đến các vùng rừng và diện tích đất rừng xung quanh khu vực khai thác, dẫn đến suy giảm đa dạng sinh học.
Điều 67 Luật BVMT quy định, tổ chức, cá nhân tiến hành thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản phải có phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường và thực hiện các yêu cầu về bảo vệ, cải tạo và phục hồi môi trường. Cụ thể, phải có phương án thu gom, xử lý nước thải và chất thải rắn theo quy định; có biện pháp ngăn ngừa, hạn chế việc phát tán bụi, xả khí thải và tác động xấu khác đến môi trường xung quanh; có phương án cải tạo, phục hồi môi trường và tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản và chấp hành việc ký quỹ BVMT theo quy định.
Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Đàm Bàng cho hay, bên cạnh nhắc nhở các chủ mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn tuân thủ nghiêm các quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng kỹ thuật, các biện pháp BVMT và an toàn lao động, huyện chỉ đạo các phòng, ban và địa phương thường xuyên giám sát hoạt động tại các điểm mỏ. Qua đó, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những trường hợp vi phạm.
Về phía ngành chuyên môn, Sở TN&MT tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý khai thác khoáng sản; tham mưu cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản đảm bảo phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch gắn với yêu cầu về BVMT, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và các tài nguyên thiên nhiên khác. Đồng thời, nâng cao chất lượng của các đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết BVMT của tổ chức, cá nhân khi thực hiện các công trình, dự án liên quan đến khai thác khoáng sản, BVMT.