Bảo vệ lợi ích, an ninh, an toàn cộng đồng
Phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại là một trong những công tác trọng điểm của Tổng cục Hải quan, qua đó góp phần bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia, an ninh, an toàn cộng đồng.
Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với đồng chí Lưu Mạnh Tưởng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan xung quanh vấn đề này.
Phóng viên (PV): Vào dịp cuối năm, nhất là những ngày giáp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại được Tổng cục Hải quan triển khai như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Lưu Mạnh Tưởng: Công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại được Tổng cục Hải quan triển khai thường xuyên, liên tục trên tất cả các địa bàn, các tuyến theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của cơ quan hải quan.
Trong dịp cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, khi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại luôn được Tổng cục Hải quan tăng cường và có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều lực lượng chức năng trong cả nước. Tổng cục Hải quan đã ban hành kế hoạch cao điểm đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Thời gian thực hiện kế hoạch từ ngày 15-11-2024 đến 15-3-2025.
Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo, yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố, các đơn vị nghiệp vụ thuộc Tổng cục Hải quan tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại trước, trong và sau Tết; tập trung vào các tuyến, địa bàn, mặt hàng trọng điểm nhằm chủ động phát hiện, kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực hải quan. Từ đó, các cục hải quan địa phương xây dựng kế hoạch, triển khai cụ thể đến từng địa bàn, lĩnh vực theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.
PV: Thưa đồng chí, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả năm 2024 có điểm gì khác biệt so với những năm trước?
Đồng chí Lưu Mạnh Tưởng: Năm 2024, lực lượng kiểm soát hải quan đã phát hiện, bắt giữ 16.390 vụ, hoàn thành và vượt chỉ tiêu được giao; khởi tố 24 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 157 vụ.
Trong năm 2024, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới tăng cả về số vụ và trị giá hàng hóa so với cùng kỳ năm 2023 (tăng 12,12% về số vụ và tăng 154,09% về trị giá hàng hóa vi phạm). Chủ yếu gia tăng các vụ việc vi phạm hành chính (tăng 14,2% so với năm 2023), số thu ngân sách nhà nước từ xử lý vi phạm đạt 901,7 tỷ đồng (tăng 24,3% về số vụ, 90,13% về số tiền thu ngân sách nhà nước so với cùng kỳ năm 2023).
Trong đó, số vụ vi phạm tại tuyến đường biển tăng cao, chiếm hơn 50% số vụ phát hiện, bắt giữ và xử lý năm 2024, tăng 637,09% so với cùng kỳ năm 2023. Số vụ vi phạm ở tuyến đường bộ giảm 33,82% so với cùng kỳ năm 2023. Tuyến hàng không, chuyển phát nhanh và bưu điện giảm 53,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Tại địa bàn ngoài cửa khẩu trong các khu công nghiệp nổi lên hiện tượng: Nhập khẩu nguyên liệu để gia công, sản xuất xuất khẩu nhưng không xuất khẩu sản phẩm mà bán tiêu thụ nội địa, hoặc không xuất khẩu sản phẩm gia công mà thực tế xuất khẩu mặt hàng khác, không rõ nguồn gốc, xuất xứ để hợp thức hóa số nguyên liệu đã nhập khẩu nhằm buôn lậu, trốn thuế. Khai báo nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ mới trong khi thực tế là máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng không được phép nhập khẩu.
Trong đó nổi lên hành vi: "Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng miễn thuế không đúng mục đích mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan hải quan" để trốn thuế.
PV: Giải pháp được Tổng cục Hải quan triển khai và thực hiện trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại như thế nào để đấu tranh đạt hiệu quả, thưa đồng chí?
Đồng chí Lưu Mạnh Tưởng: Tổng cục Hải quan đã tập trung vào các giải pháp: Luôn bám sát và thực hiện quyết liệt các chỉ đạo, chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Tài chính về tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, công tác phòng, chống ma túy, phòng, chống tội phạm.
Thường xuyên cập nhật thông tin cảnh báo, các phương thức, thủ đoạn, xu hướng mới của tội phạm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và ma túy vào tiêu thụ tại Việt Nam, nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng chuyên môn về công tác kiểm soát chống buôn lậu. Kiểm soát các lô hàng vận chuyển độc lập, vận chuyển kết hợp, các lô hàng có độ rủi ro cao để ngăn chặn, phát hiện vi phạm thông qua việc thực hiện dừng thông quan, can thiệp đột xuất một số lô hàng xuất khẩu, hàng nhập khẩu chuyển cửa khẩu.
Đồng thời, hiện đại hóa trang thiết bị kiểm tra, giám sát hải quan, như: Hệ thống máy soi container, máy soi hành lý, camera giám sát, thiết bị phát hiện nhanh ma túy, seal điện tử... phục vụ công tác giám sát trực tuyến, soi chiếu, phân tích hình ảnh để kiểm tra, kiểm soát đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu, hành lý của hành khách xuất, nhập cảnh.
Qua đó bảo đảm vừa tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, vừa phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ, ma túy qua địa bàn hoạt động hải quan.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!