Bảo vệ di tích trước nguy cơ cháy nổ

Không ít vụ cháy di tích và cơ sở tôn giáo xảy ra, gây thiệt hại lớn về vật chất và làm tổn hại, mất mát các di vật quý giá. Vụ cháy tại di tích quốc gia chùa Vẽ (phường Thọ Xương, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) mới đây tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ cháy nổ tại cơ sở thờ tự, nhất là trong mùa lễ hội đầu năm...

Khi di tích bị “bà hỏa” ghé thăm

Chùa Vẽ (tên chữ là Huyền Khuê Tự) thuộc phường Thọ Xương, thành phố Bắc Giang. Trải qua nhiều lần tu sửa, hiện nay chùa gồm các hạng mục công trình chính: tam bảo, nhà Tổ, nhà Mẫu, nhà khách, hai dãy hành lang. Giá trị nghệ thuật của ngôi chùa được thể hiện ở tòa tam bảo gồm 5 gian 2 chái Tiền đường nối với 3 gian Thượng điện tạo bình đồ kiến trúc hình chữ Đinh. Trong chùa còn lưu giữ nhiều hiện vật, đồ thờ có niên đại thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII), thời Nguyễn (thế kỷ XIX-XX). Chùa Vẽ được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích nghệ thuật quốc gia năm 1994.

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang, vụ cháy tại chùa Vẽ xảy ra lúc 1 giờ 18 phút ngày 10/2 đã gây cháy toàn bộ Tòa Tam bảo, bao gồm 5 gian 2 chái tòa Tiền đường và 3 gian Thượng điện với tổng diện tích 263 m2; cùng với 25 pho tượng; 8 bức hoành phi, 5 đôi câu đối, một số cửa võng, hương án... Các hạng mục khác như hai dãy hành lang, nhà Tổ, nhà Mẫu, nhà khách được bảo vệ an toàn; không có thiệt hại về người.

Hiện trường vụ cháy tại chùa Vẽ. Ảnh: P. Thủy.

Hiện trường vụ cháy tại chùa Vẽ. Ảnh: P. Thủy.

Cuối năm 2024, chùa Phổ Quang có niên đại hơn 800 năm tuổi ở xã Xuân Lũng (huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) cũng bị cháy, làm hư hỏng nhiều di vật, cổ vật có giá trị. Trong đó có Bàn thờ Phật bằng đá - bảo vật quốc gia.

Trước đó, một số vụ hỏa hoạn cũng đã xảy ra tại các di tích tôn giáo, cơ sở thờ tự ở nhiều tỉnh, thành phố. Như vụ cháy chùa Thuyền Lâm (thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế); vụ cháy Đền Phụ Quốc ở thôn Tam Tảo (Tiên Du, Bắc Ninh)… cũng thiêu rụi nhiều hiện vật, cổ vật đã có tuổi đời hàng trăm năm, được người dân, chính quyền địa phương và cơ sở thờ tự gìn giữ qua nhiều thế hệ.

Có thể thấy, sau mỗi vụ cháy di tích, nguyên nhân được làm rõ, bài học được rút ra. Song tình trạng cháy nổ vẫn tái diễn. Từ đó, đặt ra băn khoăn về hiệu quả của công tác phòng cháy chữa cháy tại các di tích?

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Những ngày đầu Xuân, các di tích như đình, chùa, đền… luôn đón lượng lớn du khách và người dân địa phương đến tham quan, chiêm bái. Dòng người đông đúc, việc thắp nến, hương, đốt vàng mã… tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao do nhiều kết cấu của các chùa xây dựng bằng gỗ, trang trí bằng vải, giấy.

Theo ghi nhận của phóng viên, trong những ngày đầu xuân Ất Tỵ 2025, tại một số di tích, cơ sở tôn giáo trên địa bàn Hà Nội đón tiếp rất đông du khách tới chiêm bái và tham gia lễ hội. Như Phủ Tây Hồ, điểm tâm linh nổi tiếng tại Hà Nội, thu hút hàng nghìn du khách mỗi ngày. Bởi vậy, nơi đây luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao.

Để đảm bảo an toàn, ông Trương Tín Hồi - Trưởng ban Quản lý Di tích Phủ Tây Hồ cho biết: “Chúng tôi luôn trang bị đầy đủ thiết bị phòng cháy chữa cháy, phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng để tổ chức tập huấn kỹ năng xử lý tình huống cho cán bộ, nhân viên Ban Quản lý. Điều này không chỉ giúp bảo đảm an toàn mà còn tạo sự yên tâm cho du khách khi đến lễ tại Phủ”.

Người dân đốt vàng mã ở phủ Tây Hồ. Ảnh: P. Sỹ.

Người dân đốt vàng mã ở phủ Tây Hồ. Ảnh: P. Sỹ.

Cũng nằm trên địa bàn quận Tây Hồ là chùa Trấn Quốc. Trước và sau những ngày giáp và sau Tết, nơi đây đón tiếp hàng nghìn lượt du khách vì vậy công tác phòng, chống cháy nổ cũng được đặc biệt quan tâm. Các khu vực thờ cúng và nơi hóa vàng đã được tập trung quy định tại một điểm, luôn có lực lượng chức năng túc trực đảm bảo xử lý những tình huống bất ngờ có thể xảy ra.

Cách chùa Trấn Quốc không xa là đền Quán Thánh (quận Ba Đình) - một trong những điểm thu hút rất đông du khách những ngày đầu năm. Ông Bùi Hồng Sơn - Thủ từ đền Quán Thánh cho biết, trước Tết, ban lãnh đạo quận Ba Đình đã họp và quán triệt tất cả các di tích lịch sử trên địa bàn luôn luôn phải đảm bảo công tác phòng chống cháy nổ, sẵn sàng ứng phó khi phát sinh tình huồng.

“Mặc dù chúng tôi đã rất nỗ lực trong công tác tuyên truyền, tuy nhiên vẫn còn những trường hợp đốt vàng mã sai quy cách và thắp quá nhiều hương. Ban Quản lý di tích đền Quán Thánh liên tục phải giám sát, nhắc nhở kịp thời để đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ” - ông Sơn nói.

Còn theo ghi nhận tại chùa Phúc Khánh (quận Đống Đa) năm nay không xảy ra tình trạng đông đúc như mọi năm. Người dân và du khách có thể dễ dàng di chuyển vào chùa chiêm bái. Tại các lư hương cũng hạn chế người đốt hương nên không còn cảnh khói hương nghi ngút, người đi lễ chen lấn đông đúc. Thông thường hàng năm chùa Phúc Khánh tổ chức nhiều lễ hội và hoạt động tâm linh, như lễ Phật đản, lễ Vu lan, lễ Tết... nên thu hút rất đông người dân và du khách.

Tăng cường giám sát, kịp thời ứng phó

Hiện tại, cả nước đang bước vào mùa lễ hội, đây là thời điểm mà lượng lớn khách thập phương đến các đình chùa, di tích để cúng bái, thắp hương, đốt vàng mã… Sau vụ cháy chùa Vẽ và chùa Phổ Quang vừa qua, công tác phòng cháy chữa cháy trong các di tích cần được hết sức quan tâm và có những biện pháp để rà soát, ngăn chặn kịp thời.

Ông Bùi Văn Triều - Trưởng ban Quản lý khu di tích chùa Hương (Mỹ Đức - Hà Nội) cho biết, tại Lễ hội Chùa Hương 2025 cùng với những nỗ lực đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường đến áp dụng công nghệ thống tin vào quản lý, chuyển đổi số.. .thì công tác phòng cháy, chữa cháy cũng được đặc biệt quan tâm.

“Ban Quản lý di tích thường xuyên tuyên truyền cho du khách và người dân chấp hành tốt các quy định về phòng cháy, chữa cháy. Tại các khu vực thờ cúng, nơi hóa vàng đã được quy định tập trung tại một điểm. Ngoài ra, Ban Quản lý cũng trang bị đầy đủ thiết bị chữa cháy tại chỗ, bố trí lực lượng giám sát liên tục để giảm thiểu nguy cơ phát sinh cháy nổ” - ông Triều cho biết.

Theo ông Triều, đây là việc làm thường xuyên, liên tục, được Ban Quản lý di tích đặt lên hàng đầu. “Để phòng tai nạn rủi ro cũng như phòng, chống cháy nổ, chúng tôi tổ chức lực lượng tại các vị trí, thường trực, ứng trực, tiếp thu các phản ánh của người dân về các sự cố để có biện pháp kịp thời nhất” - ông Triều thông tin.

Còn tại quận Hoàn Kiếm, sau Tết nhiều di tích, đình, chùa thu hút đông du khách và ngoài nước tham quan, chiêm bái. UBND quận Hoàn Kiếm đã chỉ đạo các đơn vị triển khai nhiều biện pháp tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy tại các di tích.

Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, hiện nay, là thời điểm diễn ra nhiều lễ hội Xuân, lượng du khách đến các điểm di tích trên địa bàn quận tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ do việc sử dụng hương, nến, đèn dầu, cùng với hệ thống điện tại các di tích.

“UBND quận đã thành lập các tổ triển khai công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ nhằm hạn chế tối đa nguy cơ cháy nổ. Thường xuyên phố hợp với UBND các phường kiểm tra định kỳ và đột xuất hệ thống điện, nguồn nhiệt và các thiết bị phòng cháy tại các di tích. Cùng với đó, yêu cầu các điểm di tích trang bị đầy đủ bình chữa cháy, hệ thống báo cháy tự động và đảm bảo lối thoát hiểm thông thoáng. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền người dân và du khách tuân thủ các quy định về phòng cháy” - ông Hoàn nói.

Quận Tây Hồ cũng là địa phương có nhiều di tích và cơ sở tôn giáo thu hút đông đảo người dân và du khách. Ông Nguyễn Thanh Tịnh - Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết, với mục tiêu nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy quận đã chỉ đạo các lực lượng chức năng triển khai các hoạt động tuyên truyền, kiểm tra an toàn phòng chống cháy tại các đình, đền, chùa trên địa bàn, đảm bảo an toàn cho các hoạt động tôn giáo, đặc biệt là trong mùa du xuân và lễ hội đầu năm.

Đại diện UBND quận Ba Đình cho hay, để người dân vui Xuân trẩy hội an toàn, ngoài việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước về lễ hội, bảo đảm an ninh, trật tự, công tác phòng cháy, chữa cháy tại các lễ hội cũng được đặc biệt quan tâm. Yêu cầu các cấp, ngành, đơn vị, cơ sở trên địa bàn quận thường xuyên và định kỳ tổ chức tự kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy để phát hiện và khắc phục kịp thời các nguy cơ gây cháy. Tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện các sự cố cháy, chập dẫn đến nguy cơ cháy, nổ tại các di tích.

Ông Trần Đình Thành.

Cảnh giác với hỏa hoạn

Liên quan đến vụ cháy chùa Vẽ (phường Thọ Xương, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang), trao đổi với phóng viên, ông Trần Đình Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng, cần phải đợi đánh giá của cơ quan chức năng về nguyên nhân để xem nguyên nhân cháy do buông lỏng trong công tác quản lý hay xuất phát từ các yếu tố khác.

Hàng năm Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đều có những văn bản nhắc nhở các tỉnh, thành phố trong việc quản lý di tích. Trong đó công tác phòng cháy, chữa cháy tại di tích được đặc biệt quan tâm.

Yêu cầu Ban Quản lý di tích các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền công tác phòng cháy, chữa cháy cho nhân dân địa phương và du khách tại các điểm di tích để thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy. Rà soát toàn bộ hệ thống điện, thiết bị sử dụng điện tại các hạng mục công trình trong di tích, thay thế, sửa chữa thiết bị không bảo đảm. Không thắp hương, đèn, nến… trong di tích nếu không có người thường trực.

Việc xảy ra cháy tại một số ngôi chùa lớn thời gian qua chính là hồi chuông cảnh báo cho những di tích khác cần thực hiện nghiêm, đúng các văn bản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc phòng cháy, chữa cháy.

Phạm Sỹ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/bao-ve-di-tich-truoc-nguy-co-chay-no-10300236.html
Zalo