Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm: Sự đột phá trong tư duy

Cần xây dựng quy chế khen thưởng vượt trội để tôn vinh những tập thể, cá nhân đạt kết quả tốt.

Trên các số báo từ ngày 29-10 đến 3-11, Pháp Luật TP.HCM đã đăng tải loạt bài “Để cán bộ dám nghĩ, dám làm được bảo vệ” với những phân tích, góp ý, kiến nghị của lãnh đạo Trung ương và địa phương, chuyên gia… về việc làm sao để bảo vệ được cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Đẩy lùi căn bệnh ngồi im, thụ động, ngại việc… của cán bộ, công chức và sớm cụ thể hóa những cơ chế trong Nghị định 73 mà Chính phủ vừa ban hành về vấn đề này.

Các góp ý cũng chỉ ra những điểm còn bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn trong các quy định pháp luật, vốn là một trong những rào cản để cán bộ có thể năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và đề xuất hướng khắc phục.

 Mỗi cán bộ phải luôn tự rèn luyện bản thân, lắng nghe tâm tư, tiếng nói của người dân. Ảnh: HOÀNG GIANG

Mỗi cán bộ phải luôn tự rèn luyện bản thân, lắng nghe tâm tư, tiếng nói của người dân. Ảnh: HOÀNG GIANG

Giải tỏa tâm tư của cán bộ, công chức

Một vị lãnh đạo UBND quận 10, TP.HCM chia sẻ thời gian qua quả thực có tình trạng cán bộ né tránh, thiếu trách nhiệm, sợ sai dẫn đến chậm trễ và trì trệ trong các hoạt động công vụ. Điều này phần nào đã bào mòn và làm suy giảm niềm tin của người dân, doanh nghiệp.

Theo vị lãnh đạo này, việc Bộ Chính trị ban hành Kết luận 14 và sau đó được Chính phủ cụ thể hóa bằng Nghị định 73/2023 đã kịp thời giải tỏa tâm tư của cán bộ, công chức; tạo lòng tin, cơ sở pháp lý vững chắc để họ sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung.

Tại TP.HCM, khi thực hiện Nghị quyết 98, đa số nội dung là mới, phần lớn chưa có tiền lệ, vừa làm vừa thử nghiệm... Điều này đòi hỏi đội ngũ cán bộ TP phải không ngừng tư duy sáng tạo, chủ động tham mưu đề xuất giải pháp đối với những vấn đề mới, chưa có tiền lệ.

Nghị định 73 đã kịp thời giải tỏa tâm tư của cán bộ, công chức; tạo lòng tin, cơ sở pháp lý vững chắc để họ sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách.

Qua theo dõi và thực tế quản lý tại địa phương, vị lãnh đạo này cho hay có hai nhóm vấn đề mà đội ngũ cán bộ, công chức còn băn khoăn. Một là, sự chồng chéo giữa các quy định pháp luật hoặc chưa có trong quy định pháp luật. Hai là, liên quan đến quy trình, quy định phân công, giao việc, hướng dẫn, hỗ trợ của các cấp lãnh đạo và sự phối hợp giữa các phòng, các sở với nhau.

“Những việc này cần sự thống nhất và thông suốt” - vị này nói và cho hay Thường trực Quận ủy, UBND quận 10 thường xuyên trao đổi, nhấn mạnh với đội ngũ cán bộ, công chức là phải luôn tiên phong, xung kích, không do dự, né tránh, sợ trách nhiệm trong công việc.

UBND TP.HCM cũng vừa ban hành kế hoạch thực hiện Nghị định 73/2023. Kế hoạch nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, khuyến khích, bảo vệ cán bộ đề xuất và cán bộ, cá nhân, tổ chức thực hiện đề xuất.

Theo kế hoạch, hội nghị quán triệt Nghị định 73 sẽ được UBND TP.HCM tổ chức trong quý IV-2023 và hoàn thiện trình tự, thủ tục đề xuất, phê duyệt đề xuất đổi mới sáng tạo ở TP.

Đòi hỏi tự thân của mỗi cán bộ

Chia sẻ thêm với PV, bà Phạm Thị Thanh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, TP.HCM, cho rằng vấn đề bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm có vai trò rất quan trọng, bởi đây là khâu đột phá trong tư duy.

Bà Hiền cho hay thực tiễn công việc luôn đòi hỏi cán bộ, công chức phải có sự đột phá trong tư duy, tham mưu đề xuất và phản biện nhằm góp phần đưa địa phương ngày càng phát triển.

Từ đó, chủ tịch huyện Củ Chi đề xuất một số cơ chế, chính sách để cán bộ TP.HCM tự tin, năng động, sáng tạo và thực sự dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Cụ thể, xây dựng quy chế khen thưởng vượt trội để tôn vinh tập thể, cá nhân khi đạt kết quả tốt; có chính sách khuyến khích thỏa đáng, kể cả vật chất lẫn tinh thần.

Cạnh đó, cần quy định rõ trường hợp cán bộ dám nghĩ, dám làm vì việc chung nếu không thành công sẽ bị xử lý ra sao, mức độ vi phạm như thế nào sẽ không bị xử lý trách nhiệm…

Với những người trù dập, cản trở những người dám nghĩ, dám làm hoặc cố tình làm sai vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân phải có chế tài nghiêm minh. Một đề xuất khác, theo bà Hiền là phải xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành trong từng lĩnh vực thẩm định góp ý thực hiện các đề án, bởi giữa đổi mới, sáng tạo và cố ý làm trái khá phức tạp.

“Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất là cán bộ phải tự rèn luyện bản thân, phải thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, biết lắng nghe tiếng nói của người dân” - bà Hiền nhấn mạnh.•

Cơ sở để khắc phục việc đùn đẩy trách nhiệm

Nghị định 73 sẽ là cơ sở pháp lý rõ ràng nhất từ trước đến nay, tạo tác động lan tỏa rất tốt trong việc khắc phục tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm tại các địa phương hiện nay.

Ngay trong ngày 3-11, Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Chỉ thị 34 về tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Trong đó, yêu cầu cán bộ các cấp nâng cao ý thức trách nhiệm, lòng tự trọng trong cải cách hành chính và thực thi công vụ. Kịp thời điều chuyển, thay thế cán bộ, kể cả người đứng đầu khi có các biểu hiện né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Tôi cũng cho rằng từng tập thể và cá nhân người đứng đầu cần đề cao trách nhiệm trong việc chủ động rà soát, tự nhận diện các biểu hiện đùn đẩy, né tránh trách nhiệm để tự soi, tự sửa. Đặc biệt, người đứng đầu phải nêu gương và phải nhận trách nhiệm cao hơn khi để xảy ra các vi phạm, hạn chế của cơ quan, đơn vị; tuyệt đối không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm cho cấp dưới.

Ông NGUYỄN VĂN QUẢNG, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng

L.THOA - B.PHƯƠNG - T.VIỆT

Nguồn PLO: https://plo.vn/bao-ve-can-bo-dam-nghi-dam-lam-su-dot-pha-trong-tu-duy-post759837.html
Zalo