Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm
Khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung được xem như một 'luồng gió mới' tác động tích cực đến tâm lý xã hội và tạo niềm tin, nền tảng để cán bộ phấn đấu vượt khó, sáng tạo trong nhiệm vụ được giao.
Căn bệnh "sợ sai, né tránh trách nhiệm"
"Cán bộ sợ sai, né tránh trách nhiệm" thường xuyên được nhắc đến tại các Kỳ họp Quốc hội, các hội nghị của Chính phủ và nhiều địa phương. Thực trạng đó có biểu hiện ngày càng lan rộng và cũng không loại trừ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Đồng chí Phạm Kiên Cường, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho rằng: biểu hiện sợ sai, né tránh trách nhiệm hết sức phong phú rất nhiều lĩnh vực, ở nhiều cơ quan. Điển hình như trong việc giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh hiện nay đang rất chậm. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh liên tục đôn đốc đẩy nhanh tiến độ nhưng chuyển biến còn rất chậm. Trong đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu vật tư y tế, giải phóng mặt bằng, chọn sách giáo khoa... cũng sợ sai. Hậu quả là làm chậm lại việc giải quyết công việc, gây khó khăn thêm cho nền kinh tế, làm giảm niềm tin của nhân dân vào cán bộ, đảng viên và bộ máy công quyền.
Ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh cho rằng, rất nhiều doanh nghiệp phản ánh sự máy móc, thiếu linh hoạt trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến hoạt động đầu tư, mở rộng sản xuất của doanh nghiệp, nhất là liên quan đến các thủ tục hành chính khiến doanh nghiệp mất đi cơ hội đầu tư.
Tại buổi tiếp xúc cử tri xã Đức Ninh (Hàm Yên), cử tri phản ánh hiện nay trên địa bàn xã có 400 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất người dân nộp cho cơ quan có thẩm quyền để cấp lại nhưng đã kéo dài gần 20 năm chưa giải quyết xong, nhiều Giấy chứng nhận hiện đã thất lạc.
Ngoài ra xã còn có 1.000 Giấy chứng nhận quyền được cấp theo Chỉ thị 01 từ năm 2013 không được thế chấp ngân hàng, không được phép chuyển nhượng vì những diện tích cấp không được đo đạc chi tiết, không đủ điều kiện. Nguyên nhân và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị nào cũng chưa được làm rõ. Đồng chí Hà Xuân Khanh, Chủ tịch UBND xã Đức Ninh cho rằng việc trả lời của các cơ quan có trách nhiệm trong giải quyết những vướng mắc của người dân ngay tại hội nghị tiếp xúc cử tri cũng chưa rõ được trách nhiệm của cơ quan nào.
Thực trạng ở Đức Ninh là điển hình cho thực trạng cán bộ thấy việc khó không giải quyết dứt điểm; văn bản xin ý kiến hoặc đề nghị hướng dẫn bị "ngâm" lâu, không trả lời; việc trong thẩm quyền nhưng vẫn gửi hồ sơ lòng vòng xin ý kiến mọi nơi, mọi chỗ; không tham mưu, đề xuất; không triển khai hoặc cầm chừng, vừa làm vừa nghe ngóng... Điều đó dẫn đến nhiều việc tồn đọng kéo dài gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.
Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm
Để tránh lây lan "mầm bệnh" sợ trách nhiệm đến cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ công chức, viên chức trong tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quy định tạm thời về việc khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Theo quy định, mọi ý tưởng đổi mới, sáng tạo, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung với động cơ trong sáng đều được khuyến khích, trước hết là các ý tưởng nhằm giải quyết những nhiệm vụ đột phá, trọng tâm, cấp bách, việc mới, việc khó của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Mạnh dạn cho triển khai thí điểm đối với những kế hoạch đổi mới, sáng tạo, đột phá vào những nội dung chưa có quy định hoặc có quy định nhưng chưa rõ hoặc không còn phù hợp, còn chồng chéo, thiếu thống nhất. Việc xem xét bảo vệ cán bộ trong trường hợp có rủi ro, sai sót phải chủ động và công tâm, khách quan, toàn diện. Đây là sự khuyến khích rất kịp thời những cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá để tháo gỡ nút thắt trong cơ chế, chính sách, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.
Ông Lê Văn Cường, đảng viên chi bộ Tổ 8, phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang) cho rằng, những cán bộ dám nghĩ, dám làm thì có thể dễ sai sót, do không rập khuôn, làm việc một cách máy móc. Không thể lấy những thiếu sót hình thành định kiến, áp đặt, thậm chí quy chụp vào công tác đánh giá cán bộ một cách máy móc, làm rào cản cho sự đổi mới, sáng tạo. Đã đành cán bộ phải biết sợ sai, để tránh bị kỷ luật, bị khởi tố. Nhưng sợ đến mức không dám làm, không dám hành động gì hoặc không biết làm như thế đúng hay sai thì cần phải xem lại trình độ năng lực, phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên. Việc "hợp pháp hóa" các đổi mới, sáng tạo, đột phá của cán bộ là hết sức kịp thời.
Cốt lõi của việc điều trị căn bệnh "sợ sai, né tránh trách nhiệm" giải pháp hàng đầu là đẩy mạnh giáo dục chính trị, tư tưởng, thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Đảng, pháp luật liên quan đến trách nhiệm, quyền hạn của từng cơ quan, đơn vị, đặc biệt là trách nhiệm, nhiệm vụ mà công chức phải thực hiện. Các cơ quan chức năng cũng cần vào cuộc để đánh giá lại cán bộ của mình xem còn đủ năng lực và trình độ hay không để xử lý trách nhiệm, thậm chí là đưa ra khỏi vị trí đang đảm nhiệm.
Mặt khác, hệ thống chính sách có mặt còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn nên cần hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, rà soát bãi bỏ các quy định hoặc thói quen phải xin ý kiến, thỏa thuận, xin chủ trương, thống nhất... Hơn lúc nào hết cán bộ, công chức phải vượt lên khó khăn, thách thức để thực hiện nhiệm vụ. Trong đó, người đứng đầu cần nêu cao trách nhiệm, dám làm, dám chịu trách nhiệm, năng động, sáng tạo.