Bảo tồn văn hóa truyền thống qua tác phẩm truyện tranh về làng nghề

Chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2025, Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức giao lưu ra mắt bộ sách 'Vang danh nghề cổ, khám phá những làng nghề thủ công truyền thống của Việt Nam'.

Các tác giả và họa sĩ giao lưu tại sự kiện.

Các tác giả và họa sĩ giao lưu tại sự kiện.

Tác giả Thành Nguyễn chia sẻ khi chắp bút cho bộ sách này, anh và cộng sự không chỉ hướng tới việc cung cấp cho độc giả quy trình làm ra sản phẩm của làng nghề mà còn muốn độc giả biết được sự tài hoa của nghệ nhân Việt Nam, hiểu được văn hóa, tín ngưỡng và tập tục của vùng đất đó.

Nhóm tác giả cho biết sẽ tiếp tục theo đuổi dự án sách này dài hơi, để giới thiệu thêm nhiều làng nghề truyền thống của đất nước.

Họa sĩ NGART chia sẻ gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện nhưng khi nhìn bộ sách được hoàn thiện cô thấy vui và tự hào vì đã học hỏi và tích lũy được thêm nhiều kiến thức quý giá, giúp hiểu sâu sắc hơn về nét đẹp của nghề truyền thống và ý nghĩa của việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.

Bên cạnh phần giao lưu, khán giả nhỏ tuổi còn có cơ hội tham gia các trò chơi tương tác để tìm hiểu thêm về các làng nghề truyền thống được giới thiệu trong sách.

Bộ sách "Vang danh nghề cổ" gồm 10 tập. Ảnh: NXB Kim Đồng

Bộ sách "Vang danh nghề cổ" gồm 10 tập. Ảnh: NXB Kim Đồng

Bộ sách Vang danh nghề cổ gồm 10 tập, mỗi tập khắc họa sống động một làng nghề Việt như: gốm Bàu Trúc, lụa Lãnh Mỹ A, giấy dó bản Sừng, nước mắm Phú Quốc, trống Đọi Tam... Qua nhân vật cô bé An - người dẫn dắt xuyên suốt, các em nhỏ được đồng hành trong hành trình khám phá đầy hấp dẫn, gần gũi với thế giới tuổi thơ. Mỗi cuốn được xây dựng giống như một tập phim, vừa giàu tính hình ảnh vừa lôi cuốn về mặt nội dung, giúp trẻ em tiếp cận văn hóa truyền thống một cách tự nhiên và sinh động.

Với minh họa rực rỡ, lối kể chuyện cuốn hút và tinh thần giáo dục nhẹ nhàng, Vang danh nghề cổ là cây cầu đưa trẻ em trở về với những giá trị văn hóa truyền thống, giúp các em hiểu rằng giữ nghề là gìn giữ cả hồn cốt dân tộc.

Tình Lê

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bao-ton-van-hoa-truyen-thong-qua-tac-pham-truyen-tranh-ve-lang-nghe-2393092.html
Zalo