Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống của đồng bào Khmer
Những năm qua, tỉnh Kiên Giang đã thực hiện Tiểu dự án 6 'Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch' thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1: 2021-2025 (Chương trình 1719) đã hỗ trợ nguồn lực quan trọng và tiếp thêm động lực cho công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào gắn với phát triển du lịch.

CLB múa Khmer ấp Kênh Năm (xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng) biểu diễn phục vụ nhân dân vào dịp Tết Chôl Chnăm Thmây. Ảnh: Phan Bình
Đối với đồng bào Khmer, các loại hình nghệ thuật truyền thống được ví như “linh hồn” của dân tộc. Từ các đám tiệc đến ngày lễ, Tết cổ truyền của đồng bào đều không thể thiếu tiếng nhạc, điệu múa dân gian. Cứ hễ nhạc âm vang lên, dù là người già hay người trẻ, trai hay gái đều hào hứng hòa mình vào điệu múa tập thể. Dù được hình thành trong đời sống cộng đồng từ khá lâu, song các loại hình nghệ thuật dân gian luôn được đồng bào dân tộc, các chùa Khmer trân trọng giữ gìn, bởi đó không chỉ là món ăn tinh thần đặc sắc, mà còn là di sản vô giá của phum sóc.
Tỉnh Kiên Giang hiện có 18 chùa Khmer được trang bị phương tiện âm thanh nhạc cụ để hoạt động văn nghệ, 10 câu lạc bộ (CLB) và đội văn nghệ quần chúng Khmer hoạt động hiệu quả. Nghệ thuật truyền thống đồng bào Khmer ở Kiên Giang rất phong phú, đặc sắc như nhạc cưới, nhạc lễ, các điệu ru, làn điệu Àday đối đáp; chế tác nhạc cụ truyền thống Khmer; múa truyền thống của người Khmer; sân khấu Dù kê; sân khấu Rô băm... Thông qua các buổi sinh hoạt ở CLB múa hát Khmer, tình làng nghĩa xóm trong phum sóc ngày càng gắn bó, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Khmer.
Ông Danh Thiệm, Chủ nhiệm CLB múa Khmer ấp Kênh Năm (xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng) cho biết: Hầu hết các điệu múa truyền thống Khmer đều vui nhộn, được thể hiện qua sự phối hợp nhịp nhàng, sinh động của các động tác tay chân theo từng điệu nhạc. Các điệu múa có thể múa thành vòng tròn hoặc múa thành hàng và không giới hạn số người tham gia.
“Múa Rom vong chiếm vị trí quan trọng trong các cuộc sinh hoạt tập thể gắn cuộc sống đời thường, các lễ hội cổ truyền của dân tộc hay trong các nghi lễ tín ngưỡng truyền thống của dân tộc. Đi kèm với điệu múa là những nhạc cụ đặc trưng như trống Sadăm, chiêng, dàn nhạc ngũ âm...” - ông Thiệm nói. Vì vậy, thời gian qua, ông Danh Thiệm không ngại khó khăn truyền dạy các điệu múa, bài ca truyền thống của đồng bào Khmer cho các bạn trẻ.
Từ niềm tự hào với nghệ thuật truyền thống của đồng bào Khmer, nhiều bạn trẻ đã tích cực tham gia vào các CLB, nhóm văn nghệ của các chùa Khmer để có một sân chơi thỏa mãn niềm đam mê, đồng thời góp sức phục vụ các lễ hội của phum sóc.
Anh Danh Dệ, Chủ nhiệm CLB Dù kê Khmer ấp Vĩnh Lợi (xã Vĩnh Thạnh, huyện Giồng Riềng) cho biết: “Tại các buổi biểu diễn, CLB chú trọng đổi mới nội dung, thể hiện tinh thần yêu quê hương, đất nước của đồng bào Khmer. Thời gian qua, CLB duy trì sinh hoạt sau ngày làm việc, tạo điều kiện cho mọi người gắn kết với nhau hơn”.
Dù bận mưu sinh, học tập, các thành viên trong CLB Dù kê Khmer ấp Vĩnh Lợi vẫn thường xuyên duy trì sinh hoạt, luyện tập. Chị Thạch Sa Ry, thành viên CLB Dù kê Khmer ấp Vĩnh Lợi cho biết: “Em yêu nghệ thuật truyền thống của dân tộc Khmer, sau những buổi phụ giúp mẹ buôn bán, làm việc nhà xong, em tranh thủ đến chùa để tham gia tập luyện Dù kê cùng các anh chị. Sau thời gian tập luyện thuần thục, em được tham gia biểu diễn trong các dịp lễ hội của đồng bào Khmer”.
Để giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số, tỉnh Kiên Giang đã xây dựng và triển khai thực hiện “Đề án bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2025” gắn với phát triển du lịch để vừa khai thác, vừa bảo tồn. Theo ông Danh Phúc, Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Kiên Giang, mục tiêu của đề án nhằm góp phần thực hiện tốt công tác văn hóa dân tộc, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào Khmer, phù hợp với mục tiêu phát triển toàn diện; tăng cường nguồn lực cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer.
“Theo đó, biên soạn sách chuyên khảo về 4 loại hình nghệ thuật truyền thống Khmer tiêu biểu của tỉnh, gồm nghệ thuật âm nhạc và sân khấu dân gian Khmer, nghệ thuật kiến trúc chùa tháp Khmer, văn học dân gian Khmer, lễ hội truyền thống Khmer ở Kiên Giang. Đồng thời, mở các lớp truyền dạy về nghệ thuật truyền thống Khmer để tạo ra đội ngũ nghệ nhân, diễn viên, nhạc công kế thừa (trong đó, ưu tiên mở các lớp cho thanh thiếu niên Khmer về các loại hình nghệ thuật sân khấu Dù kê, ca múa dân gian Khmer, nhạc ngũ âm); xây dựng 2 đội văn nghệ quần chúng Khmer có thể biểu diễn được dàn nhạc ngũ âm, nghệ thuật sân khấu Dù kê và múa hát dân gian để làm nòng cốt phát triển phong trào luyện tập, biểu diễn nghệ thuật truyền thống Khmer tại những huyện có đông đồng bào Khmer sinh sống” - ông Danh Phúc nói.
Ông Lê Trung Hồ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, hiện nay, tỉnh Kiên Giang đã có các cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và cá nhân đầu tư, khai thác giá trị di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số vào hoạt động du lịch tại địa phương. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng các mô hình CLB, đội văn nghệ ấp, khu phố, phum sóc bảo tồn, phát huy dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số... hoạt động hiệu quả phục vụ phát triển du lịch.
Dù trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, nhưng nghệ thuật truyền thống Khmer ở Kiên Giang đã chứng minh được vai trò hết sức quan trọng trong đời sống văn hóa, các loại hình nghệ thuật này vừa là phương tiện thực hành các nghi lễ, sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, vừa là hình thức giải trí quan trọng hàng ngày của người Khmer. Cùng với sự lan tỏa trong quá trình cộng cư, nó đã trở thành phương tiện giao lưu, góp phần củng cố đoàn kết cộng đồng. Đó là những loại hình di sản văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo, có vai trò hạt nhân để xây dựng đời sống văn hóa, văn nghệ ở cơ sở, tạo ra món ăn tinh thần đặc sắc, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.