Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong các trường học

Khai giảng năm học 2024 – 2025, Trường Liên cấp Dạ Hợp (phường Hữu Nghị, thành phố Hòa Bình) đã có phần đón khách đặc biệt. Đó là màn trình tấu chiêng Mường do các học sinh biểu diễn. Càng bất ngờ hơn khi ngôi trường hiện đại giữa trung tâm thành phố quan tâm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Trường đã thành lập đội chiêng Mường của học sinh, mời nghệ nhân ưu tú Bùi Tiến Xô, xã Vĩnh Tiến (Kim Bôi) đến truyền dạy chiêng Mường và nhạc cụ dân tộc Mường… Đây chỉ là một trong nhiều ngôi trường trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã và đang nỗ lực, có những cách làm khác nhau để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Khai giảng năm học 2024 – 2025, Trường Liên cấp Dạ Hợp (phường Hữu Nghị, thành phố Hòa Bình) đã có phần đón khách đặc biệt. Đó là màn trình tấu chiêng Mường do các học sinh biểu diễn. Càng bất ngờ hơn khi ngôi trường hiện đại giữa trung tâm thành phố quan tâm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Trường đã thành lập đội chiêng Mường của học sinh, mời nghệ nhân ưu tú Bùi Tiến Xô, xã Vĩnh Tiến (Kim Bôi) đến truyền dạy chiêng Mường và nhạc cụ dân tộc Mường… Đây chỉ là một trong nhiều ngôi trường trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã và đang nỗ lực, có những cách làm khác nhau để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Tiết mục đặc sắc, đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mông của Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS&THPT B Mai Châu tham gia Hội thi Văn nghệ, thể thao các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú tỉnh Hòa Bình năm 2024.

Tiết mục đặc sắc, đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mông của Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS&THPT B Mai Châu tham gia Hội thi Văn nghệ, thể thao các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú tỉnh Hòa Bình năm 2024.

Để khuyến khích hoạt động bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong các trường học, đầu tháng 10 vừa qua, tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh, Sở GD&ĐT tổ chức Hội thi Văn nghệ, thể thao các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú tỉnh Hòa Bình năm 2024. Tất cả 24 trường loại hình này trong tỉnh đã tham gia với gần 400 học sinh thi văn nghệ, gần 900 vận động viên thi thể thao. Các tiết mục văn nghệ được dàn dựng công phu, đặc sắc, đậm bản sắc các dân tộc thiểu số như: Mường, Thái, Tày, Mông, Dao. Phần thi thể thao cũng là các bộ môn thể thao dân tộc như: đẩy gậy, kéo co… Đây thực sự là sân chơi bổ ích, hấp dẫn, giúp học sinh thêm hiểu, thêm yêu giá trị văn hóa của dân tộc mình.

Gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là nhiệm vụ quan trọng. Thông qua môi trường giáo dục sẽ giúp học sinh hiểu biết về truyền thống, bản sắc văn hóa của các dân tộc; hình thành sự tự tôn, tự hào về văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Tuy nhiên trên thực tế, bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh nguy cơ bị mai một, phai nhạt. Đối với người trẻ tuổi, học sinh, sinh viên, văn hóa dân tộc thiểu số dường như chỉ còn hiển hiện rõ nét hơn cả qua những bộ trang phục. Vì vậy, những năm qua, cùng với giáo dục tri thức, đạo đức cho học sinh, Sở GD&ĐT luôn quan tâm, chỉ đạo giáo dục cho học sinh tình yêu quê hương, mảnh đất nơi mình sinh ra và lớn lên. Đặc biệt là giáo dục cho các em việc tìm hiểu, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc tỉnh nhà. Qua đó, giúp các em thấy tự hào khi được sinh ra và lớn lên trên quê hương Hòa Bình.

Đồng chí Nguyễn Quang Minh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Ngành luôn quan tâm nâng cao trách nhiệm của cán bộ, giáo viên trong việc giáo dục tình yêu, lòng tự tôn, tự hào với bản sắc văn hóa các dân tộc tỉnh nhà cho học sinh. Phát huy vai trò của ban giám hiệu, các đoàn thể, đội ngũ giáo viên chủ nhiệm lớp, giáo viên bộ môn, giáo viên làm Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong việc tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp, rèn kỹ năng sống. Nội dung các hoạt động giáo dục giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc được tổ chức thiết thực, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi học sinh và điều kiện thực tế của trường. Giáo dục về bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số cho học sinh được thực hiện qua các tiết học giáo dục địa phương, hoạt động ngoại khóa. Một số trường còn sáng tạo thiết kế khu vực trưng bày hiện vật gồm những sản phẩm văn hóa dân tộc đặc trưng như: trang phục, vật dụng sinh hoạt, chiêng… để học sinh tham quan, tìm hiểu và sử dụng trong dịp lễ hội.

Bên cạnh yêu cầu học sinh mặc trang phục dân tộc vào các ngày theo quy định, nhất là đối với trường dân tộc nội trú, các trường còn đặc biệt quan tâm tổ chức các hoạt động khóa. Các trường, Sở GD&ĐT đã tổ chức các hội thi tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc Mường, Thái, Tày, Dao. Đây là hoạt động được tổ chức thường xuyên giữa các cụm trường THPT. Qua đó, tạo sân chơi bổ ích, hấp dẫn, giúp mở rộng kiến thức, nâng cao kỹ năng sống, trải nghiệm cho học sinh. Đồng thời, giáo dục lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc; giúp các em có ý thức bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tỉnh nhà.

Dương Liễu

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/249/194809/bao-ton-va-phat-huy-ban-sac-van-hoa-dan-toc-tr111ng-cac-truong-hoc.htm
Zalo