Bảo tồn tiếng Chăm từ những lớp học đầu đời
Việc giảng dạy tiếng dân tộc thiểu số Chăm cho học sinh là một phần quan trọng trong nỗ lực bảo tồn ngôn ngữ, văn hóa của cộng đồng. Trường Tiểu học 'D' Châu Phong (TX. Tân Châu) và Tiểu học 'A' Khánh Hòa (huyện Châu Phú) đang tổ chức lớp học này, dành cho học sinh từ lớp 3 đến lớp 5.
Chương trình được khởi xướng từ năm 1989, dựa trên tài liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Tây Ninh. Đến năm 2018, bộ giáo trình mới do TS Phú Văn Hẳn chủ biên, được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang nghiệm thu, mang lại khung chương trình hoàn thiện hơn. Dù chưa phải là sách giáo khoa chính thức, nhưng bộ giáo trình này giúp hàng trăm học sinh dân tộc thiểu số Chăm tiếp cận ngôn ngữ mẹ đẻ một cách hệ thống và bài bản.
Mỗi tuần, các em tham gia 2 tiết học tiếng Chăm, rèn luyện 4 kỹ năng (nghe, nói, đọc và viết), với sự hỗ trợ của các công cụ trực quan. Tuy nhiên, dù nỗ lực lớn, chương trình giảng dạy tiếng Chăm vẫn gặp nhiều thách thức, khi tỉnh chỉ có 4 giáo viên đảm nhận, bao gồm các vị trí thức lớn tuổi được mời dạy thỉnh giảng. Đây là những người am hiểu sâu sắc về ngôn ngữ và văn hóa Chăm, nhưng sự thiếu hụt nhân lực trẻ kế thừa đặt ra nhiều khó khăn. Hiện nay, An Giang không có chương trình đào tạo đại học chuyên ngành sư phạm tiếng Chăm, cũng không có khóa bồi dưỡng ngắn hạn, khiến việc duy trì và phát triển chương trình gặp nhiều trở ngại.
Thầy Zac Ky Da (giáo viên dạy tiếng Chăm tại Trường Tiểu học “D” Châu Phong) chia sẻ: “Mục tiêu của tôi là giúp các em có thể nghe, nói, đọc và viết tiếng Chăm một cách thuần thục. Dạy tiếng Chăm không chỉ là dạy chữ viết, mà còn là trao truyền văn hóa”. Hơn 7 năm kinh nghiệm, thầy Da coi việc giảng dạy tiếng Chăm là một sứ mệnh. Nhờ sự tận tâm của thầy, các học sinh dần vượt qua khó khăn, ngày càng tự tin hơn khi sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ.
Gia đình cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ học sinh học tiếng Chăm. Anh Ahmad (ba của Ah Math AB Dol Halim, học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học “D” Châu Phong) bày tỏ niềm vui khi con mình được học tiếng Chăm tại trường. Anh cho biết: “Điều này giúp cháu hiểu về gốc gác và giữ gìn văn hóa của mình. Gia đình tôi thường xuyên sử dụng tiếng Chăm trò chuyện, giúp Halim thực hành, trau dồi kỹ năng ngôn ngữ hàng ngày”. Sự ủng hộ từ phụ huynh như anh Ahmad là động lực lớn để nhà trường và giáo viên tiếp tục duy trì chương trình.
Tuy nhiên, chương trình giảng dạy tiếng Chăm còn gặp nhiều khó khăn. Thầy Lê Công Hùng (Hiệu trưởng Trường Tiểu học “D” Châu Phong) chia sẻ rằng, giáo viên dạy tiếng Chăm không được ký hợp đồng dài hạn, không có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Kỳ vọng trong tương lai, Bộ GD&ĐT sẽ phê duyệt sách giáo khoa tiếng Chăm, cung cấp tài liệu chất lượng cho học sinh từ đầu năm học, đồng thời cải thiện chế độ để thu hút thêm nguồn nhân lực trẻ vào giảng dạy tiếng Chăm.
Sở GD&ĐT An Giang đã có một số chính sách hỗ trợ, dù chưa thực sự toàn diện. Giáo viên dạy tiếng Chăm được nhận hỗ trợ 52.000 đồng/tiết dạy, được tham gia tập huấn nâng cao phương pháp giảng dạy. Tuy vậy, để chương trình phát triển bền vững, nhiều ý kiến cho rằng cần có chế độ đãi ngộ tốt hơn, đầu tư thêm về tài liệu và trang thiết bị dạy học. Các giáo viên cũng mong muốn Bộ GD&ĐT ban hành sách giáo khoa tiếng Chăm phù hợp với đặc thù tỉnh An Giang, tạo điều kiện học tập thuận lợi hơn cho học sinh.
Theo đánh giá của Sở GD&ĐT, chương trình dạy tiếng Chăm đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhiều học sinh sau khi hoàn thành khóa học có thể nghe, nói, đọc, viết thành thạo. Một số em lớn thậm chí có thể viết đoạn văn ngắn bằng tiếng Chăm. Việc học tiếng Chăm không chỉ giúp các em giữ gìn bản sắc dân tộc, mà còn hỗ trợ tích cực trong việc học tiếng Việt, giúp học sinh tiếp cận môn học khác toàn diện hơn.
Giảng dạy tiếng Chăm tại An Giang là một phần của hành trình bảo tồn bản sắc và ngôn ngữ dân tộc. Dù còn nhiều thử thách phía trước, nhưng nhờ sự cống hiến của giáo viên, sự ủng hộ của phụ huynh và cộng đồng, chương trình đã tạo nên nền tảng vững chắc cho thế hệ trẻ người Chăm tại An Giang. Hy vọng, với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các cấp quản lý, chính sách phù hợp, tiếng Chăm sẽ được duy trì, trở thành một biểu tượng văn hóa sống động trong cộng đồng đa dân tộc của tỉnh.