Bảo tồn, phát huy thể thơ Đường luật bằng tiếng Việt và tiếng Tày

Cách đây hơn 500 năm, thơ Đường luật đã xuất hiện ở Cao Bằng. Sự xuất hiện của thơ Đường luật và các tác phẩm thơ Đường luật đánh dấu sự tích cực tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, Việt hóa nó với mục đích làm phát triển phong phú thêm văn hóa dân tộc của ông cha ta. Thể thơ viết theo luật Đường trở thành một thể thơ truyền thống, là di sản mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, nhiều bài thơ viết theo thể luật Đường trở thành những viên ngọc lung linh tỏa sáng trong kho tàng thơ ca của cộng đồng các dân tộc sinh sống ở khu vực Việt Bắc nói chung, đặc biệt là của cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng ở Cao Bằng nói riêng.

Người Cao Bằng sáng tác thơ Đường luật bằng cả tiếng Hán, chữ Nôm Tày, tiếng Tày và tiếng Việt. Bởi vậy, ngoài những đặc trưng của thơ Đường luật nói chung thì thơ Đường luật ở Cao Bằng lại có những đặc điểm hiếm thấy, đó là thơ Đường luật Cao Bằng thường được thể hiện bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau như: Nôm Tày - Tày - Việt - Hán. Đây là đặc trưng mang tính chất riêng biệt của thơ Đường luật Cao Bằng.

Thơ Đường luật bằng cả tiếng Việt và tiếng Tày, Nùng chính là tinh hoa văn hóa vô cùng quý báu mà các thế hệ cha ông ở Cao Bằng đã sáng tạo. Thể loại thơ này góp phần tô điểm, làm giàu, làm đẹp thêm truyền thống văn hóa, văn học, ngôn ngữ của các dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn tỉnh trong hàng trăm năm qua, nhưng hiện nay đang có nguy cơ bị lãng quên và mai một. Chính vì thế, vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị của thể thơ Đường luật bằng cả tiếng Việt và tiếng Tày, Nùng là một việc làm cấp bách và cần thiết bởi theo dòng thời gian, thể thơ này đã dần bị đặt ra ngoài luồng nhận thức phổ thông.

Nếu tiến hành một cuộc trắc nghiệm nhanh với những câu hỏi dành cho lớp trẻ hôm nay: Thơ Đường luật là gì? Thơ Đường luật có nguồn gốc từ đâu? Bạn có biết bài thơ Đường luật nào không?... Chắc chắn rằng số người không trả lời được những câu hỏi này sẽ chiếm trên 90%. Điều đó nói lên rằng di sản thơ Đường luật đã và đang bị mai một trầm trọng, nếu không có ngay những giải pháp tích cực thì trong tương lai, di sản thơ Đường luật rất dễ rơi vào tình trạng hoàn toàn bị quên lãng. Bởi hầu hết thế hệ trẻ hiện tại tư duy rất thực dụng, họ chỉ quan tâm đến những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi chính trị, kinh tế của họ hoặc có quan tâm đến lĩnh vực thơ ca cũng chỉ ưa thích dòng thơ mới. Họ không còn mặn mà với những vần thơ dễ nhớ, dễ thuộc, đậm đà bản sắc dân tộc thuở nào.

Hơn nữa, trên địa bàn tỉnh hiện nay, số lượng người có thể sáng tác thơ Đường luật bằng tiếng Việt nói chung và tiếng Tày, Nùng nói riêng ngày càng thưa dần. Điều đó đồng nghĩa với việc tất cả những di sản, những thông điệp mà người yêu thơ gửi gắm lại đang bị đặt trong tình trạng khó tiếp cận và khó nghiên cứu, thế hệ trẻ đang vô tình đánh mất kho tàng vô giá mà cha ông để lại... Trước những thực trạng đó, chúng ta cần làm gì để bảo tồn, phát huy thể thơ truyền thống, cổ xưa đã ghi những dấu ấn quan trọng trong đời sống văn hóa của cộng đồng các dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh.

Hội viên Hội thơ Đường luật tỉnh đọc thơ tại Ngày thơ Việt Nam. Ảnh Thủy Tiên

Hội viên Hội thơ Đường luật tỉnh đọc thơ tại Ngày thơ Việt Nam. Ảnh Thủy Tiên

Để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc, chúng ta cần thành lập nhóm thu thập tài liệu về thơ Đường luật đang lưu truyền trong đời sống cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh và nghiên cứu về giá trị của những tài liệu đã thu thập được. Tổ chức cuộc thi sáng tác thơ Đường luật bằng cả 2 ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Tày; tổ chức các cuộc thi bình thơ Đường luật theo chủ đề, chủ điểm. Mở lớp tập huấn về sáng tác thơ Đường luật. Tuyên truyền sâu rộng về giá trị của thể thơ Đường luật trong các trường học nói chung và người yêu thơ nói riêng; đẩy mạnh công tác phát triển hội viên Hội thơ Đường luật ở các địa phương trong tỉnh.

Có như vậy, những áng thơ Đường luật cũng như nhiều tác phẩm văn chương với nhiều giáo huấn, đạo lý sâu sắc được thể hiện trong các bài thơ Đường luật mới được lưu giữ, góp phần quan trọng trong việc quảng bá, gìn giữ ngôn ngữ, văn hóa, văn học đang đứng trước nguy cơ bị mai một.

Việc bảo tồn và phát huy thể thơ Đường luật bằng cả tiếng Việt và tiếng Tày, Nùng là một việc làm có ý nghĩa. Qua đó, chúng ta thấy rằng một thể thơ có khuôn khổ gò bó, thể cách chặt chẽ tưởng không có khả năng thể hiện nhiều trạng thái tình cảm khác nhau như thơ Đường luật, trong thực tế lại là một trong những thể loại hàm chứa nhiều ưu điểm, có khả năng kỳ diệu để thể hiện nhiều trạng thái tình cảm, cảm xúc, thẩm mỹ. Do vậy, thể thơ Đường luật đã trở thành niềm tự hào, là nét văn hóa truyền thống quý giá của quê hương Cao Bằng.

Triệu Thị Kiều Dung

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/bao-ton-phat-huy-the-tho-duong-luat-bang-tieng-viet-va-tieng-tay-3174333.html
Zalo