Phiên chợ Tết xuyên biên giới Việt - Lào
Bắt đầu từ tháng 12 năm nay, cứ vào thứ 7 hàng tuần, những người bạn Lào ở bên kia biên giới nằm sát cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị lại đem những sản vật của địa phương đến với chợ phiên xuyên biên giới.
Chợ phiên xuyên biên giới diễn ra dịp giáp Tết, người dân không chỉ trao đổi mua bán hàng hóa mà còn gặp gỡ, vui chơi, giao lưu văn hóa của các dân tộc 2 bên biên giới Việt - Lào, góp phần lưu giữ nét đẹp độc đáo, đặc trưng của đồng bào vùng cao, thể hiện sinh động tình đoàn kết gắn bó lâu đời của người dân 2 nước láng giềng.
Để kịp đến phiên chợ sớm, từ ngày hôm trước chị Muk- Da, ở huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet, Lào đã làm các thủ tục nhập cảnh qua cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo. Đến với phiên chợ xuyên biên giới, chị Muk- Da mang theo nhiều thổ cẩm đặc trưng của Nhân dân các bộ tộc Lào để bày bán tại phiên chợ.
Trang phục thổ cẩm của người Lào như áo, váy, khăn đội đầu, thắt lưng được bày bán làm tăng thêm sự phong phú về chủng loại hàng hóa trong phiên chợ xuyên biên giới này. Mỗi nét hoa văn thổ cẩm trên trang phục của người Lào đều là tinh hoa văn hóa dân gian đã được chọn lọc, gìn giữ và truyền lại qua nhiều đời. Chị Muk- Da tâm sự, lần đầu tiên đem thổ cẩm đến với phiên chợ, gian hàng của chị đã thu hút rất đông du khách đến xem và mua.
“Đây là lần đầu tiên tôi tham gia một phiên chợ đặc biệt như chợ phiên biên giới Lao Bảo này. Tôi mang đến đây rất nhiều sản phẩm thổ cẩm truyền thống, các bộ trang phục có sẵn mang nét đặc trưng của người Lào chúng tôi để quảng bá, trưng bày và giới thiệu đến đông đảo người Việt Nam”.
Những ngày cuối năm 2024, dù khắp vùng đồng bằng mưa rét bao phủ nhưng phố núi Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị vẫn trải nắng vàng pha chút heo may se lạnh. Trên những con đường, người dân, du khách tìm đến chợ phiên biên giới Lao Bảo không đơn thuần chỉ để tìm mua hàng hóa mà còn trải nghiệm những nét độc đáo ở phiên chợ lần đầu tiên được tổ chức tại đây. Tiết trời nắng đẹp, chợ phiên nằm giữa thung lũng sát biên giới Việt - Lào đã trở nên sôi động, thu hút hàng nghìn người đến tham quan, mua sắm.
Chị Nguyễn Trúc Dương, ở thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị tâm sự, đến với phiên chợ biên giới, người dân, du khách trải nghiệm những điều mới mẻ, thú vị về bản sắc văn hóa địa phương của đồng bào Vân Kiều- Pa Cô và những nét độc đáo trong văn hóa của nhân dân nước bạn Lào. Những sản phẩm được bày bán do chính những người dân nơi biên giới làm ra, những sản vật đặc trưng của người Vân Kiều, Pa Cô và nước bạn Lào, các sản phẩm OCOP mang nét đặc trưng của huyện miền núi.
Theo chị Nguyễn Trúc Dương, đến với phiên chợ nay, du khách được hòa mình vào không gian văn hóa đặc sắc với các giá trị văn hóa phi vật thể được lưu giữ từ ngàn đời của đồng bào người Vân Kiều, Pa Cô và các bộ tộc Lào anh em qua các điệu múa, lời ca mang đậm hơi thở của núi rừng. “Chợ phiên biên giới Lao Bảo là phiên chợ độc đáo vì có sự giao thoa văn hóa giữa 2 nước Việt- Lào và quảng bá văn hóa, truyền thống của người đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện vùng cao Hướng Hóa. Khi tham gia phiên chợ thì tôi thấy không khí náo nhiệt, tươi vui. Mong rằng phiên chợ sẽ diễn ra hàng tuần để có thể quảng bá văn hóa cho 2 đất nước”.
Chợ phiên xuyên biên giới diễn ra vào những ngày cuối cùng của năm 2024, đón chào mùa xuân mới năm 2025. Thị trấn Lao Bảo những ngày cuối đông vẫn còn đó những cơn gió heo may pha trong ánh nắng ấm, nét thời tiết đặc trưng của vùng phố núi giáp với nước bạn Lào. Những người bạn Lào không chỉ mang đến phiên chợ những sản vật, hàng hóa của đất nước mình mà còn mở đầu phiên chợ bằng những tiết mục nghệ thuật giàu bản sắc văn hóa.
Các bạn Lào sinh sống tại bản Sadenvan, tỉnh Savannakhet mang đến phiên chợ điệu múa Sải chay Lào - Việt Nam, điệu Sáo phụ thay thòn khăm, Múa phòn và mời rượu các đại biểu, người dân tại phiên chợ. Đáp lại những tình cảm của nhân dân nước bạn Lào, người Vân Kiều - Pa Cô trên dãy Trường Sơn đã biểu diễn những điệu dân ca dân vũ truyền thống thay cho lời mời nồng nhiệt và mến khách. Những nét độc đáo trong lối trình diễn cùng tiếng cồng chiêng thổi hồn vào phiên chợ xuyên biên giới, truyền nhiệt huyết và mời gọi du khách gần xa đến với phiên chợ đặc trưng này.
Để chuẩn bị cho phiên chợ, chị Hồ Họa Mi, ở xã A Bung, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị đã dành nhiều thời gian tìm kiếm nguyên liệu, chế biến những món ăn đặc trưng của đồng bào mình. Một ngày trước khi phiên chợ diễn ra, chị Mi đã dựng sẵn quầy hàng để bán hàng hóa và thực phẩm đã chuẩn bị đầy đủ cho phiên chợ sớm. Những người bán hàng vui mừng vì từ nay cứ vào thứ 7 hàng tuần họ lại có thêm điểm bán hàng ở một không gian rất thuận tiện.
Chị Hồ Họa Mi cho hay, phiên chợ diễn ra vào dịp cuối năm và giáp Tết nên các mặt hàng bày bán chủ yếu phục vụ người dân mua sắm Tết. “Đã chuẩn bị rất nhiều như gạo, gà và các món đặc sản vùng miền của mình như cơm lam, thịt nướng ống tre. Qua phiên chợ mình cũng được giao lưu nền văn hóa giữa Việt Nam và Lào. Hiện cũng giáp Tết rồi nên phiên chợ tạo không khí vui chơi và thưởng thức những nét văn hóa của vùng miền của 2 đất nước Việt- Lào, rất tuyệt vời.
Chợ phiên biên giới Lao Bảo mang sự kỳ vọng về việc ra đời và phát triển loại hình văn hóa, một nét đẹp vô cùng độc đáo, thú vị, riêng có ở vùng cao phía Tây tỉnh Quảng Trị. Ông Lê Bá Hùng, Chủ tịch UBND thị trấn Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị cho biết, địa phương mong muốn xây dựng và duy trì chợ phiên trở thành một địa chỉ trên hành trình kết nối các điểm du lịch, góp phần thu hút du khách, từng bước đa dạng hóa các sản phẩm du lịch.
Đây cũng là cơ hội để cho cư dân hai bên biên giới giao lưu, buôn bán, trao đổi hàng hóa nông lâm sản, tạo thêm việc làm và thu nhập của người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng khu vực biên giới.
Theo ông Lê Bá Hùng, các cơ quan chức năng của 2 phía Việt Nam và Lào đã và đang tạo thuận lợi cho hoạt động của người dân 2 nước tại chợ phiên.
“Tổ chức chợ phiên biên giới Lao Bảo để giao lưu văn hóa, ẩm thực giữa cư dân 2 bên biên giới, trao đổi mua bán hàng hóa nông lâm sản. Chúng tôi tổ chức hơn 50 gian hàng bao gồm hàng hóa nông lâm sản của bà con dân tộc thiểu số Vân Kiều, các sản phẩm OCOP, các sản phẩm ẩm thực của người dân nước bạn Lào đưa sang giao lưu”, ông Lê Bá Hùng thông tin.