Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Đồng bằng sông Hồng trong kỷ nguyên số
Hội thảo Khoa học Quốc gia về 'Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Đồng bằng Sông Hồng trong kỷ nguyên số' đã diễn ra thành công tốt đẹp.
.t1 { text-align: justify; }
Ngày 16/5/2025, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thái Bình phối hợp cùng Câu lạc bộ Khối các trường đào tạo Văn hóa - Nghệ thuật (trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia về “Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Đồng bằng sông Hồng trong kỷ nguyên số”.
Cũng tại hội thảo, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã trao quyết định kết nạp hội viên mới đối với Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thái Bình.
Dự hội thảo, về phía khách mời, có các đại biểu đến từ Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, lãnh đạo một số cơ sở giáo dục đại học, lãnh đạo các trường thành viên của Câu lạc bộ Khối các trường đào tạo Văn hóa - Nghệ thuật.

Toàn cảnh hội thảo
Phát biểu khai mạc, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Đào Đăng Phượng - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khối các trường đào tạo Văn hóa - Nghệ thuật nhấn mạnh, việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa – đặc biệt là di sản văn hóa vùng Đồng bằng sông Hồng, cái nôi của nền văn minh lúa nước Việt Nam trở nên hết sức cấp thiết và có ý nghĩa sâu sắc.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Đào Đăng Phượng phát biểu khai mạc hội thảo.
Thầy Phượng khẳng định, trong thời đại chuyển đổi số, công nghệ đang mở ra nhiều cơ hội mới cho công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Việc ứng dụng công nghệ số cho phép chúng ta lưu trữ, số hóa, phục dựng và phổ biến di sản một cách khoa học, hiệu quả và sống động hơn. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để tăng cường kết nối, hợp tác, chia sẻ thông tin giữa các địa phương, quốc gia và nền văn hóa.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, thầy Phượng cũng chỉ rõ các thách thức không nhỏ như nguy cơ mai một hoặc biến đổi các giá trị văn hóa truyền thống; thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao về công nghệ trong lĩnh vực di sản; và vấn đề cân bằng giữa bảo tồn với phát triển trong tiến trình đô thị hóa, công nghiệp hóa hiện nay.
Hội thảo “Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Đồng bằng sông Hồng trong kỷ nguyên số” là diễn đàn học thuật để trao đổi, thảo luận về các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong bối cảnh xã hội hiện nay. Đồng thời, hướng đến việc đề xuất các mô hình, cơ chế, chính sách và giải pháp khoa học công nghệ hiệu quả nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phù hợp với xu thế chuyển đổi số; góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát huy sức mạnh tổng hợp của nền văn hóa, con người Việt Nam.
Hội thảo tập trung vào hai chủ đề chính gồm: Nhận diện và đánh giá giá trị văn hóa vùng đồng bằng sông Hồng; Công nghệ số và bảo tồn di sản.

Các đại biểu chủ trì Hội thảo khoa học quốc gia về “Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Đồng bằng sông Hồng trong kỷ nguyên số”.
Hội thảo đã thu hút trên 70 bài viết tâm huyết đến từ các nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục, chuyên gia trong nước. Trong đó, nhiều tham luận được trình bày trực tiếp tại hội thảo là nghiên cứu sâu sắc về giá trị di sản văn hóa vùng đồng bằng sông Hồng và giải pháp ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn di sản.
Các bài viết gửi về hội thảo không chỉ phong phú về số lượng mà còn đa dạng về nội dung, kết hợp hài hòa giữa nghiên cứu lý luận và thực tiễn, giữa cách tiếp cận truyền thống và hiện đại với những luận điểm sắc bén, dẫn chứng phong phú và đề xuất giải pháp đột phá, ứng dụng công nghệ số một cách sáng tạo trong bảo tồn di sản, đồng thời không quên nhấn mạnh vai trò của cộng đồng – chủ thể sáng tạo và gìn giữ di sản.
Trong tham luận “Một số vấn đề đặt ra từ Múa rối nước Thái Bình” của Tiến sĩ Nguyễn Văn Định – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương đã khẳng định về giá trị của Múa rối nước với vai trò là một loại hình văn hóa dân gian đặc sắc của người Việt vùng Châu thổ sông Hồng. Là sản phẩm của làng Việt châu thổ, múa rối nước mang trong nó, hay nói cách khác là phản ánh đậm nét làng Việt từ cơ sở sinh thái tự nhiên đến văn hóa xã hội.
Từ đó, thầy Định cũng nêu ra một số thách thức, hạn chế hiện nay đối với loại hình nghệ thuật dân gian này, đó là nguy cơ thiếu đội ngũ kế cận, thiếu sự quan tâm của thế hệ trẻ hay quá trình đô thị hóa tác động tới không gian nông thôn dẫn đến khó khăn cho việc bảo tồn, phát huy loại hình văn hóa dân gian đặc sắc.
Còn tham luận của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Thảo - Trưởng khoa Khoa Văn hóa Nghệ thuật, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương về chủ đề “Bảo tồn, phát triển bền vững di sản thế giới vùng đồng bằng sông Hồng trong bối cảnh chuyển đổi số: Bài học kinh nghiệm trên thế giới”, tác giả đã tập trung vào việc hệ thống hóa thông tin về di sản văn hóa Đồng bằng sông Hồng từ nhiều góc độ: điều kiện tự nhiên, dân cư, các loại hình di sản cụ thể… tạo nên bức tranh toàn diện về văn hóa của vùng đất này. Từ đó, cô Thảo đề xuất giải pháp số hóa di sản và liên kết giữa địa phương với Trung ương, thể hiện được tầm nhìn về bảo tồn và phát triển văn hóa trong bối cảnh hiện nay.

Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm.
Ngoài ra, các tham luận và ý kiến trao đổi tại hội thảo cũng đã làm rõ các vấn đề lý luận và thực tiễn trong công tác bảo tồn di sản văn hóa, đồng thời mở ra các hướng tiếp cận mới trong bối cảnh chuyển đổi số. Những nội dung được trình bày là cơ sở quan trọng để các cơ sở đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực Văn hóa – Nghệ thuật tiếp tục hoàn thiện chiến lược phát triển, nâng cao chất lượng đào tạo và thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong bảo tồn di sản. Qua đó, góp phần bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững của văn hóa trong thời đại số.