Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Sán Chay

Trong bối cảnh hiện nay, sự mai một, biến mất của một số thành tố vốn là bản sắc văn hóa của tộc người Sán Chay, đặt ra nhiều thách thức trong công tác bảo tồn.

Chiều 30/8, tại thành phố Thái Nguyên, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tổ chức tọa đàm “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Sán Chay trong đời sống đương đại”.

Tọa đàm có sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu và đặc biệt là các nghệ nhân, đại diện đồng bào dân tộc Sán Chay thuộc ba tỉnh gồm Thái Nguyên, Tuyên Quang và Yên Bái.

 Trình diễn trang phục dân tộc Sán Chay tại chương trình tọa đàm. Ảnh: Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Trình diễn trang phục dân tộc Sán Chay tại chương trình tọa đàm. Ảnh: Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Dân tộc Sán Chay thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái, dân số trên 200.000 người, cư trú chủ yếu ở các tỉnh vùng Đông Bắc.

Hiện người Sán Chay vẫn bảo lưu một số giá trị văn hóa vật chất, tinh thần được thể hiện qua trang phục, ẩm thực, sinh hoạt, tín ngưỡng, lễ hội, ngôn ngữ, văn hóa nghệ thuật dân gian…

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, sự mai một, biến mất của một số thành tố vốn là bản sắc văn hóa của tộc người Sán Chay, đặt ra nhiều thách thức trong công tác bảo tồn. Nhiều giá trị văn hóa từng được xem là đặc trưng, bản sắc độc đáo có nguy cơ bị mai một như các lễ hội dân gian, phong tục tập quán truyền thống dần ít được thực hiện, hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian như dân ca, dân vũ bị suy giảm, nhiều nhạc cụ dân tộc không còn được nhiều người am hiểu yêu thích…

Ban tổ chức đã nhận được gần 20 bài tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa, đại diện các địa phương nơi cộng đồng Sán Chay cư trú.

Các tham luận tập trung vào một số nội dung: Khẳng định giá trị di sản văn hóa dân tộc Sán Chay trong đời sống tộc người; Đánh giá thực trạng việc bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống tộc người thông qua phong tục, tập quán, đời sống, sinh hoạt, nghi lễ, hoạt động của các Câu lạc bộ Sán Chay; Định hướng, giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Sán Chay trong đời sống hiện nay…

Nhiều ý kiến mang lại góc nhìn đa dạng, sâu sắc về mối quan hệ giữa bảo tàng - di sản văn hóa dân tộc Sán Chay - khách tham quan. Từ đó đưa ra các quan điểm, cách tiếp cận, phương pháp giáo dục lịch sử văn hóa địa phương; Tăng cường gắn kết giữa du lịch với giáo dục di sản văn hóa; Đẩy mạnh liên kết giữa bảo tàng và các công ty lữ hành trong việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc…

Theo đại diện Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Sán Chay, cần tích cực quan tâm, hỗ trợ nghệ nhân những người đang nắm giữ tri thức, kinh nghiệm liên quan đến di sản văn hóa của tộc người và động viên khuyến khích họ trao truyền những tri thức, kinh nghiệm cho thế hệ trẻ.

Ngoài ra, có thể mở các lớp truyền dạy, tập huấn về phương pháp bảo tồn, kỹ năng và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn mỗi tỉnh. Bên cạnh đó, cũng cần làm tốt công tác tuyên truyền về bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Sán Chay bằng các hình thức phù hợp như trên phương tiện thông tin, mạng xã hội, thông qua các hoạt động trong từng đơn vị (trường học, đoàn thể thanh niên, mặt trận, công đoàn, phụ nữ…).

Khánh Ngọc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bao-ton-phat-huy-gia-tri-di-san-van-hoa-dan-toc-san-chay-post310092.html
Zalo