Bảo tồn, phát huy bảo vật tiêu biểu

Thực hiện chương trình bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, bảo vật tiêu biểu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025, trong tháng 4-5/2024, Bảo tàng Hà Nam phối hợp Viện Nghiên cứu Hán nôm, Viện Khảo cổ học, Viện Trần Tông (Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức khảo sát, nghiên cứu một số hiện vật tiêu biểu lưu giữ tại bảo tàng và di tích tiêu biểu. Kết quả khảo sát, nghiên cứu làm căn cứ khoa học để có định hướng, giải pháp quản lý, bảo vệ, phát huy, khẳng định dấu ấn tinh hoa, giá trị lịch sử, văn hóa của mảnh đất, con người Hà Nam trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc.

Giáo sư Tống Trung Tín cùng Bảo tàng Hà Nam khảo sát khánh đá chùa Điều.

Giáo sư Tống Trung Tín cùng Bảo tàng Hà Nam khảo sát khánh đá chùa Điều.

Mặt trống đồng Vũ Bản

Có niên đại khoảng 2500-2000 năm cách ngày nay (thuộc cổ vật Văn hóa Đông Sơn), trống được các ông Nguyễn Văn Hưng, Trần Đình Đô phát hiện trong lúc đào ao (ngày 16/6/2015) tại xóm Miễu (Vũ Bản, Bình Lục). Khi đưa về Bảo tàng Hà Nam trống chỉ còn mặt và tang trống. Mặt trống có kích thước lớn, vành hoa văn trang trí rất phong phú, độc đáo. Giữa mặt trống đúc nổi hình ngôi sao 16 cánh, từ tâm trống trở ra có 19 vành hoa văn trang trí. Điểm độc đáo, đặc sắc nhất của mặt trống Vũ Bản là vành hoa trang trí số 6, 12 có dày đặc hình người, động vật diễu hành quanh ngôi sao theo hướng ngược chiều kim đồng hồ, gồm nhóm người mặc áo lông chim đang nhảy múa, người giã gạo chày đôi, người đánh trống, nhà sàn mái cong… Bên cạnh đó, vành số 9 cũng trang trí khác lạ với hoa văn hình chữ S kép rất to; hai bên sườn chữ S có họa tiết hình hai con chim cách điệu đang bay. Tang trống có 6 hình thuyền chạm hình người ngồi chèo thuyền xen kẽ hình con thú (chim mỏ dài quặp, cá) và hoa văn hình học… Căn cứ cấu trúc của trống (hiện còn phần mặt và tang trống) thì đây là chiếc trống đồng có kích thước khá lớn, trang trí hoa văn phong phú, độc đáo tương tự như trống đồng Ngọc Lũ I (được công nhận Bảo vật Quốc gia đợt I/2013). Vì vậy trống Vũ Bản có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, góp phần khẳng định địa bàn Hà Nam từ thời vua Hùng dựng nước từng là một trong những trung tâm của nền Văn hóa Đông Sơn. Như vậy, với trống đồng Vũ Bản, số trống đồng phát hiện trên đất Hà Nam đã tăng lên con số 21, trở thành tỉnh có số lượng trống đồng lớn nhất khu vực đồng bằng Bắc Bộ.

Bộ tượng Kim Cương chùa Đọi Sơn (Tiên Sơn, Duy Tiên)

Có niên đại vào thời Lý (thế kỷ XI), bộ tượng Kim Cương (6 pho) ở chùa Đọi Sơn có mối liên quan mật thiết với công trình kiến trúc thời Lý, bộ phận không thể thiếu của tháp Sùng Thiện Diên Linh (cao 13 tầng). Theo sách khảo cứu về Phật học, tượng Kim Cương gồm 8 vị (Bát vị Kim Cương) là những thần tướng nhà Trời đi hộ vệ đức Phật. Bài minh văn trên bia đá Sùng Thiện Diên Linh có ghi: “Tầng dưới đặt 8 vị tướng khôi ngô, có thần nhân chống gươm ủng hộ”. 8 vị “thần nhân chống gươm ủng hộ” đó là Bát vị Kim Cương. Hiện nay ở chùa hiện còn 6 pho, 2 pho đã thất lạc. Như vậy trong các di tích thời Lý còn lại ở nước ta thì số tượng Kim Cương ở đây nhiều nhất, hoàn chỉnh nhất. Bộ tượng được tạc bằng đá sa thạch nguyên khối, dáng võ quan khỏe mạnh, hai tay trước bụng, chống lên thanh kiếm, đầu đội mũ có chỏm tròn trên đỉnh, bó sát đầu, ôm lấy hai bên mang tai cho đến tận cằm. Thân tượng vận giáp trụ, bó sát người xuống tận dưới đầu gối, ngực áo có hai xoáy lớn. Vai có hình mặt hổ phù, phía trước bụng có dải hình chiếc khánh. Thân áo điểm hoa cúc chạm nổi nhiều cánh. Chân đi hài cao cổ. Bộ tượng Kim Cương gồm 6 pho, mỗi pho là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc có giá trị tiêu biểu. Hình thức chạm khắc rất độc đáo, chau chuốt, tỉ mỉ thể hiện trình độ, tay nghề, óc thẩm mỹ rất cao mang đặc trưng mỹ thuật thời Lý thể hiện nhân sinh quan, thế giới quan và hệ tư tưởng Phật giáo. Bộ tượng Kim Cương cũng là nguồn tư liệu vô cùng quý giá cho các nhà nghiên cứu về trang phục cổ dưới triều nhà Lý, trang phục truyền thống của nước Đại Việt xưa. Tượng Kim Cương là một trong những cổ vật quý. Những nét hoa văn đặc trưng dưới triều đại nhà Lý thể hiện sự hưng vượng về nghệ thuật và chính trị, mang đậm nền văn hóa Đại Việt.

Khánh đá Chùa Điều (Vũ Bản, Bình Lục)

Có niên đại vào đời Chính Hòa thứ 13 (thế kỷ XVII), khánh mang hình cánh dơi, nặng 350kg, cao 95cm, rộng 195cm, dầy 7cm, kết cấu chia làm 4 phần (trán, vai, tay, lòng). Khánh chùa Điều là khánh đá cổ nhất hiện nay ở Hà Nam và cả nước. Khánh mang chức năng là một trong môn đạo khí của Phật pháp, vừa đậm nét truyền thống vừa mang phong cách tạo khắc hết sức độc đáo so với những khánh đồng, khánh đá đã được các nhà nghiên cứu sưu tầm, giới thiệu. Nếu so với: khánh đồng niên đại đời Vĩnh Trị thứ 2 (1677), chùa Thiên Mụ (Huế) được coi là cổ nhất; khánh đồng chùa Đại Bi (Hoài Đức, Hà Nội) làm đời Cảnh Hưng thứ 6 (1745) và khánh đá chùa Tam Sơn (Tiên Sơn, Bắc Ninh) làm cuối thế kỷ XVII… khánh đá chùa Điều tạo lập năm Chính Hòa thứ 13 (1692) là một trong những khánh đá có niên đại sớm nhất còn tồn tại trong cả nước. Giá trị của khánh thể hiện ở kích thước lớn nhất, niên đại cổ nhất, nghệ thuật chạm khắc đặc sắc nhất, văn tự phong phú nhất, bao trùm một minh triết sâu sắc quán thông giữa đạo và đời, hồi tưởng về một thời thịnh trị của đạo Phật trên một vùng quê sầm uất xưa: Thái ấp nhà Trần.

Để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ di vật, cổ vật, đồ thờ tự có giá trị, Bảo tàng Hà Nam đã tham mưu với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập huấn, tuyên truyền, phổ biến Luật Di sản văn hóa, trọng tâm là nội dung về công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích, giá trị di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia cho thành viên ban quản lý di tích các địa phương. Tham mưu với tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương về công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị các di tích và bảo vật quốc gia. Xây dựng, triển khai phương án bảo vệ đặc biệt đối với bảo vật quốc gia, chú trọng biện pháp phòng, chống cháy, nổ, trộm cắp, thiên tai… Tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc, quy trình, kỹ thuật theo hướng dẫn của các nhà khoa học, các chuyên gia về bảo quản. Triển khai hiệu quả chương trình quảng bá, giới thiệu về giá trị của bảo vật quốc gia tới đông đảo công chúng. Bảo tàng Hà Nam cũng đang tham mưu với ngành chủ quản về việc hướng dẫn các địa phương sắp xếp không gian thờ tại những di tích đã được xếp hạng, góp phần bảo đảm tính thẩm mỹ, tôn nghiêm, thành kính, định hướng kịp thời để bảo tồn, nâng cao và phát huy giá trị di tích, phục vụ nhu cầu sinh hoạt tâm linh tín ngưỡng của nhân dân, du khách. Khai thác có hiệu quả giá trị di tích phục vụ phát triển du lịch. Bảo tàng tỉnh Hà Nam cũng đã phối hợp với chuyên gia Viện nghiên cứu Hán Nôm, Viện sử học, Viện Khảo cổ học, Viện Trần Nhân Tông… khảo sát, nghiên cứu một số hiện vật cổ tiêu biểu tại Bảo tàng tỉnh và các di tích. Đồng thời, nghiên cứu, rà soát, lựa chọn một số hiện vật tiêu biểu có thể đáp ứng các tiêu chí theo quy định; đề xuất, báo cáo xin chủ trương UBND tỉnh về lập hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật quốc gia đợt 13 năm 2024. Việc xây dựng hồ sơ công nhận bảo vật quốc gia nhằm tạo cơ sở pháp lý trong quản lý, bảo vệ, tuyên truyền, quảng bá bảo vật gắn với hoạt động du lịch, đóng góp vào sự phát triển bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.

Đỗ Văn Hiến, Giám đốc Bảo tàng Hà Nam

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/van-hoa/di-san/bao-ton-phat-huy-bao-vat-tieu-bieu-135194.html
Zalo