Tết Trung Thu

Tết Trung Thu hay còn gọi là Tết Thiếu nhi là ngày 15 tháng 8 Âm lịch. Vào dịp này, các gia đình đoàn tụ để cùng nhau phá cỗ, ăn bánh và thưởng thức ánh trăng rằm trong trẻo, sáng lung linh; trẻ em được rước đèn, múa lân… vui chơi thỏa thích.

Theo tích xưa, Tết Trung thu bắt đầu từ đời nhà Ðường, thời vua Duệ Tôn, niên hiệu Văn Minh. Năm ấy vào đêm khuya rằm tháng tám, gió mát, trăng tròn thật đẹp, trong khi ngự chơi ngoài thành, nhà vua gặp một vị tiên giáng thế trong lốt một ông lão đầu bạc phơ như tuyết. Vị tiên hóa phép tạo một chiếc cầu vồng, một đầu giáp cung trăng, một đầu chám mặt đất, và nhà vua trèo lên cầu vồng đi đến cung trăng và dạo chơi nơi cung Quảng. Trở về trần thế, vua luyến tiếc cảnh cung trăng đầy thơ mộng, nhà vua đặt ra Tết Trung thu.

Đèn ông sao truyền thống.

Đèn ông sao truyền thống.

Tết Trung Thu ở nước ta thường gắn liền với nhiều truyền thuyết khác nhau, tuy nhiên, trong văn hóa Việt Nam, câu chuyện về chị Hằng và chú Cuội là phổ biến nhất. Theo truyền thuyết, chú Cuội là người chăm sóc cây đa thần kỳ. Một ngày nọ, do sơ ý của vợ, cây đa bị nhổ bật rễ bay lên trời, mang theo cả Cuội. Từ đó, Cuội sống trên mặt trăng, mỗi đêm ngồi dưới gốc cây đa nhìn về trần gian. Trong đêm rằm tháng Tám, khi mặt trăng sáng nhất, người ta có thể nhìn thấy hình ảnh của chú Cuội và cây đa trên mặt trăng.

Tết Trung Thu là Tết của thiếu nhi, vào dịp này, trẻ em sẽ được tặng quà, tham gia vào các hoạt động vui chơi như: rước đèn ông sao, múa lân và tham gia phá cỗ. Và mâm cỗ Tết Trung Thu không thể thiếu bánh nướng, bánh dẻo, biểu tượng cho sự đoàn tụ và hòa thuận của gia đình, và các loại hoa quả đặc trưng như: Hồng, bưởi, hạt dẻ… Vào dịp Tết Trung Thu, các cơ quan, đơn vị, trường học, gia đình thường bày cỗ cho trẻ em, các mâm cỗ được trang trí vô cùng đẹp mắt với nhiều loại trái cây, bánh kẹo và đặc biệt là bánh trung thu.

Tết trung thu, khắp đường làng ở nông thôn cũng như các tuyến phố ở thành thị lại nhộn nhịp tiếng trống cùng những điệu múa Lân rộn ràng. Đội múa Lân gồm một người đội chiếc đầu lân và chỉ huy cả đội múa những điệu bộ của con vật này theo nhịp trống. Múa Lân đêm trung thu là ước mong cho những điềm lành đến với mọi nhà, mọi người.

Cuộc sống ngày càng phát triển, những năm gần đây, Tết Trung Thu được tổ chức phong phú và đa dạng, tuy nhiên vẫn giữ nguyên giá trị truyền thống và ý nghĩa đoàn viên, sum họp.. Các khu vui chơi, tổ dân phố, cơ quan, trường học tổ chức bày cỗ, trang trí không gian cho trẻ em vui chơi, chụp ảnh… thể hiện tình thân hữu và kết nối gắn bó trong cộng đồng và gia đình. Sự tích về chị Hằng, chú Cuội cùng với các hoạt động vui chơi, phá cỗ, làm bánh đã tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh về Tết Trung Thu, làm cho nó trở thành một trong những dịp lễ quan trọng nhất trong năm của người Việt.

Thiên tai khiến nhiều em nhỏ không có nhà để về.

Thiên tai khiến nhiều em nhỏ không có nhà để về.

Tết Trung Thu năm 2024 là ngày 17/9 (ngày 15/8 Âm lịch) diễn ra trong thời điểm nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có Cao Bằng vừa trải qua một trận bão lũ lịch sử. Trước những tổn thất nặng nề cả về người, tài sản của người dân, trường học, cơ sở y tế bị hư hại; nhiều công trình cơ sở hạ tầng, nhất là các tuyến đường giao thông bị sạt lở, chia cắt; hoạt động sản xuất, đời sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là tại các địa phương khu vực miền núi, trong tuần qua, nhiều tỉnh, thành phố, ban, ngành đã ra quyết định, thông báo dừng các hoạt động lễ hội, vui chơi để dành kinh phí ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3. nhiều trường học đã thông báo dừng tổ chức các chương trình vui Tết Trung thu để dành nguồn lực ủng hộ đồng bào đang gặp khó khăn do bão lũ. Đây không chỉ là hành động thiết thực mà còn là cách nhà trường lan tỏa giá trị nhân ái và tinh thần cộng đồng. Nhà trường luôn đặt mình trong sứ mệnh không chỉ giáo dục mà còn truyền cảm hứng về tình yêu thương, lòng nhân ái và trách nhiệm xã hội.

Nhân dịp Tết Trung thu 2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã gửi thư cho các cháu thiếu niên, nhi đồng Việt Nam ở trong và ngoài nước, các cháu người nước ngoài ở Việt Nam.Trong thư có viết: "Trung Thu năm nay không được trọn vẹn bởi thiên tai đã gây ra những hậu quả nặng nề đối với nhiều gia đình, thôn xóm, bản làng, phường xã. Nhiều cháu thiếu nhi không may bị cướp đi sinh mạng, nhiều cháu mất người thân, mất nhà cửa, sống trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bác xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới thân nhân, gia quyến các cháu là nạn nhân của bão lũ và hy vọng tất cả chúng ta hãy dũng cảm vượt qua đau thương, mất mát này. Với các cháu ở những vùng bão, lũ, Bác dặn các cháu luôn chú ý an toàn khi học tập, vui chơi. Hãy tránh xa những nơi nguy hiểm, không chơi đùa gần sông, suối, ao hồ, luôn nhớ lời cha mẹ, thầy cô giáo để tự bảo vệ bản thân và bạn bè".

Tết Trung Thu là cái tết mà các em nhỏ mong chờ nhất trong năm, để thiếu nhi vùng lũ không bị thiệt thòi, được đón Tết Trung Thu ấm áp, tràn đầy yêu thương, nhiều hoạt động thăm hỏi, tặng quà đã được tổ chức. Với sự chung tay của cả cộng đồng, những đau thương và khó khăn do thiên tai gây ra sẽ sớm lành và cuộc sống của người dân vùng lũ sẽ nhanh chóng ổn định trở lại.

Trang Nguyễn

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/tet-trung-thu-3172145.html
Zalo