Bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền 'Văn hóa Hòa Bình'

Hòa Bình là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa, một trong những cái nôi của người Việt cổ. Trong tỉnh có nhiều dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mường là cư dân bản địa, có cùng nguồn gốc với người Việt cổ, cư trú ở nhiều tỉnh phía Bắc, nhưng tập trung đông nhất là ở tỉnh Hòa Bình với nền

Hòa Bình là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa, một trong những cái nôi của người Việt cổ. Trong tỉnh có nhiều dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mường là cư dân bản địa, có cùng nguồn gốc với người Việt cổ, cư trú ở nhiều tỉnh phía Bắc, nhưng tập trung đông nhất là ở tỉnh Hòa Bình với nền "Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng đã kết tinh nên vẻ đẹp của vùng đất, con người Hòa Bình.

Đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy thăm các hộ dân xã Phong Phú, huyện Tân Lạc.

Đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy thăm các hộ dân xã Phong Phú, huyện Tân Lạc.

Quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển văn hóa bền vững, xây dựng và phát triển con người là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, lâu dài, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; yếu tố con người mang tính quyết định mọi thắng lợi của cách mạng và công cuộc đổi mới đất nước. Văn hóa được xác định là khâu đột phá chiến lược trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các địa phương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai những cách làm sáng tạo, hiệu quả.

Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hòa Bình đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xu thế hội nhập quốc tế. Ngày 11/10/2021, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa (DSVH) các dân tộc tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Tỉnh đã tập trung chỉ đạo các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa con người Hòa Bình. Theo đó, hệ thống DSVH vật thể, phi vật thể phong phú và hết sức quý báu của các dân tộc đã được quan tâm đầu tư bảo tồn, phát huy tương đối hiệu quả, làm cho giá trị các DSVH thấm sâu, lan tỏa rộng rãi trong đời sống xã hội. Mối quan hệ giữa bảo tồn, bảo vệ và khai thác, phát huy DSVH các dân tộc gắn với phát triển du lịch bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được xử lý tương đối hài hòa. Những kết quả trên là cơ sở để xây dựng và phát triển văn hóa, con người, góp phần phát triển nhanh và bền vững tỉnh Hòa Bình trong giai đoạn mới.

Ngày 24/11/2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt Đề án "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình" giai đoạn 2023 - 2030”, xác định người dân là chủ thể trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa. Bảo tồn, phát huy các giá trị tốt đẹp, đặc sắc gắn với xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Biến giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình" trở thành tài sản phát triển; việc đầu tư cần phù hợp với quy hoạch. Qua đó, huy động nguồn lực đầu tư, quản lý, bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị DSVH truyền thống, DSVH khảo cổ gắn với phát triển du lịch bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Đề án chủ trương đầu tư xây dựng một số khu bảo tồn, khu không gian bảo tồn DSVH dân tộc Mường, Mo Mường; phục chế giá trị văn hóa vật thể; bảo tồn và phát triển 5 điểm du lịch cộng đồng; phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể dân tộc Mường; tăng cường quảng bá, phát huy nền Văn hóa Hòa Bình. Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường phải gắn với xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, phát huy những giá trị tốt đẹp, đặc sắc, gắn với xây dựng văn hóa Mường, con người Mường, giáo dục đạo đức, lối sống tốt đẹp cho thế hệ trẻ. Coi giá trị văn hóa dân tộc là nền tảng tinh thần, là động lực phát triển kinh tế, do đó phải bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường phù hợp với thời đại, với quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH địa phương…

Hiện tỉnh đang triển khai những công việc cụ thể như: Quy hoạch xây dựng các hạng mục trong khu bảo tồn không gian văn hóa dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch tại xã Phong Phú, huyện Tân Lạc. Phối hợp với Viện Âm nhạc và các tỉnh, thành phố đã hoàn thiện bộ hồ sơ khoa học DSVH Mo Mường trình Thủ tướng Chính phủ đệ trình tổ chức UNESCO ghi danh vào danh sách DSVH phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Tiến hành kiểm kê, sưu tầm DSVH phi vật thể của dân tộc Mường.

Về bảo tồn và phát huy nền "Văn hóa Hòa Bình”, đã hoàn thiện hồ sơ khoa học di tích hang xóm Trại và Mái đá Làng Vành, huyện Lạc Sơn, trình Chính phủ quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt theo quy định… Tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình" giai đoạn 2023 - 2030”. Định hướng mục tiêu cụ thể, hướng đi bài bản, đề cao vai trò, trách nhiệm của thành viên Ban chỉ đạo từ tỉnh xuống cơ sở, tỉnh đang chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa hướng tới hình thành không gian bảo tồn nền Văn hóa Hòa Bình, phát huy cao độ giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền Văn hóa Hòa Bình trong thời gian tới.

Lê Chung

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/190745/bao-ton-gia-tri-van-hoa-dan-toc-muong-va-nen-van-hoa-hoa-binh.htm
Zalo