Bảo tồn di sản thiên nhiên hoang dã qua lăng kính nghệ thuật hội họa

Khi những cánh rừng dần lùi xa khỏi ký ức đô thị, hội họa có thể là chiếc cầu nối đưa con người trở về với thiên nhiên, không phải bằng lý trí, mà bằng cảm xúc.

Triển lãm “Nghệ thuật hoang dã - Thiên nhiên qua mắt một họa sĩ” của tác giả Đào Văn Hoàng (diễn ra từ ngày 13 - 19/7 tại TP Hồ Chí Minh) mang đến một cách tiếp cận khác biệt: vẽ để bảo tồn. Hơn 160 tác phẩm không chỉ tái hiện vẻ đẹp sống động của các loài động vật hoang dã, mà còn cho thấy hội họa có thể trở thành một hình thức truyền thông mạnh mẽ, góp phần gìn giữ những di sản sinh học quý giá.

Cả một hệ sinh thái đằng sau mỗi bức tranh

Ngay khi bước vào triển lãm, công chúng như được kéo về những cánh rừng sâu - nơi voọc mũi hếch ẩn mình trên cao, nơi chim rừng rực rỡ khoe lông và những sinh vật nhỏ bé không ai gọi tên hiện lên sống động qua nét cọ. Với 160 bức tranh được trưng bày, họa sĩ Đào Văn Hoàng đã tạo nên không gian không chỉ để ngắm nhìn, mà để suy ngẫm và đối thoại về quan hệ mong manh giữa con người và tự nhiên.

Không gian trưng bày tại triển lãm.

Không gian trưng bày tại triển lãm.

“Có những bức tranh tôi không chỉ vẽ về loài vật, mà vẽ cho những người đang âm thầm gìn giữ chúng, những nhà bảo tồn mà phần lớn công chúng chưa từng biết đến. Tôi muốn tranh của mình là một phần trong câu chuyện đó”, họa sĩ Đào Văn Hoàng chia sẻ.

Họa sĩ Đào Văn Hoàng chia sẻ tại triển lãm.

Họa sĩ Đào Văn Hoàng chia sẻ tại triển lãm.

Sinh năm 1962 tại TP Hồ Chí Minh, từng sinh sống và làm việc nhiều năm tại Pháp, họa sĩ Đào Văn Hoàng là giám đốc sáng tạo trong ngành thiết kế quảng cáo. Thế nhưng, năm 2013, ông từ bỏ ngành công nghiệp sáng tạo thương mại để toàn tâm vẽ động vật hoang dã, một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp và cuộc đời.

Các bạn trẻ chăm chú tìm hiểu thông tin về các loài động vật quý hiếm qua những bức tranh.

Các bạn trẻ chăm chú tìm hiểu thông tin về các loài động vật quý hiếm qua những bức tranh.

Nhiều người xem có mặt tại triển lãm đã không giấu được sự xúc động. Anh Vũ Long (TP Hồ Chí Minh) đưa con gái 5 tuổi đến xem tranh, chia sẻ: “Tôi muốn con mình được tiếp xúc với thiên nhiên không chỉ qua sách vở hay sở thú. Ở đây, tranh rất thật và có hồn. Tôi thấy sự ngạc nhiên của bé khi nhận ra từng loài vật, như một bài học sinh động về thế giới tự nhiên”.

Con gái 5 tuổi của anh Vũ Long thích thú với các bức vẽ về động vật.

Con gái 5 tuổi của anh Vũ Long thích thú với các bức vẽ về động vật.

Với giới trẻ, nghệ thuật giúp lan tỏa nhận thức bảo tồn dễ dàng hơn. “Em cũng có đam mê với thiên nhiên hoang dã, có nhiều loài động vật ở đây em chưa từng thấy bao giờ, kể cả trong sở thú. Nhờ tranh, em biết thêm về môi trường sống và tính cách của chúng. Nghệ thuật như một cách để bảo tồn ký ức về một loài vật nào đó, nhất là khi chúng có nguy cơ tuyệt chủng”, bạn Hồng Ngọc (phường Bàn Cờ, TP Hồ Chí Minh), chia sẻ.

Bạn Hồng Ngọc đến với triển lãm vì tình yêu với thiên nhiên hoang dã.

Bạn Hồng Ngọc đến với triển lãm vì tình yêu với thiên nhiên hoang dã.

Còn Nguyễn Văn Dính, một bạn trẻ cũng đam mê với công tác bảo tồn, chia sẻ: “Điều khiến em ấn tượng và đồng cảm nhất là khi anh Hoàng nói: nếu yêu một điều gì đó thật sự, bạn sẽ muốn giữ gìn nó. Với em, tranh của anh không chỉ để treo, mà còn là để lay động và nhắc nhở”.

Nguyễn Văn Dính có nhiều đồng cảm với họa sĩ Đào Văn Hoàng.

Nguyễn Văn Dính có nhiều đồng cảm với họa sĩ Đào Văn Hoàng.

Đánh giá cao triển lãm lần này, bà Lê Thị Minh Loan, Chánh Văn phòng Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh nhận xét: “Anh Hoàng thể hiện tình yêu thiên nhiên thông qua hội họa rất sinh động và sâu sắc. Từng khoảnh khắc trong cuộc sống của các loài động vật được anh khắc họa chuẩn xác cả về sinh thái lẫn cảm xúc. Đây không chỉ là triển lãm nghệ thuật, mà còn là một hình thức giáo dục cộng đồng đầy nhân văn”.

Triển lãm là không gian nghệ thuật dành cho nhiều lứa tuổi cùng chung đam mê với thiên nhiên và nghệ thuật.

Triển lãm là không gian nghệ thuật dành cho nhiều lứa tuổi cùng chung đam mê với thiên nhiên và nghệ thuật.

Nhịp cầu cho công tác bảo tồn

Không dừng lại ở góc độ mỹ thuật, tranh của Đào Văn Hoàng còn mang đầy giá trị khoa học. Trước khi vẽ, anh dành nhiều năm học giải phẫu động vật, nghiên cứu hành vi và sinh cảnh của từng loài. Anh thường xuyên đi thực địa cùng các nhà sinh học, ghi chú cẩn thận từng chi tiết để có thể “vẽ nên khoảnh khắc sống, không phải hình ảnh đóng băng”.

Giới thiệu về động vật hoang dã Việt Nam cho du khách quốc tế.

Giới thiệu về động vật hoang dã Việt Nam cho du khách quốc tế.

“Tôi không phải là nhà sinh học, nhưng tôi học từ họ. Tôi tin rằng mỗi con vật có linh hồn riêng. Tôi muốn thể hiện con chim đang rỉa lông, con voọc đang chuyền cành hay con báo đang rình mồi - không phải vì đẹp, mà vì đó là sự sống đang diễn ra”, họa sĩ Đào Văn Hoàng cho biết.

Đông đảo công chúng trong và ngoài nước quan tâm đến nghệ thuật hội họa và công tác bảo tồn thiên nhiên hoang dã tại triển lãm.

Đông đảo công chúng trong và ngoài nước quan tâm đến nghệ thuật hội họa và công tác bảo tồn thiên nhiên hoang dã tại triển lãm.

Trong hơn một thập kỷ qua, họa sĩ Đào Văn Hoàng đã vẽ cho nhiều dự án quốc tế và tổ chức bảo tồn như Wildlife At Risk (WAR), chương trình Selamatkan Yaki (Indonesia), Đại học Oxford (Anh)… Các tác phẩm của anh xuất hiện tại các hội nghị quốc tế từ Việt Nam đến Mỹ, từ hội nghị linh trưởng tại Hà Nội đến hội nghị nghiên cứu dơi tại Phuket.

Không gian trưng bày tại triển lãm.

Không gian trưng bày tại triển lãm.

Chị Tuyết Ngân, chuyên gia của Chương trình bảo tồn rùa châu Á (ATP) cùng anh Wernhard, chuyên gia bảo tồn linh trưởng đang công tác tại Vườn quốc gia Cúc Phương đã bay từ Hà Nội vào dự triển lãm và chia sẻ những đồng cảm cùng tác giả về công tác bảo tồn thiên nhiên hoang dã.

“Tranh của anh Hoàng giúp thông tin về các loài động vật hoang dã và công tác bảo tồn chúng được lan tỏa đến nhiều đối tượng hơn, không chỉ những người làm công tác bảo tồn mà còn là các họa sĩ và đặc biệt là đến các bạn trẻ. Nghệ thuật hội họa đã trở thành một chiếc cầu nối để mọi người có thể chung tay vào công tác gìn giữ bảo vệ thiên nhiên hoang dã”, chị Tuyết Ngân chia sẻ.

Chị Tuyết Ngân, anh Wernhard và những người bạn hiện đang làm công tác bảo tồn.

Chị Tuyết Ngân, anh Wernhard và những người bạn hiện đang làm công tác bảo tồn.

Còn anh Wernhard xúc động khi thấy nhiều loài linh trưởng Việt Nam hiện diện trong triển lãm: “Những con vật như voọc mũi hếch, culi, cầy vằn… thường bị lãng quên. Nhưng nhờ hội họa, anh Hoàng đã đưa chúng trở lại trí nhớ cộng đồng. Tôi tin đây là một cách bảo tồn rất hiệu quả”.

Ghi chép của họa sĩ Đào Văn Hoàng trong những lần đi thực địa.

Ghi chép của họa sĩ Đào Văn Hoàng trong những lần đi thực địa.

Để mở rộng tác động, năm 2019, họa sĩ Đào Văn Hoàng cùng vợ - họa sĩ Lê Quỳnh Huệ đã thành lập Le Petit Museé - một không gian sáng tạo nhỏ dành cho trẻ em. Tại đây, các em không chỉ học vẽ, mà còn học cách quan sát thiên nhiên, từ các buổi dã ngoại đến chương trình giáo dục “Nature, Art & Fun”…

Các bạn nhỏ yêu thích thiên nhiên và say sưa ngắm các bức tranh.

Các bạn nhỏ yêu thích thiên nhiên và say sưa ngắm các bức tranh.

Tuy nhiên, theo họa sĩ, hành trình này không dễ dàng. “Tôi vẫn đang cố gắng để sống được bằng tranh bảo tồn. Những triển lãm như lần này không mang nặng tính thương mại. Nhưng tôi hy vọng chúng sẽ mở đường cho một thế hệ nghệ sĩ kế tiếp, những người sẽ tiếp tục vẽ thay cho tiếng kêu của rừng, kết nối con người trở lại với tự nhiên không phải bằng lý trí, mà bằng trái tim”, anh cho biết.

Bài và ảnh: Hương Trần/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/doi-song-van-hoa/bao-ton-di-san-thien-nhien-hoang-da-qua-lang-kinh-nghe-thuat-hoi-hoa-20250714111223830.htm
Zalo