Bảo tàng đông kín dịp lễ: Lịch sử vẫn luôn có sức hút

Hàng chục nghìn người dân xếp hàng vào tham quan bảo tàng Đà Nẵng là một minh chứng cho thấy lịch sử vẫn luôn có sức hút và không hề khô khan.

“Check-in bảo tàng” dịp lễ, ý nghĩa mà!

Những ngày tháng Tư lịch sử, khi cả nước hướng về TP. Hồ Chí Minh chào mừng 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thì Bảo tàng Đà Nẵng – nơi lưu giữ những tư liệu, hiện vật tái hiện một cách khái quát và tiêu biểu lịch sử, văn hóa và con người Đà Nẵng – cũng ghi nhận kỷ lục số người đến tham quan.

Dòng người xếp hàng vòng trong, vòng ngoài để chờ đến lượt vào “check-in” bên trong Bảo tàng Đà Nẵng – điểm đến văn hóa đang “gây sốt” trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch)

Dòng người xếp hàng vòng trong, vòng ngoài để chờ đến lượt vào “check-in” bên trong Bảo tàng Đà Nẵng – điểm đến văn hóa đang “gây sốt” trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch)

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện - Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng - cho biết, trong 3 ngày nghỉ dịp Giỗ Tổ Hùng Vương (từ 5-7/4, tức ngày 8 - 10/3 âm lịch), bảo tàng ước đón khoảng 25.000 lượt khách. Số lượng khách đến tham quan bảo tàng thậm chí còn vượt hoặc tương đương với những khu, điểm vui chơi giải trí được nhiều bạn trẻ tại thành phố Đà Nẵng ưa thích trong các dịp nghỉ lễ. “Chưa bao giờ Bảo tàng Đà Nẵng đón lượng khách tham quan đông như vậy, mỗi ngày lên tới 10.000 lượt khách”, ông Thiện chia sẻ.

Tại thời điểm cao nhất, số người có mặt cùng lúc để tham quan bảo tàng lên tới hàng nghìn người. Thậm chí, chiều 5/4, khi lượng khách quá đông, quá tải, để đảm bảo an toàn cho khách cũng như các tư liệu, hiện vật, bảo tàng đã phải tạm đóng cửa. Từ ngày 6/4, lượng khách tiếp tục tăng cao, bảo tàng đã giới hạn số lượng vào bên trong ở mức tối đa 500 người/lượt để đảm bảo trải nghiệm, an toàn và chất lượng phục vụ.

Bảo tàng Đà Nẵng hiện nằm tại địa chỉ mới (42–44 Bạch Đằng và 31 Trần Phú), chính thức mở cửa từ ngày 1/4/2025 và miễn phí tham quan đến hết năm. Đây là một trong những bảo tàng được đầu tư hiện đại nhất khu vực miền Trung với tổng mức đầu tư hơn 500 tỷ đồng. Không gian được thiết kế mở, có khu chiếu phim 3D tái hiện các trận đánh lịch sử và ứng dụng nhiều công nghệ tương tác hiện đại.

Check in những điểm đến văn hóa, như Bảo tàng Đà Nẵng trong dịp lễ cũng là một hoạt động ý nghĩa

Check in những điểm đến văn hóa, như Bảo tàng Đà Nẵng trong dịp lễ cũng là một hoạt động ý nghĩa

Khách đến tham quan những ngày này không chỉ là người lớn tuổi, mà phần nhiều là học sinh, các bạn trẻ háo hức muốn “check-in” bảo tàng trong dịp lễ.

Một số ý kiến cho rằng, các bạn trẻ “kéo nhau đến bảo tàng cũng chỉ để check-in chứ không tìm hiểu gì”. Nhưng muốn yêu lịch sử, trước hết phải bước chân vào không gian lịch sử. Việc đến bảo tàng – nơi vốn lâu nay bị xem là khô khan – dù là để check-in, cũng là một khởi đầu để lịch sử được kể lại. Và rõ ràng, “check-in bảo tàng” dịp lễ là một việc rất ý nghĩa.

Bảo tàng phải “biết kể chuyện”

Hình ảnh những hàng dài người xếp hàng vào bảo tàng không chỉ cho thấy sức hút của một điểm đến văn hóa, mà còn là minh chứng rõ ràng rằng nhu cầu tìm hiểu lịch sử trong lòng người Việt Nam chưa bao giờ mất đi. Người dân vẫn luôn yêu quý lịch sử nơi mình sinh ra, lớn lên, vẫn tự hào về những trang sử vàng của dân tộc – chỉ là tình yêu ấy đang chờ được “đánh thức” bằng những cách tiếp cận phù hợp.

Bảo tàng Đà Nẵng không phải là trường hợp cá biệt. Trong những ngày này, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cũng đón hàng chục nghìn lượt khách đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử hào hùng của dân tộc. Cuối năm 2024, kỷ lục tại bảo tàng này đã ghi nhận tới 60.000 lượt khách tham quan trong một ngày.

Những con số biết nói trên cho thấy: Lịch sử vẫn luôn có sức hút. Vấn đề không phải người dân hờ hững với lịch sử – mà là ở cách lịch sử được kể lại thế nào.

Khi bảo tàng biết làm cho lịch sử trở nên sinh động, dễ tiếp cận, thì người dân – đặc biệt là giới trẻ – sẽ tự tìm đến.

Lịch sử vẫn luôn có sức hút và người Việt Nam vẫn luôn tự hào về lịch sử vẻ vang của cha ông ta, về trang sử vàng của dân tộc

Lịch sử vẫn luôn có sức hút và người Việt Nam vẫn luôn tự hào về lịch sử vẻ vang của cha ông ta, về trang sử vàng của dân tộc

Thực tế, Bảo tàng Đà Nẵng đang cho thấy một mô hình bảo tàng “có câu chuyện” – nơi không chỉ trưng bày hiện vật khô khan, mà còn kết hợp trình chiếu phim, tương tác qua màn hình cảm ứng và có hướng dẫn viên theo nhóm nhỏ.

Ngoài ra, yếu tố “miễn phí vé tham quan” cũng được xem là một động lực lớn giúp người dân tiếp cận. Việc tham quan một không gian văn hóa hiện đại, giàu tính giáo dục mà không mất phí là lựa chọn hấp dẫn.

Một yếu tố quan trọng giúp bảo tàng trở thành điểm đến hấp dẫn với công chúng, đặc biệt là người trẻ, chính là hiệu ứng truyền thông. Việc thông tin được lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội, báo chí, các nền tảng truyền thông của địa phương… đã giúp người dân biết đến sự kiện, không gian trưng bày cũng như những điểm mới mẻ mà bảo tàng mang lại.

Trong trường hợp của Bảo tàng Đà Nẵng, không thể phủ nhận việc xuất hiện liên tục trên các trang tin điện tử, hình ảnh “xếp hàng dài vào bảo tàng” được chia sẻ rầm rộ trên Facebook, TikTok… đã tạo nên một làn sóng tò mò và hứng thú. Nhiều người đến vì muốn trải nghiệm “điểm check-in đang hot”, nhưng ở lại vì những điều được khám phá, cảm nhận.

Khi truyền thông biết tạo cảm xúc, lịch sử cũng có thể trở thành một “trend” văn hóa. Và từ một trào lưu ban đầu, nếu được đầu tư nội dung đúng hướng, bảo tàng hoàn toàn có thể giữ chân công chúng bằng giá trị thật.

Dòng người xếp hàng dài vào Bảo tàng Đà Nẵng dịp lễ cho thấy nhu cầu tìm hiểu lịch sử trong lòng người dân luôn hiện hữu. Không gian trưng bày hiện đại, trải nghiệm sống động, truyền thông lan tỏa mạnh mẽ là những yếu tố quan trọng giúp lịch sử trở nên gần gũi, hấp dẫn hơn. Khi bảo tàng biết cách “kể chuyện” và tạo cảm xúc, người dân – đặc biệt là giới trẻ – sẽ chủ động tìm đến để học, để hiểu và tự hào hơn về quá khứ dân tộc mình.

Vũ Lê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bao-tang-dong-kin-dip-le-lich-su-van-luon-co-suc-hut-381884.html
Zalo