Bão số 4: Gây thiệt hại nặng cho nhiều tỉnh miền Trung
Mặc dù bão số 4 đã đi vào đất liền khu vực từ Quảng Bình - Quảng Trị đến Thừa Thiên - Huế và nhanh chóng suy yếu thành ấp thấp nhiệt đới, nhưng cơn bão này đã để lại ít nhiều hậu quả cho người dân miền Trung. Cơ quan chức năng đã có báo cáo tổng hợp tình hình thiệt hại ban đầu do bão số 4 gây ra và tiếp tục cảnh báo các tỉnh, thành miền Trung về nguy cơ cao lũ quét và sạt lở đất.
Các địa phương khẩn cấp di dời dân ra khỏi vùng ngập lụt, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất
Theo thông tin từ Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (QLĐĐ&PCTT), Bộ NN&PTNT cho biết, bão số 4 làm 1 người bị thương; 93 nhà hư hại như tốc mái, đổ tường; 2 điểm trường bị hư hỏng, tốc mái; ngập cục bộ đường, ngầm tràn 16 điểm giao thông (GT). Lực lượng chức năng các địa phương đã tiến hành vận động và di dời sơ tán tổng cộng 2.322 hộ; trong đó sơ tán 2.230 hộ khu vực có nguy cơ ngập và 112 hộ ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở để hạn chế thiệt hai về người và tài sản cho người dân.
Tại tỉnh Quảng Bình, do ảnh hưởng của bão số 4, đến sáng 20/9, các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Lệ Thủy, TP Đồng Hới đã tổ chức sơ tán 874 hộ với 3.059 nhân khẩu (NK) ra khỏi vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất. Trong đó H.Minh Hóa đã phải sơ tán 626 hộ thuộc các xã Quy Đạt, Trọng Hóa và Hóa Sơn. Tại các điểm tránh trú, chính quyền các địa phương cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm, nước uống đồng thời tuyên truyền các hộ dân tuyệt đối không được chủ quan, trở về nhà khi chưa bảo đảm an toàn. Theo thống kê, tỉnh Quảng Bình ghi nhận 164 điểm sạt lở và nguy cơ sạt lở núi, khu dân cư, bờ sông, biển. Tỉnh Quảng Bình phân công lực lượng kiểm tra, rà soát 74 điểm sạt lở núi ở khu dân cư, trong đó 8 điểm nguy cơ cao xảy ra sạt lở khi có mưa lớn.
Tại tỉnh Quảng Trị, 1.073 hộ với 2.937 NK đã được di dời. H.Cam Lộ là nơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, với 644 hộ phải rời khỏi nơi cư trú. Các huyện Gio Linh, Hải Lăng và Hướng Hóa cũng có nhiều người dân phải sơ tán. Trước đó, chiều 19/9, tại hai xã Húc và Hướng Lập có nguy cơ bị sạt lở núi ở một số điểm, CAH.Hướng Hóa, CA 2 xã trên đã phối hợp lực lượng chức năng trên địa bàn, di dời khẩn cấp 84 hộ dân ở 2 xã đến nơi an toàn.
Ở Thừa Thiên - Huế, có 283 hộ dân với 487 NK đã được đưa đến nơi an toàn. Trước đó, do ảnh hưởng của mưa bão, để chủ động ứng phó với nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, trong ngày 19/9, CA các xã: Lộc Điền, Lộc Tiến, Lộc Trì, Lộc Bình (H.Phú Lộc), phối hợp với chính quyền địa phương đến từng hộ dân ở gần khu vực đồi núi để vận động di dời. Cũng trong ngày 19/9, hàng trăm hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số ở 2 huyện miền núi Nam Đông và A Lưới đã được di dời đến nơi an toàn.
Do ảnh hưởng của bão số 4 và hoàn lưu sau bão gây nguy cơ sạt lở, Hà Tĩnh đã di dời 49 hộ dân tới nơi tránh trú an toàn. Cụ thể, H.Cẩm Xuyên đã tổ chức di dời 21 hộ với 55 NK ở xã Cẩm Lạc và xã Cẩm Duệ; H.Thạch Hà đã sơ tán 5 hộ dân/18 NK ở thôn Tân Phong, xã Đỉnh Bàn; H.Hương Khê sơ tán 23 hộ ở xã Hương Lâm, xã Lộc Yên và xã Hương Vĩnh, tổ chức ký cam kết đối 165 hộ để thực hiện sơ tán khi cần thiết.
Bão số 4 gây ra 77 điểm chia cắt tại các tỉnh miền Trung
Cục QLĐĐ&PCTT cũng thông tin, ngập lụt và sạt lở do mưa bão số 4 đã gây ra 77 điểm chia cắt tại các tỉnh miền Trung. Trong đó, Quảng Bình ghi nhận nhiều điểm bị sạt lở, chia cắt cục bộ một số điểm (sơ bộ gồm 10 điểm), đặc biệt trên các tuyến Quốc lộ (QL) 12A, 9B, 15 và một số tuyến đường của tỉnh bị ngập sâu và sạt lở nghiêm trọng, gây gián đoạn GT. Tại một số bản làng, người dân không thể đi lại do nước dâng cao. Hiện lực lượng chức năng cắm biển báo, tuyên truyền người dân không qua lại khu vực nước chảy xiết.
Dự báo, trong ngày và đêm 20/9, khu vực Nam Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình tiếp tục có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 70-150 mm, có nơi trên 250 mm. Hiện lũ trên sông Gianh (Quảng Bình) đang lên nhanh và ở dưới mức báo động báo động 2. Trong 12 giờ tiếp theo, lũ trên sông Gianh đạt đỉnh ở mức báo động 2. báo động 3. Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất tại khu vực vùng núi, sạt lở bờ sông, ngập lụt cục bộ vùng trũng thấp ven sông và khu đô thị ở tỉnh Quảng Bình. Mưa liên tục những ngày qua kèm theo lượng nước lớn từ thượng nguồn đổ về khiến nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Quảng Bình bị ngập lụt cục bộ và chia cắt. Trong đó, H.Minh Hóa có 23 thôn bị chia cắt, 538 hộ bị ngập. Tại xã Tân Hóa, H.Minh Hóa, có gần 400 nhà dân bị ngập sâu từ 0,5 - 2m. Nước đang có xu hướng dâng cao, người dân đã ứng phó một cách chủ động khi chuẩn bị đồ đạc, vật dụng lên nhà phao tránh trú nhằm giảm thiệt hại về tài sản. Mưa lớn liên tục đã làm tuyến đường vào ba bản của người Rục ở xã Thượng Hóa ngập sâu 1,5m. Hiện tại, lực lượng cức năng tỉnh Quảng Bình đã cắt cử cán bộ trực, cắm biển cấm đi lại tại các ngầm tràn để bảo đảm an toàn cho người dân. Đồng thời, theo dõi sát sao diễn biến thời tiết để kịp thời ứng phó với những tình huống có thể xảy ra.
Quảng Trị cũng ghi nhận tình trạng ngập và chia cắt tại 33 điểm. Nhiều cầu tràn và ngầm tại huyện Đakrông và Hướng Hóa ngập sâu, khiến GT bị gián đoạn từ 0,4 - 1,5m. Các tuyến tỉnh lộ và QL khác cũng bị ảnh hưởng do ngập lụt. Tại huyện miền núi Đakrông, nước sông Đakrông dâng cao khiến các cầu tràn trên QL 15D, cầu tràn đường liên xã Tà Rụt- A Vao bị ngập, dẫn đến các thôn trên địa bàn xã bị chia cắt cục bộ. Về thiệt hại, có 1 nhà dân ở H.Gio Linh bị tốc mái do lốc xoáy, 1 điểm trường bị thiệt hại do lốc xoáy. Thiệt hại về GT, có 105m3 sạt lở. Trên địa bàn H.Vĩnh Linh, hệ thống lưới điện bị hư hỏng làm mất điện. Hiện, địa phương đang khắc phục để cấp điện trở lại.
Tại Đà Nẵng, 34 điểm ngập cục bộ đã được ghi nhận vào ngày 18/9 với độ sâu 20 - 40cm. Đến sáng 19/9, nước đã rút. TP.Đà Nẵng có 25 cây xanh bị ngã đổ và một điểm sạt lở tường rào do bão số 4, đã được cơ quan chức năng kịp thời xử lý.
Tại Thừa Thiên - Huế, do ảnh hưởng của trận lốc xoáy vào sáng 18/9, khiến một người bị thương và 12 hộ dân bị tốc mái nhà. Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng để khắc phục các điểm sạt lở và bảo đảm an toàn cho người dân. Về thủy lợi, UBND H.Quảng Điền đã huy động hơn 150 lực lượng dân quân tự vệ địa phương, người dân, xuất 20 rọ đá, 260m3 đá hộc để gia cố 50m kè tại Hói Hàn Tổng, xã Quảng Phước.
Tại Hà Tĩnh, tính đến sáng 20/9, dông, lốc xoáy gây ra một số thiệt hại tại các địa phương. Tại H.Cẩm Xuyên có 36 nhà ở, công trình phụ trợ bị tốc mái, 10 cột đèn đường, 50 cây bị gãy đổ (xã Cẩm Dương); 10 nhà ở bị tốc mái (xã Nam Phúc Thăng). Tại H.Kỳ Anh có 14 nhà dân bị tốc mái ở xã Kỳ Xuân; 1 cầu tràn bị ngập (xã Kỳ Lạc). Tại TX Hồng Lĩnh có mưa lớn làm đổ tường rào Trường Tiểu học và Trường THCS Đậu Liêu, ước tính thiệt hại 20 triệu đồng.
Hà Tĩnh: Hồ chứa nước thủy điện đồng loạt xả lũ
Ngày 20/9, tin từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh cho biết, mặc dù bão số 4 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới nhưng Hà Tĩnh vẫn tiếp tục có mưa lớn trên diện rộng. Hiện tại mưa đã làm mực nước trên các sông Ngàn Sâu và Ngàn Phố gần lên mức báo động 2, sông La ở mức báo động 1. Mưa lớn kéo dài khiến lưu lượng nước đổ về các hồ chứa tại Hà Tĩnh tăng nhanh, có nguy cơ cao gây ngập lụt và sạt lở, nên chính quyền địa phương đã khẩn trương di dời người dân đến nơi an toàn, cho học sinh nghỉ học, đồng thời nhiều nhà máy thủy điện đã xả tràn điều tiết nước. Từ 17 giờ ngày 19/9, nhà máy thủy điện Hố Hô (H.Hương Khê) đã cho xả tràn điều tiết nước với lưu lượng 78m3/giây, sau đó tăng lên 465m3/giây. Đến đến 22 giờ cùng ngày tăng lên 581m3/giây. Tại H.Hương Sơn, từ 13 giờ 30 ngày 20/9, hồ chứa thủy điện Hương Sơn điều tiết nước qua tràn với lưu lượng 15,4 - 92m3/giây để bảo đảm an toàn cho công trình và khu vực hạ du. Tại TX Kỳ Anh, trước dự báo tiếp tục có mưa lớn trong những ngày tới, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh đã chủ động cho điều tiết nước qua tràn đối với hồ Kim Sơn và hồ Thượng Sông Trí (TX Kỳ Anh) với lưu lượng từ 5 - 100m3/giây. Việc điều nước qua tràn được thực hiện bắt đầu từ 8 giờ sáng 20/9; thời gian kết thúc căn cứ vào diễn biến thời tiết và mực nước hồ. Theo kế hoạch, từ 8 giờ ngày 21/9, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh cũng sẽ xả tràn với lưu lượng từ 10 - 75m3/giây. Trong khi đó, hồ Đá Hàn (.H.Hương Khê) đã được Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh chủ động điều tiết nước qua tràn từ ngày 14/9 với lưu lượng từ 5 - 50m3/giây. Từ 11 giờ ngày 20/9, hồ được tăng lưu lượng xả tràn lên 100 - 250m3/giây.