Bão số 3 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, nhiều tỉnh thống kê thiệt hại
Cơ quan khí tượng dự báo, bão số 3 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên đất liền khu vực phía Tây Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39-49km/h), giật cấp 7, di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 10-15km/h.
Do tác động của áp thấp nhiệt đới, vùng biển vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) ngày 8/9 còn có gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8; biển động mạnh, khu vực sâu trong đất liền Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7.
Phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa: từ sáng ngày 8/9 đến sáng ngày 9/9, có mưa vừa, cục bộ có nơi mưa to đến rất to và dông với lượng mưa phổ biến 20-50mm, có nơi trên 100mm; riêng khu vực vùng núi có mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-100mm, cục bộ có nơi trên 200mm.
Phía Tây Bắc Bộ: từ sáng ngày 8/9 đến sáng 9/9, có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm, cục bộ có nơi trên 350mm.
Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.
Tính đến 6h sáng ngày 8/9, tại Hải Phòng, bão số 3 đã làm 1 người chết, 13 người bị thương, nhiều tuyến đường, tuyến phố bị gãy đổ cây xanh, đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu, biển báo, đường dây thông tin, bị ngập nước gây ách tắc nghiêm trọng; nhiều khu vực bị cắt điện để đảm bảo an toàn hoặc do sự cố đường dây; nhiều nhà dân, trụ sở cơ quan, cơ sở doanh nghiệp, kho tàng, xưởng sản xuất, trang trại chăn nuôi bị hư hại, tốc mái, cột điện bị gãy đổ; nhiều diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả, cây cảnh bị gãy đổ, hư hại. trong đó diện tích lúa có khoảng 5.000 ha đang trỗ bông bị hư hại, rau màu: 1.750 ha rau màu bị ảnh hưởng nặng, 1.000 ha cây ăn quả bị ảnh hưởng nặng, 400 ha hoa cây cảnh bị ảnh hưởng.
Tạ Hải Dương, bão số 3 làm 1 người chết, 5 người bị thương; khoảng 10.000ha lúa bị đổ; khoảng 1.200ha cây rau màu bị dập nát và hơn 600ha cây ăn quả gãy, bị đổ (thiệt hại ban đầu khoảng 150 tỷ đồng); nhiều mái nhà tôn, mái phi brô xi măng, cửa kính trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã bị sập mái, tốc mái, hư hỏng; nhiều biển quảng cáo, cây bóng mát bị đổ, gẫy; 26 cột điện bị gãy, đổ gây mất điện trên diện rộng; 5 trạm BTS bị đổ nên 3 nhà mạng trên địa bàn tỉnh bị gián đoạn, mất liên lạc.
Tại Thái Bình: một số nhà dân, nhà xưởng, cơ quan, trường học bị tốc mái, tình trạng cây cối bị gãy đổ, bật gốc nhiều; khoảng 30 cột điện bị đổ; 11 cột viễn thông bị đổ, gẫy; 17 trạm biến áp bị sự cố; Về sản xuất nông nghiệp: Diện tích lúa đổ bị úng ngập là 18.000 ha, nhiều diện tích lúa bị hư hại. Về Rau màu có 585 ha bị ảnh hưởng 30-70%; 2.760 bị ảnh hưởng >70%; 1.215 ha cây ăn quả bị ảnh hưởng 30-70%; 170 bị ảnh hưởng >70%; sạt lở một số vị trí tuyến kè, bờ sông, bờ biển và một số tuyến kênh nội đồng. Ước tổng thiệt hại ban đầu khoảng 2.000 tỷ đồng.
Nhiều địa phương đang tiếp tục thống kê. Công tác khắc phục sau bão đang tích cực được tiến hành.
Tại Hà Nội, chiều và đêm 7/9 bão số 3 quét qua đã để lại những hậu quả nặng nề cho Hà Nội. Hàng trăm cây xanh gãy đổ, nhiều ô tô bị đè bẹp, gây thiệt hại lớn về tài sản. Mưa lớn kéo dài cũng khiến nhiều tuyến đường ngập sâu trong nước, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. Công tác thống kê thiệt hại đang được tiến hành.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, thời tiết Hà Nội sau cơn bão số 3, nhiều mây, có mưa, mưa vừa và dông. Gió Đông đến Đông Nam cấp 2-3. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.