Ngày 4/11, cảnh báo các tỉnh Đà Nẵng - Bình Thuận có mưa rất to
Các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng-Bình Thuận, phía Bắc (Đà Nẵng-Quảng Ngãi) có mưa vừa, mưa to và rải rác có dông, cục bộ có nơi mưa rất to.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đêm 3 và ngày 4/11, Bắc Bộ vẫn duy trì tình trạng trời lạnh về đêm và sáng sớm, có nơi trời rét. Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa dông, cục bộ có nơi mưa rất to, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Dự báo đêm 3/11 và ngày 4/11, khu vực Bắc Biển Đông có gió cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, biển động mạnh, sóng cao 2-4m. Vịnh Bắc Bộ gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, biển động, sóng cao 2-3m. Khu vực Quảng Trị đến Quảng Ngãi gió cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, biển động, sóng cao 2-3m.
Ngoài ra, đêm 3/11 và ngày 4/11, vịnh Bắc Bộ, vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển khu vực Hoàng Sa), vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào, dông rải rác, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7-8.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo đêm 4/11 và ngày 5/11, vịnh Bắc Bộ có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, biển động, sóng cao từ 2-3m. Khu vực Bắc Biển Đông có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh, sóng cao từ 3-5m. Cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển cấp 2. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên các khu vực trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của lốc xoáy, gió mạnh và sóng lớn.
Dự báo thời tiết các khu vực tối 3/11, ngày 4/11:
Phía Tây Bắc Bộ có mưa vài nơi, sáng sớm có nơi có sương mù, đêm và sáng sớm trời lạnh, có nơi trời rét, trưa chiều trời nắng. Gió nhẹ. Nhiệt độ thấp nhất 17-20 độ C, có nơi dưới 17 độ C. Nhiệt độ cao nhất 25-28 độ C, có nơi trên 29 độ C.
Phía Đông Bắc Bộ có mưa rào, dông vài nơi, riêng khu vực đồng bằng và ven biển gần sáng ngày 4/11 có mưa, mưa rào và dông rải rác, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 3, vùng ven biển cấp 4. Trời lạnh, vùng núi và trung du trời chuyển rét. Nhiệt độ thấp nhất 17-20 độ C, vùng núi có nơi dưới 17 độ C. Nhiệt độ cao nhất 21-24 độ C, có nơi trên 24 độ C.
Hà Nội có mưa vài nơi, trời lạnh; từ gần sáng 4/11 có mưa, mưa rào rải rác và có nơi có dông. Gió Đông Bắc cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 18-20 độ C. Nhiệt độ cao nhất 22-24 độ C.
Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông; riêng Thanh Hóa, Nghệ An đêm 3/11 có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Phía Bắc đêm và sáng sớm trời lạnh. Gió Bắc đến Tây Bắc cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 20-23 độ C. Nhiệt độ cao nhất 23-26 độ C.
Các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng-Bình Thuận, phía Bắc (Đà Nẵng-Quảng Ngãi) có mưa vừa, mưa to và rải rác có dông, cục bộ có nơi mưa rất to.
Phía Nam có mưa rào, dông vài nơi, riêng chiều tối và tối có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Gió Bắc đến Đông Bắc cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 22-25 độ C, phía Nam có nơi trên 25 độ C. Nhiệt độ cao nhất phía Bắc 26-28 độ C, phía Nam 28-31 độ C, có nơi trên 31 độ C.
Tây Nguyên có mưa rào, dông vài nơi, riêng chiều tối và tối có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 18-21 độ C. Nhiệt độ cao nhất 27-30 độ C, có nơi trên 30 độ C.
Nam Bộ có mưa rào, dông vài nơi, riêng chiều và tối có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 23-26 độ C. Nhiệt độ cao nhất 30-33 độ C.
Quảng Bình: Khuyến cáo người dân dự trữ lương thực, ứng phó mưa lớn kéo dài
Theo TTXVN, ngày 3/11, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình đã có công điện yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương chủ động ứng phó với mưa lớn có thể kéo dài trong những ngày tới.
Quảng Bình vừa trải qua đợt mưa, lũ lớn do ảnh hưởng của bão số 6 và hoàn lưu sau bão. Một số địa phương vẫn còn ngập úng, đất ở nhiều khu vực đã gần bão hòa hoặc đạt trạng thái bão hòa; một vài nơi đã xảy ra sạt trượt.
Để chủ động ứng phó với mưa lớn có thể kéo dài trong những ngày tới, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm các công điện chỉ đạo về việc chủ động ứng phó với mưa lớn khu vực miền Trung; tiếp tục ứng phó và tập trung khắc phục hậu quả bão số 6, mưa lũ.
Các đơn vị, địa phương theo dõi chặt chẽ bản tin, cảnh báo diễn biến mưa lũ; kịp thời chỉ đạo, triển khai ứng phó với phương châm “4 tại chỗ”; tuyệt đối không chủ quan, lơ là; sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện tham gia cứu nạn, cứu hộ và xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra.
Các bên liên quan rà soát kỹ khu vực xung quanh trụ sở, trạm, chốt, lán trại, trường hợp cần thiết tạm thời di dời cán bộ, chiến sỹ, người lao động tránh xa khu vực nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét và đảm bảo an toàn.
Các huyện, thành phố, thị xã triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất để ứng phó kịp thời.
Cùng với đó là chủ động di dời người, tài sản đến nơi an toàn, đặc biệt lưu ý các vị trí có nguy cơ cao, như Đồi Phòng không xã Đức Hóa, sạt lở ở thôn 8 thị trấn Quy Đạt, thôn Rục xã Hồng Hóa, bản Tân Ly, xã Lâm Thủy…, khu vực ven biển, cửa sông, vùng thường xuyên ngập lụt sâu; tuyệt đối không để người dân ở lại trên các lồng, bè nuôi thủy sản khi mưa lũ xảy ra.
Các địa phương sẵn sàng triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cương quyết không cho người và phương tiện đi qua những khu vực nguy hiểm; không để người dân vớt củi trên sông, suối khi có mưa lũ; nắm thông tin người dân đang còn ở trong rừng, yêu cầu ra khỏi rừng hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn trước khi mưa lũ xảy ra.
Các địa phương và đơn vị liên quan quản lý chặt chẽ phương tiện ra khơi, thông báo tình hình diễn biến thời tiết, gió mạnh trên biển cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng; đảm bảo điều tiết hồ chứa, sẵn sàng ứng phó mưa lớn, vận hành điều tiết và xử lý kịp thời các tình huống xảy ra; kiểm tra việc đảm bảo an toàn đối với các khu khai thác khoáng sản.
Địa phương khuyến cáo người dân dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu, pin dự phòng…; kê cao, di dời đồ đạc, tài sản đến nơi an toàn để tránh ngập lụt; tuyệt đối không chủ quan khi di chuyển và thực hiện tốt các biện pháp ứng phó trong mưa lũ, đặc biệt quan tâm đến người già, trẻ nhỏ.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy Quân sự, Công an tỉnh, các Sở Giao thông, Điện lực, Công Thương, Giáo dục và Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố, thị xã… theo dõi tình hình mưa, lũ để chủ động, sẵn sàng ứng phó thiên tai, cứu nạn, cứu hộ, xử lý kịp thời tình huống có thể xảy ra, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai, đảm bảo an toàn về người và tài sản.