Bão số 2 (Prapiroon) và bão Gaemi có thể gây hiệu ứng bão kép trong trường hợp nào?

Cơn bão số 2 (Prapiroon) không phải là cơn bão duy nhất đang hoạt động trong khu vực. Mà ở phía Nam - Đông Nam của Đài Loan (Trung Quốc) còn đang có một cơn bão khác, mạnh hơn, là bão Gaemi. Trong trường hợp nào thì 2 cơn bão này có thể gây ra hiệu ứng bão kép (bão đôi), và hiệu ứng đó là thế nào?

Mặc dù mùa bão năm nay ở Tây Thái Bình Dương bắt đầu khá muộn nhưng hiện tại, trong khu vực lại có đến 2 cơn bão đang hoạt động đồng thời. Đó là bão Prapiroon (nước ta gọi là bão số 2) và bão Gaemi.

Theo các dự báo hiện tại, bão số 2 sẽ đi qua Vịnh Bắc Bộ và đổ bộ vào tỉnh Quảng Ninh của nước ta trong 2 ngày tới; còn bão Gaemi sẽ đi theo hướng Bắc - Tây Bắc và có thể đổ bộ Đài Loan (Trung Quốc) trong khoảng 3 ngày tới.

Khi 2 cơn bão xoay theo cùng một hướng di chuyển gần nhau, chúng có thể bắt đầu một “vũ điệu” xoay xung quanh một cái tâm chung (cũng có thể gọi là xoay quanh nhau), gọi là hiệu ứng Fujiwhara (hay Fujiwara), còn được gọi là hiệu ứng bão kép hoặc bão đôi.

2 cơn bão đang cùng hoạt động trong khu vực: Bão số 2 (Prapiroon) và bão Gaemi. Ảnh: Zoom Earth, JMA.

2 cơn bão đang cùng hoạt động trong khu vực: Bão số 2 (Prapiroon) và bão Gaemi. Ảnh: Zoom Earth, JMA.

Vậy 2 cơn bão ở gần nhau đến mức nào thì hiệu ứng bão kép mới xảy ra?

Theo trang SKYbrary, thường thì hiệu ứng này xảy ra khi các xoáy thuận ngoài nhiệt đới (ở vĩ độ trung bình và cao) ở cách nhau trong vòng 2.000 km, còn các xoáy thuận nhiệt đới nhỏ hơn (như bão Prapiroon và Gaemi) thì thường gây ra hiệu ứng bão kép khi chúng ở cách nhau không nhiều hơn 1.400 km.

Bão Parma (trái) và Melor (phải) tương tác với nhau khi cùng ở biển Philippines vào tháng 10/2009. Ảnh: Wikicommons.

Bão Parma (trái) và Melor (phải) tương tác với nhau khi cùng ở biển Philippines vào tháng 10/2009. Ảnh: Wikicommons.

Khi 2 cơn bão bắt đầu tương tác, kích thước tương đối và cường độ của chúng thường sẽ quyết định kiểu tương tác. Theo trang Fox Weather, nếu một cơn bão mạnh hơn thì nó có thể sẽ “nuốt” cơn bão yếu hơn. Còn nếu 2 cơn bão mạnh tương tự nhau, đôi khi chúng có thể hợp nhất hoặc chỉ di chuyển xung quanh nhau rồi mỗi bên tiếp tục đi con đường của mình (khoảng cách giữa 2 cơn bão thường phải dưới 650 km). Trong những trường hợp hiếm hoi, 2 cơn bão có thể kết hợp thành một cơn bão lớn hơn, theo Dịch vụ Thời tiết Quốc gia của Mỹ, nhưng khoảng cách giữa 2 cơn bão thường phải dưới 300 km.

Đây là video miêu tả hiệu ứng bão kép với các trường hợp: 2 cơn bão mạnh ngang nhau xoay quanh nhau, bão lớn "nuốt" bão nhỏ, và 2 cơn bão hợp thành một cơn bão lớn hơn:

Nguồn: Fox Weather.

Do bão số 2 đang di chuyển vào Vịnh Bắc Bộ còn bão Gaemi đang gần như đứng yên nên khoảng cách giữa chúng hiện là gần 1.800 km, vì vậy sẽ không/ chưa xảy ra hiệu ứng bão kép. Hiệu ứng này sẽ chỉ xảy ra khi có những thay đổi bất ngờ về đường đi và tốc độ của 2 cơn bão, chẳng hạn chúng cùng đổi hướng, hoặc bão Gaemi bỗng nhiên di chuyển rất nhanh và thay đổi về hướng đi.

Tuy nhiên, do 2 cơn bão cùng đang hoạt động trong khu vực nên các đài khí tượng lớn trên thế giới đều đang theo dõi sự tương tác có thể xảy ra giữa chúng.

Thục Hân

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/bao-so-2-prapiroon-va-bao-gaemi-co-the-gay-hieu-ung-bao-kep-trong-truong-hop-nao-post1656964.tpo
Zalo