Tìm giải pháp cho những thách thức đa chiều trong phòng, chống ma túy

Theo tờ trình của Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trình bày tại phiên họp của Quốc hội sáng 8-11, tổng ngân sách dự kiến là hơn 22.450 tỷ đồng, với ngân sách trung ương chiếm gần 79%.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trình bày tờ trình của Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030. Ảnh: VIẾT CHUNG

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trình bày tờ trình của Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030. Ảnh: VIẾT CHUNG

"Chính phủ đề nghị Quốc hội thông qua chương trình này tại kỳ họp thứ 8 để có cơ sở triển khai đồng bộ và hiệu quả từ năm 2025. Trong đó, năm 2025, thực hiện các hoạt động xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống các văn bản, tài liệu hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ của chương trình, hệ thống giám sát, đánh giá việc thực hiện chương trình; bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ quản lý chương trình. Giai đoạn 2026-2030: triển khai đồng bộ, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra đến năm 2030", Phó Thủ tướng Lê Thành Long nêu rõ.

Ghi nhận tính cấp thiết của chương trình, song Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban cho rằng, nguồn lực này vẫn khá hạn chế so với mục tiêu đề ra, thấp hơn nhiều so với các chương trình mục tiêu quốc gia khác. Điều này, tuy là phù hợp trong bối cảnh nhu cầu sử dụng ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển trong thời gian tới là rất lớn, song vẫn sẽ gây áp lực cho ngân sách địa phương, đòi hỏi có cơ chế hiệu quả để huy động nguồn lực xã hội.

"Cần bổ sung nguyên tắc: đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, ưu tiên đầu tư cho các địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy; không sử dụng vốn của chương trình để chi cho các hoạt động thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước đã được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước cho chi thường xuyên", bà Thúy Anh nhấn mạnh.

 Quang cảnh hội trường Diên Hồng, sáng 8-11. Ảnh: VIẾT CHUNG

Quang cảnh hội trường Diên Hồng, sáng 8-11. Ảnh: VIẾT CHUNG

Bên cạnh thách thức về tài chính, chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 còn đối mặt với các thách thức đáng kể khác. Chương trình đặt ra nhiều chỉ tiêu cao, như yêu cầu 100% tụ điểm phức tạp về ma túy được phát hiện, triệt phá và hơn 90% người nghiện được hỗ trợ.

Với nguồn lực hạn chế, việc đạt được các mục tiêu này sẽ khó khả thi. Hạn chế đáng kể khác là sự thiếu đồng bộ trong quy hoạch và phân bổ cơ sở cai nghiện. Một số cơ sở cai nghiện công lập có chức năng khác nhau và không đồng nhất, gây khó khăn trong việc phân bổ nguồn lực và hỗ trợ người nghiện. Nhiều địa phương chưa bố trí đủ quỹ đất để phát triển cơ sở cai nghiện, khiến các cơ sở hiện tại quá tải và khó mở rộng đáp ứng nhu cầu điều trị…

 Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030, sáng 8-11. Ảnh: VIẾT CHUNG

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030, sáng 8-11. Ảnh: VIẾT CHUNG

Lưu ý về sự phối hợp giữa các cơ quan và cơ chế quản lý, Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh, công tác phòng, chống ma túy cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị và người dân. Để công tác phòng, chống ma túy hiệu quả cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân.

Do đó, Ủy ban Xã hội đề nghị cơ quan chủ trì xây dựng chương trình nghiên cứu bổ sung nhiệm vụ thực hiện chương trình cho các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó, quan tâm phát huy vai trò, bổ sung nhiệm vụ, kinh phí cho Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp trong phòng, chống ma túy.

Chiều cùng ngày, Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ đại biểu Quốc hội về nội dung này.

ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tim-giai-phap-cho-nhung-thach-thuc-da-chieu-trong-phong-chong-ma-tuy-post767355.html
Zalo