Báo quốc tế viết về ý nghĩa của quả quýt trong dịp Tết Nguyên đán
Theo tạp chí Time, Tết Nguyên đán sẽ không trọn vẹn nếu không có quýt, loại trái cây có vị ngọt, thơm nức dùng để trang trí trong nhà hoặc tiếp khách như một món ăn nhẹ.
Sự phổ biến của trái cây trong mùa lễ hội đã có lịch sử lâu đời trên thế giới. Ở Trung Quốc, các loại trái cây như quýt, vải thiều, chà là hoặc hồng sẽ đặt cạnh những phong bì màu đỏ vào dịp Tết. Sau đó trẻ nhỏ sẽ ăn trái cây khi thức dậy vào sáng hôm sau.
Có nhiều cách giải thích tại sao cam quýt lại được xem là biểu tượng may mắn. Một số người nói rằng cách phát âm tiếng phổ thông của loại trái cây này nghe giống từ "chúc may mắn".
Người dân thường "nói chuyện may mắn" trong dịp Tết Nguyên đán, một phong tục được cho là có thể báo trước vận may cho thời gian còn lại của năm. Các loại trái cây khác được coi là tốt lành trong văn hóa Trung Quốc bao gồm táo, một từ đồng âm với ý nghĩa "an toàn" hay quả vải thiều, đồng âm với "lợi nhuận".
Bên cạnh hình dạng tròn của quả quýt được xem là biểu tượng của sự may mắn, loại quả này cũng truyền cảm hứng cho nghệ thuật của Trung Quốc trải dài hàng nghìn năm qua. Quả quýt đã xuất hiện rất nhiều trong thơ ca của người dân nước này. Trong khi đó, quận Wakayama của Nhật Bản cũng nổi tiếng với nghề trồng quýt.
Ngày nay, quýt vẫn là một loại trái cây phổ biến và mọi người sẵn sàng mua được loại trái cây có chất lượng cao nhất. Vào năm 2020, một thùng quýt satsuma ở Nhật Bản từng được bán đấu giá khoảng 10.000 USD. Trong khi đó, những người còn lại muốn mua quýt thông thường, giá cả phải chăng sẽ phải đối mặt với tình trạng tăng giá do nhu cầu trong dịp Tết Nguyên đán, khi loại trái cây này trở thành nhu cầu thiết yếu của mỗi gia đình trong dịp lễ hội.
Ở miền nam Trung Quốc, mọi người cũng tặng cam vào dịp Tết Nguyên đán, một truyền thống đã lan sang các nước Đông Nam Á khác như Singapore, Malaysia và Indonesia với số lượng lớn người gốc Hoa ở đây.
Những quả quýt được trao đổi theo cặp - số chẵn thường được cho là tốt lành giữa những người thân và xem như một hành động cầu chúc tốt lành. Những cây còn thân và lá cũng mang biểu tượng thêm về tuổi thọ và khả năng sinh sản.
Ở Nhật Bản, vào dịp Tết Nguyên đán, một quả quýt thường được đặt lên trên bánh kagami mochi - được làm bằng hai chiếc bánh gạo tròn xếp chồng lên nhau. Người Nhật thời xưa còn quan niệm những chiếc bánh hình tròn giống như những chiếc gương đồng là nơi trú ngụ của các vị thần. Chính vì vậy bánh Kagami mochi thường là loại bánh được dâng lên các đấng thần linh giúp đem đến cho người Nhật một năm mưa thuận gió hòa, sung túc và cuộc sống viên mãn nhất.
Trong khi đó, ở Hàn Quốc, tình yêu quýt lịch sử của đất nước này vẫn tồn tại lâu năm, với những loại trái cây thường gắn liền với sự sang trọng, được mua làm quà tặng và được thưởng thức quanh năm, đặc biệt trong các dịp lễ quan trọng./.