Bão ngày càng ít nhưng mạnh và khó dự đoán hơn
Trong hơn 2 tuần, Đại Tây Dương không có thêm cơn bão nào, bình yên đến lạ giữa giai đoạn được gọi là mùa bão. Điều này khiến các chuyên gia dự báo phải bối rối.
Đầu tháng 9 thường là giai đoạn bận rộn nhất của mùa bão ở Mỹ. Các nhà dự báo thời tiết nói rằng mùa bão năm này có thể sẽ rất tệ với những cơn bão nối tiếp nhau, theo CNN.
Thế nhưng, thực tế là Đại Tây Dương lại đang được bao phủ trong một sự tĩnh lặng hiếm hoi và kỳ lạ. Điều này khiến các chuyên gia bối rối và có thể là cái nhìn thoáng qua về những gì sắp xảy ra khi hành tinh nóng lên.
Bất chấp các điều kiện thúc đẩy dự đoán hơn 20 cơn bão sẽ được đặt tên trong mùa bão, không có cơn bão nào hình thành ở Đại Tây Dương kể từ cơn bão Ernesto vào giữa tháng 8 - một chuỗi tĩnh lặng chưa từng có trong 56 năm qua.
Phil Klotzbach, chuyên gia về bão và nhà khoa học nghiên cứu tại Đại học bang Colorado (CSU), cho biết: "Nếu bạn nói với tôi một tháng trước rằng sẽ không có gì sau cơn bão Ernesto, tôi sẽ không tin. Điều đó thực sự đáng ngạc nhiên".
Các chuyên gia cho biết mùa kỳ lạ này chịu ảnh hưởng của điều kiện khí quyển khắc nghiệt, là sản phẩm phụ của biến đổi khí hậu do ô nhiễm nhiên liệu hóa thạch gây ra. Và nó cũng có thể là "thấu kính" cho diễn biến bão bất ổn hơn trong tương lai, Matthew Rosencrans, chuyên gia dự báo mùa bão hàng đầu của Trung tâm Dự báo Khí hậu của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), cho biết.
Các nhà khoa học từ lâu đã nói rằng thế giới nóng lên cuối cùng sẽ dẫn đến ít bão hơn nhưng chắc chắn mạnh hơn, và mùa này đã chứng minh cho điều đó.
Sự bất thường
Các nhà dự báo bão, bao gồm Klotzbach, đã dự đoán mùa bão sẽ hồi sinh vào cuối tháng 8, đầu tháng 9. Nhiều mô hình dự báo được sử dụng rộng rãi cũng đưa ra thông tin tương tự. Nhưng điều đó đã không xảy ra.
Các điều kiện lý tưởng cho sự phát triển của bão - nước biển ấm, gió tầng cao gây nhiễu bão tối thiểu và không khí ẩm dồi dào - đã có, nhưng bão không xảy ra trên Đại Tây Dương. Các yếu tố khí quyển ít được hiểu biết hơn đã cản trở, Klotzbach cho biết, và chúng có liên quan đến sự nóng lên toàn cầu.
Hãy lấy nước biển cực kỳ ấm làm ví dụ: Đại Tây Dương đã gần đạt mức ấm kỷ lục kể từ trước khi mùa bão bắt đầu. Nó đã tạo ra cơn bão cấp 5 Beryl - bão có sức mạnh khủng khiếp ngay từ đầu mùa bão đến mức được coi là điềm báo tiềm tàng cho mùa bão dữ dội sắp tới.
Nhưng nước ấm không thể làm tăng cường độ bão nếu ngay từ đầu chúng không xuất hiện.
Hầu như tất cả cơn bão đều bắt nguồn từ thời tiết giông bão ngoài khơi bờ biển Trung Phi. Kể từ khoảng giữa mùa hè, những "hạt giống" của bão đã được đẩy xa hơn về phía bắc so với bình thường, thậm chí vào một trong những khu vực khô hạn nhất trên Trái Đất là sa mạc Sahara. Chúng cũng đã thoát khỏi châu Phi xa hơn nhiều về phía bắc so với bình thường và do đó đã bị "còi cọc". Không khí khô, bụi và nhiệt độ đại dương mát hơn ở đây, ngoài khơi bờ biển phía tây bắc của lục địa, đã kết hợp lại để ngăn chặn quá trình hình thành các cơn bão.
Theo Klotzbach và nhóm của ông tại CSU, sự dịch chuyển về phía bắc có thể liên quan đến sự tương tác giữa dòng nước cực ấm ở vùng biển nhiệt đới Đại Tây Dương và một mảng nước nhỏ lạnh bất thường - một Nina Đại Tây Dương đang phát triển - gần đường xích đạo.
Gió mùa châu Phi được tăng cường với một lượng lớn độ ẩm, thứ thực sự có thể làm chậm quá trình phát triển của bão nhiệt đới, theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 6 trên Journal of Advances in Modeling Earth Systems. Các cơn bão cũng cần "cột mốc vàng" - điều kiện khô hạn sẽ khiến các cơn giông thiếu nhiên liệu cần thiết, nhưng quá nhiều có thể khiến chúng trở nên lộn xộn đến mức không thể tổ chức thành một cơn lốc xoáy. Độ ẩm cần phải vừa đủ.
Tác giả chính của nghiên cứu Kelly Nunez Ocasio, cũng là phó giáo sư tại Đại học Texas A&M, cho biết. "Chúng tôi đang thấy điều đó ngay bây giờ trong mùa bão Đại Tây Dương".
Kịch bản này có thể xảy ra thường xuyên hơn khi thế giới tiếp tục ấm lên vì bầu khí quyển sẽ giữ được nhiều độ ẩm hơn. Ocasio cảnh báo rằng cần phải nghiên cứu thêm để xác định chắc chắn sự thay đổi theo thời gian. Điều kiện quá ấm liên quan đến khủng hoảng khí hậu ở cả bề mặt Trái Đất và tầng khí quyển cao hơn cũng đang hạn chế nguồn năng lượng hỗn loạn mà các hệ thống nhiệt đới cần để hình thành.
"Sẽ quay trở lại"
Cùng với sự nóng lên ở bề mặt, ngay cả các tầng cao nhất của tầng đối lưu - nơi mọi sự sống và hầu hết thời tiết diễn ra - cũng đang nóng lên theo thời gian, một nghiên cứu năm 2023 được công bố trên tạp chí Nature cho thấy. Xu hướng này có khả năng giúp duy trì bão ở Đại Tây Dương ở mức thấp hơn nhiều trong thời điểm nóng nhất trong năm, tương tự như những gì đã diễn ra trong năm nay.
Sự kỳ lạ của thời tiết có nghĩa là bão chưa xuất hiện trên Đại Tây Dương ngay lập tức. Nếu không có cơn bão nào phát triển vào giai đoạn đỉnh điểm điển hình của mùa bão là vào ngày 10/9, thì đây sẽ là một chuỗi thời gian yên tĩnh chưa từng có trong gần 100 năm, theo chuyên gia về bão Michael Lowry.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo mùa bão vẫn chưa kết thúc và có thể sớm xuất hiện dấu hiệu hồi phục.
Hơn 40% hoạt động nhiệt đới trong một mùa điển hình diễn ra sau ngày 10/9, do đó, có rất nhiều tiền lệ cho thấy các cơn bão trên Đại Tây Dương hồi sinh trong những tháng tiếp theo.
Klotzbach tin rằng mùa bão có thể tái khởi động vào nửa cuối tháng 9, khi những yếu tố hạn chế bắt đầu suy giảm.
Và khi mùa bão kéo dài, khu vực mà bão bắt đầu hình thành vào cuối mùa bão sẽ tiến gần hơn đến vùng Caribe và bờ biển Mỹ, bao gồm cả Vịnh Mexico, nơi có nhiệt độ ấm kỷ lục. Thêm vào đó, La Nina dự kiến hình thành trong suốt mùa thu và có thể thúc đẩy hoạt động vào tháng 10 và tháng 11.
Bất kỳ ai sống ở những khu vực có nguy cơ chịu tác động của bão nhiệt đới không nên mất cảnh giác vì hoạt động gần đây đã lắng xuống. Bão "sẽ quay trở lại", Klotzbach cảnh báo. "Tôi vẫn không tin mùa bão này sẽ kết thúc tốt đẹp".