Báo Mỹ: Cuộc chiến giành Greenland của Mỹ sẽ là cuộc chiến ngắn nhất thế giới
Tuyên bố gần đây của Tổng thống đắc cử Mỹ rằng ông không loại trừ khả năng sử dụng biện pháp quân sự để giành quyền kiểm soát Greenland đã gây nên nhiều tranh cãi.
Trang web Politico nổi tiếng chuyên về các vấn đề chính trị của Mỹ mới đây đã đăng bài viết tiêu đề "Cuộc chiến giành Greenland của ông Trump sẽ là cuộc chiến tranh ngắn nhất trong lịch sử thế giới". Bài báo viết:
Năm 1951, Mỹ đã ký với Đan Mạch một hiệp nghị cam kết bảo vệ Greenland khỏi bị tấn công. 74 năm đã trôi qua và ngày nay mối đe dọa lại đến từ chính nước Mỹ. Vài ngày trước, ông Trump đã từ chối loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để sáp nhập Greenland, một động thái khiến toàn bộ châu Âu chấn động. Greenland là một lãnh thổ tự trị của Đan Mạch với dân số 57.000 người. Ông Trump từ lâu đã thèm muốn hòn đảo có vị trí chiến lược với trữ lượng khoáng sản và dầu mỏ phong phú này.
Nếu chiến tranh thực sự nổ ra, nước nào sẽ chiến thắng không còn là vấn đề phải nghi ngờ, nhưng nếu Đan Mạch tìm kiếm sự giúp đỡ từ các luật sư, quốc gia này có thể có cơ hội chiến thắng cao hơn. Đan Mạch có thể yêu cầu các luật sư tư vấn xem liệu EU có nghĩa vụ bảo vệ Greenland hay không? Liệu EU có thể viện dẫn điều khoản phòng thủ chung của NATO để chống lại cuộc tấn công từ thành viên lớn nhất của liên minh này hay không? Và theo hiệp ước năm 1951, nghĩa vụ của Mỹ là gì?
Mỹ là quốc gia có ngân sách quốc phòng lớn nhất thế giới, đã chi tới 948 tỷ USD cho quân sự vào năm ngoái và có lực lượng vũ trang gồm 1,3 triệu quân, một số trong đó hiện đang đồn trú tại chính Greenland. Trong khi đó, Đan Mạch chi 9,9 tỷ USD cho quân sự vào năm ngoái, quân đội chỉ có 17.000 binh sĩ và phần lớn thiết bị tác chiến hạng nặng trên bộ đều đã được mang viện trợ cho Ukraine.
“Nếu ông Trump thực sự thực hiện lời đe dọa sáp nhập Greenland bằng vũ lực, đó sẽ là cuộc chiến tranh ngắn nhất thế giới. Greenland không có năng lực phòng thủ. Người Mỹ hiện đang kiểm soát nơi đó", Urick Gadde, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Quan hệ Quốc tế Đan Mạch, nói thẳng.
Ông Gadde cho biết, mặc dù một số tàu của lực lượng tuần duyên Đan Mạch thường xuyên ghé thăm đông nam Greenland, nhưng theo các cơ quan truyền thông Đan Mạch, họ chưa bao giờ mua và cài đặt phần mềm cần thiết để nhắm bắn mục tiêu.
Ông Gadde cảm thấy bối rối, khó hiểu về ý định của ông Trump: "Liệu đây có phải chỉ là phô trương thanh thế? Đây có phải là kiểu ngoại giao đe dọa giữa các đồng minh không? Chúng tôi không biết, nhưng đó sẽ là mô hình trong 4 năm tới".
Các quan chức cấp cao, bao gồm Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch Rasmussen và Ngoại trưởng Mỹ sắp mãn nhiệm Blinken, ban đầu đều không coi trọng tuyên bố của ông Trump. Nhưng vào ngày 9/1, Thủ tướng Đan Mạch Frederiksen đã tổ chức một cuộc họp với các nhà lãnh đạo đảng cầm quyền để thảo luận về vấn đề này. Ngoại trưởng Rasmussen cũng đảo ngược thái độ thờ ơ ban đầu của mình: "Chúng tôi coi vấn đề này rất nghiêm trọng, nhưng chúng tôi không có ý định leo thang cuộc khẩu chiến với một vị Tổng thống sắp bước vào Nhà Trắng".
"Đan Mạch biết rất rõ rằng họ không thể tự mình bảo vệ Greenland khỏi bất kỳ ai xâm hại", Christian Thurby Kristensen, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Quân sự thuộc Đại học Copenhagen nói. "Vì vậy, câu hỏi đặt ra là: (Người Mỹ) sẽ đánh ai ? Quân đội sẽ được sử dụng thế nào ư? Thì họ đã ở sẵn Greenland rồi!".
Một người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) gần đây đã nói với giới truyền thông, theo tiền đề "hoàn toàn mang tính giả thuyết" rằng nếu Mỹ thực sự xâm lược Greenland, Điều 42 (7) của Hiệp ước EU sẽ được áp dụng. Tuy nhiên, Daniel Fiott, một học giả tại Trung tâm Ngoại giao và Chiến lược An ninh thuộc Trường Quản lý Brussels, chỉ ra rằng “điều khoản này là vô nghĩa vì không có lực lượng quân sự thực sự nào đứng sau nó".
Liệu Đan Mạch, một thành viên sáng lập của NATO, có thể viện dẫn Điều 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, điều khoản phòng thủ tập thể, để chống lại một thành viên sáng lập khác hay không, chính phía Mỹ cũng không rõ.
Agathe Desmarais, nghiên cứu viên cấp cao về chính sách tại Hội đồng Đối ngoại Châu Âu (European Council on Foreign Relations, ECFR), nói: "Trên thực tế, đây là tình huống một quốc gia thành viên NATO cưỡng chiếm lãnh thổ của một quốc gia thành viên NATO khác, đây là một lĩnh vực chưa từng được nhắc tới trước đây".