Báo Mỹ cảnh báo sức mạnh đáng sợ của UAV tự sát Lancet trên chiến trường

UAV tự sát Lancet đã 'làm mưa làm gió' trên khắp chiến trường Ukraine kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở quốc gia Đông Âu này.

Trong suốt cuộc xung đột kéo dài gần 3 năm qua, máy bay không người lái (UAV/drone) tự sát Lancet của Nga là nỗi ám ảnh của pháo binh Ukraine. Gần đây, những chiếc UAV có sức mạnh đáng sợ này đã được tiếp thị mạnh mẽ tại một triển lãm quốc tế quy mô lớn diễn ra trong tuần này.

Triển lãm hàng không vũ trụ quốc tế Aero India 2025, diễn ra từ 10-14/2 tại Căn cứ Không quân Yelahanka, Bengaluru, Karnataka, Ấn Độ, đang chứng tỏ là một sự kiện đáng kinh ngạc và mang tính lịch sử.

Những hình ảnh hiếm hoi về cuộc "chạm trán" đầu tiên của máy bay chiến đấu Su-57E của Nga và máy bay chiến đấu F-35 Lightning II của Mỹ đã lan truyền khắp cõi mạng, khi hai siêu tiêm kích này đậu đối diện nhau tại Aero India 2025.

Giờ đây, như cách nhà phân tích địa chính trị Brandon J. Weichert viết trên Tạp chí National Interest nổi tiếng của Mỹ, người Nga đã thêm một lớp hấp dẫn nữa bằng cách trưng bày hệ thống đạn tuần kích Lancet-E của họ.

UAV tự sát Lancet-E được trưng bày tại Triển lãm hàng không vũ trụ quốc tế Aero India 2025. Ảnh: Eurasian Times

UAV tự sát Lancet-E được trưng bày tại Triển lãm hàng không vũ trụ quốc tế Aero India 2025. Ảnh: Eurasian Times

Chữ "E" là viết tắt của "Export" (xuất khẩu), vì toàn bộ mục đích của Aero India 2025 là để các quốc gia và các nhà thầu quốc phòng quốc tế quảng cáo sản phẩm của họ cho khách hàng nước ngoài tiềm năng. Trong trường hợp này, đạn tuần kích – hay UAV tự sát Lancet được xuất khẩu bởi công ty Rosoboronexport của Nga.

Hệ thống Lancet-E của Nga gồm 3 UAV hoạt động sát cánh bên nhau: UAV Product 51-E, UAV Product 52-E và UAV Z-16-E, hoạt động như "trinh sát viên" cho UAV mang đầu đạn.

Không giống như tiêm kích Su-57 chưa được chứng minh trong thực chiến, gia đình UAV tự sát Lancet đã "làm mưa làm gió" trên khắp chiến trường Ukraine kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở quốc gia Đông Âu này vào tháng 2/2022.

Ảnh chụp màn hình cho thấy một UAV Lancet đang phá hủy mục tiêu của đối phương ở tiền tuyến gần Kryvyi Rih, Dnipropetrovsk, Ukraine, tháng 10/2023. Ảnh: Eurasian Times

Ảnh chụp màn hình cho thấy một UAV Lancet đang phá hủy mục tiêu của đối phương ở tiền tuyến gần Kryvyi Rih, Dnipropetrovsk, Ukraine, tháng 10/2023. Ảnh: Eurasian Times

Chính Lancet-3, một biến thể nâng cấp của UAV tự sát Lancet nguyên bản, được cho là đã phá hủy gần 50% các hệ thống pháo binh NATO mà Ukraine đã sử dụng kể từ khi bắt đầu cuộc chiến.

"Thực sự không có lời chào hàng nào tốt hơn mà người ta có thể đưa ra cho một hệ thống với sức mạnh đáng sợ như vậy đối với khách hàng nước ngoài tiềm năng", nhà phân tích Weichert cho biết trong một bài viết đăng trên National Interest đề ngày 13/2.

Cụ thể, UAV Lancet của quân đội Nga đã gây ra thiệt hại cực lớn cho lựu pháo hạng nhẹ M777 của Mỹ, pháo tự hành KRAB (SPG) của Ba Lan, xe tăng Leopard 2 của Đức, và thậm chí cả các hệ thống tên lửa đất đối không (SAM) quan trọng mà Ukraine sử dụng để bắn hạ máy bay chiến đấu Nga.

UAV Lancet của Nga mắc kẹt trong lưới kim loại được triển khai trên một khẩu pháo tự hành KRAB của các lực lượng Ukraine, tháng 1/2023. Ảnh: Militarnyi

UAV Lancet của Nga mắc kẹt trong lưới kim loại được triển khai trên một khẩu pháo tự hành KRAB của các lực lượng Ukraine, tháng 1/2023. Ảnh: Militarnyi

Lancet là UAV tự sát do công ty hàng không vũ trụ Nga Zala Aero Group, một công ty con của Kalashnikov Concern, phát triển. UAV này, còn được gọi là Zala Lancet, có Lancet-3 là biến thể được biết đến rộng rãi nhất và được triển khai rộng khắp các chiến trường.

Rosoboronexport, một công ty con của Rostec, chịu trách nhiệm tiếp thị và UAV tự sát Lancet trên toàn cầu. Kể từ khi Lancet ra mắt vào năm 2016, quân đội Nga đã sử dụng hơn 2.000 UAV này trong Lực lượng Phòng thủ Chiến lược, tính đến tháng 7/2024.

Có hình ống thuôn dài màu xám và góc cạnh, với 2 bộ cánh hình chữ X, UAV tự sát Lancet là một hệ thống vũ khí linh hoạt và tương đối rẻ, với chi phí cho một chiếc này vào khoảng 35.000 USD, theo Oryx Project. Nhưng Lancet lại có khả năng phá hủy các phương tiện quân sự có kích thước và giá trị lớn hơn nó nhiều lần.

UAV tự sát Lancet. Ảnh: Eurasian Times, Militarnyi

UAV tự sát Lancet. Ảnh: Eurasian Times, Militarnyi

Lancet được thiết kế để tấn công các mục tiêu trên nhiều địa hình khác nhau, bao gồm đất liền, trên không và dưới nước. "Sát thủ chiến trường" này có thể tự động thực hiện các cuộc tấn công chính xác trong phạm vi 40 km với tốc độ lên tới 110 km/h, thời gian hoạt động là 40 phút.

UAV có trọng lượng cất cánh tối đa là 12 kg. Người vận hành triển khai Lancet bằng một trạm điều khiển di động giống như một chiếc hộp và một máy phóng để phóng. Chiếc drone này có khả năng bay lảng vảng (loiter) trên bầu trời cho đến khi mục tiêu lộ diện.

Trong cuộc xung đột khốc liệt đang diễn ra, cả người Nga và người Ukraine đều đã chứng minh được khả năng thích nghi đáng kinh ngạc với bối cảnh chiến trường mới, nơi UAV là lực lượng thống trị.

Và các hệ thống vũ khí như UAV tự sát Lancet, với hiệu quả và tính linh hoạt đã được chứng minh trong thực chiến, có thể mở ra nhiều kịch bản chiến tranh đáng sợ trong thế kỷ 21.

Minh Đức (Theo National Interest, Army Technology)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/bao-my-canh-bao-suc-manh-dang-so-cua-uav-tu-sat-lancet-tren-chien-truong-204250215140954264.htm
Zalo