Bạo loạn ở Haiti: Các nước láng giềng triệu hồi đại sứ, chuẩn bị tăng cường phòng thủ
Hôm thứ Hai (4/3), các nước láng giềng của Haiti bắt đầu tăng cường phòng thủ và triệu hồi nhân viên đại sứ quán, trong bối cảnh bạo lực băng đảng đã leo thang thành bạo loạn ở quốc gia Caribe này.
Cộng hòa Dominica, quốc gia có chung đảo Hispaniola với Haiti, cho biết hôm thứ Hai rằng Bộ trưởng Quốc phòng nước này đang đi thị sát tiến trình xây dựng hàng rào biên giới, trong khi Tổng thống Dominica Luis Abinader loại trừ khả năng mở các trại tị nạn cho những người dân Haiti.
Ngoài ra, nước láng giềng Bahamas cho biết họ đã gọi nhân viên đại sứ quán quay trở lại New Providence, chỉ để lại đại biện và hai tùy viên an ninh. Trong khi đó, Mexico khuyến cáo công dân hạn chế di chuyển và tích trữ nước, nhiên liệu cùng các đồ thiết yếu khác.
Mỹ kêu gọi công dân của mình rời khỏi Haiti "càng sớm càng tốt". Brazil kêu gọi cộng đồng quốc tế thực hiện nghị quyết của Liên hợp quốc gửi lực lượng đa quốc gia tới Haiti. Trong một tuyên bố, chính quyền Brazil lưu ý rằng họ đã dẫn đầu phái đoàn hòa bình của Liên hợp quốc tới Haiti từ năm 2004 đến năm 2017.
Các băng đảng đã cảnh báo người dân xung quanh thủ đô Port-au-Prince giữ trẻ em ở nhà, mặc dù chính quyền Haiti quy định rằng các trường học vẫn sẽ mở cửa. Nhà chức trách sân bay quốc tế Port Au Prince cho biết ngay cả vào ban ngày, vẫn có tiếng súng dữ dội gần sân bay.
Trước đó hôm Chủ nhật, chính quyền Haiti đã ban hành tình trạng khẩn cấp kéo dài 72 giờ và áp đặt lệnh giới nghiêm hàng đêm sau khi băng đảng có vũ trang giải thoát hàng nghìn tù nhân, và một thủ lĩnh băng đảng kêu gọi lật đổ Thủ tướng Ariel Henry.
Bạo lực bùng phát trong khi ông Henry vắng mặt. Hiện vẫn chưa biết rõ về nơi ở hiện nay của Thủ tướng Henry sau chuyến đi tới Kenya nhằm ký một thỏa thuận để quốc gia châu Phi này dẫn đầu một lực lượng quốc tế đến chống lại các băng đảng ở Haiti.
Theo Tổ chức Di cư Quốc tế, chỉ trong ba ngày vào tuần trước, ước tính khoảng 15.000 người đã chạy trốn khỏi bạo lực ở Port-au-Prince. Nhiều người trong số họ đến từ các trại tạm bợ ở trường học, bệnh viện và quảng trường - nơi mà họ từng đến sơ tán.
Đầu năm nay, Liên hợp quốc ước tính khoảng 300.000 người Haiti đã buộc phải rời bỏ nhà cửa, chạy trốn khỏi những vụ giết người bừa bãi, bạo lực tình dục, bắt cóc và cướp bóc khi các băng nhóm được trang bị vũ khí hạng nặng tranh giành lãnh thổ và đụng độ với chính quyền.
Ngọc Ánh (theo Reuters)