Báo in - những thách thức trong thời đại số

Giữ vị thế tiên phong trong dòng chảy thông tin, báo in Bình Phước là nhịp cầu gắn kết giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh. Thế nhưng, trước làn sóng chuyển mình mạnh mẽ của công nghệ số, báo in phải đối mặt với không ít thách thức. Với những người đã dành trọn đời cho báo giấy, đây không chỉ là công cụ truyền tải thông tin, mà còn là ký ức, bản lĩnh nghề nghiệp và mạch ngầm văn hóa không thể phai mờ.

Phóng viên BPO đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Trịnh Thị Tâm, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Bình Phước để cảm nhận sức sống bền bỉ của báo in trong thời đại số.

Nhà báo Trịnh Thị Tâm, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Bình Phước chia sẻ về những thách thức của báo in trong thời đại số - Ảnh: Như Nam

PV: Là nhà báo gắn bó trọn vẹn với báo in, theo bà, báo in có vai trò như thế nào trong đời sống xã hội?

Nhà báo Trịnh Thị Tâm: Không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, báo in là hình thức báo chí đầu tiên, đặt nền móng cho sự phát triển của truyền thông hiện đại. Dù hiện nay, báo điện tử và mạng xã hội đã tạo nên bước ngoặt lớn với vô vàn tiện ích, tôi vẫn cho rằng báo in chưa bao giờ đánh mất giá trị cốt lõi của mình. Giá trị đó nằm ở sự cẩn trọng trong từng khâu sản xuất như: Thông tin được kiểm chứng kỹ lưỡng, nội dung được biên tập khách quan, trung thực và có định hướng rõ ràng. Báo in, đặc biệt là các tờ báo, tạp chí của Đảng không chỉ làm nhiệm vụ truyền thông đơn thuần mà còn là tài liệu chính trị quý giá, góp phần nâng cao nhận thức, định hướng tư tưởng, lan tỏa tinh thần yêu nước và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Tôi tin rằng, trong bất kỳ thời đại nào, những giá trị này vẫn luôn có chỗ đứng bởi nó không chỉ gắn với kỹ thuật làm báo, mà còn gắn với trách nhiệm xã hội, đạo đức nghề nghiệp và lý tưởng chính trị của người cầm bút.

PV: Với một thời gian dài làm báo ở Bình Phước và chứng kiến thời kỳ báo in phát triển mạnh mẽ, theo bà điều gì làm nên sức hút riêng của tờ báo in?

Nhà báo Trịnh Thị Tâm: Theo tôi, khi còn là một tờ báo độc lập, báo in nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tỉnh, các cơ quan quản lý báo chí và chính những người làm báo. Chúng tôi được tạo điều kiện để làm nghề một cách nghiêm túc, tận tâm. Lúc đó, kỹ thuật chưa hiện đại như bây giờ, tôi và những đồng nghiệp vẫn viết tay, chuyển bản thảo cho thư ký tòa soạn, rồi qua khâu biên tập để đưa đi dàn trang. Nhưng chính sự giản đơn ấy lại khiến tác phẩm báo chí thời đó giữ được trọn vẹn giọng văn cá nhân, quan điểm, cảm xúc và bản sắc của từng cây bút.

Và cũng cần nhìn nhận thực tế, vào thời điểm ấy, ngoài truyền hình phát sóng theo giờ cố định và sách, báo in, người dân gần như không có kênh thông tin nào khác. Truyền hình thì chưa phổ biến, sách lại không phù hợp với tất cả đối tượng. Vì vậy, báo in nghiễm nhiên trở thành “cửa sổ nhìn ra thế giới” của đông đảo cán bộ, người lao động, học sinh, sinh viên... Sự độc tôn đó đã tạo nên sức hút mạnh mẽ và vị thế đáng nể của báo in trong đời sống xã hội lúc bấy giờ.

PV: Trong bối cảnh báo điện tử, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ hiện nay, nhiều người cho rằng báo in trước sau cũng sẽ “dần bị mai một”. Bà có suy nghĩ gì về nhận định này?

Nhà báo Trịnh Thị Tâm: Quả thực, sự phát triển của báo điện tử và mạng xã hội khiến báo in dần trở nên lép vế, nhưng điều đó không đồng nghĩa với sự biến mất. Báo in vẫn giữ lợi thế lớn nhờ quy trình kiểm duyệt, biên tập kỹ lưỡng và hướng đến những nội dung chuyên sâu, mang tính định hướng cao. Những chuyên đề, bài viết dài kỳ, phân tích sâu sắc các vấn đề kinh tế - xã hội, đó là thế mạnh đặc trưng mà báo điện tử khó có thể thay thế. Giống như bản thân tôi khi muốn tìm hiểu sâu một vấn đề thì vẫn chọn đọc báo in, không chỉ vì độ tin cậy, mà còn bởi cảm giác được lật từng trang giấy, ngửi được mùi thơm của mực in, đó là một giá trị cảm xúc rất riêng. Tôi tin rằng, trong giai đoạn báo điện tử dần bão hòa, chính là lúc báo in có thể khẳng định lại vị thế của mình.

PV: Như bà đã nói, trong bối cảnh báo điện tử và một số loại hình báo chí mới cùng mạng xã hội phát triển, báo in không tránh khỏi tình trạng bị lép vế. Vậy, cần phải làm gì để báo in, nhất là báo in địa phương giữ được độc giả và đâu là giá trị mà báo in địa phương cần tiếp tục phát huy?

Nhà báo Trịnh Thị Tâm: Tôi nghĩ muốn tồn tại và phát triển, điều tiên quyết là báo in phải đi từ gốc - chính là phát huy những giá trị đặc trưng vốn có. Dù là báo trung ương hay báo địa phương, điều đầu tiên phải đảm bảo nội dung đăng tải luôn chính xác, được kiểm chứng, khách quan và có định hướng rõ ràng. Đặc biệt, báo in địa phương cần bám sát những vấn đề kinh tế, văn hóa, đời sống dân sinh diễn ra trên chính địa phương mình. Càng gần dân, càng phản ánh kịp thời, chính xác các vấn đề nóng nhưng có chọn lọc, có chiều sâu thì càng dễ tạo được uy tín và niềm tin với độc giả.

Ngoài ra, hình thức trình bày cũng phải thay đổi theo xu hướng mới như tăng cường sử dụng đồ họa, biểu đồ, hình ảnh minh họa sinh động để thu hút bạn đọc ở nhiều độ tuổi, ngành nghề. Không thể làm báo kiểu cũ trong thời đại mới. Và tôi tin rằng, dù công nghệ phát triển đến đâu, vẫn luôn có những độc giả trung thành, hằng ngày tìm đọc báo in như một phần không thể thiếu trong cuộc sống.

PV: Trân trọng cảm ơn nhà báo Trịnh Thị Tâm!

Thanh Thảo (thực hiện)

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/636/171281/bao-in-nhung-thach-thuc-trong-thoi-dai-so
Zalo