Báo hiếu cha mẹ - nét đẹp văn hóa của người M'nông
Bên cạnh mục đích chính tri ân công đức sinh dưỡng của đấng sinh thành, lễ báo hiếu cha mẹ còn là dịp để người M'nông thể hiện sự gắn kết thâm tình ruột thịt giữa các thành viên trong gia đình, đồng thời cố kết tình giao hảo với những người đồng tộc trong cộng đồng người M'nông.

Nghi thức tại buổi lễ tái hiện lễ báo hiếu của dân tộc M’nông. Ảnh: B.T
Nghệ nhân Cil Ha Nếu ở Đam Rông cho hay, người M’nông rất coi trọng nghi lễ báo hiếu cha mẹ. Thường khi cha mẹ đã qua tuổi 60, con cái trong nhà sẽ chọn ngày thích hợp để tổ chức nghi lễ báo hiếu nhằm tỏ bày lòng biết ơn cha mẹ đã dày công nuôi dưỡng mình nên người. Trước kia, việc tổ chức nghi lễ báo hiếu cha mẹ là việc riêng của người con gái cả. Thời gian tổ chức thường rơi vào tháng 1 hoặc tháng 2, khi vụ mùa rẫy năm trước đã kết thúc, thóc đã nằm im trong cót. Ngày nay, những người con trong gia đình sẽ cùng nhau tổ chức nghi lễ báo hiếu cha mẹ. “Đây là dịp con cái tri ân công ơn sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ. Đây cũng là dịp con cái xin lời chúc phúc từ cha mẹ. Nhân dịp này, cha mẹ cũng sẽ chia tài sản cho các con để các con bắt đầu cuộc sống riêng. Nghi lễ báo hiếu cha mẹ còn là dịp tăng cường mối tình đoàn kết giữa những người trong gia đình, dòng tộc, cộng đồng”, nghệ nhân Cil Ha Nếu chia sẻ.
Theo nghệ nhân Cil Ha Nếu, lễ vật cho nghi lễ báo hiếu cha mẹ gồm 2 con heo đực (1 con đã chế biến, 1 con còn sống), 5 con gà trống, 20 dây cườm, 1 bộ quần áo, 1 tấm khăn choàng, 1 đuôi heo, 1 miếng thịt sống, 4 ché rượu cần (1 ché lớn, 3 ché nhỏ), trứng gà luộc và xôi. “Trong nghi lễ báo hiếu cha mẹ, người M’nông còn chuẩn bị thêm một số lễ vật như 1 cái rìu (ngụ ý để đẽo cây làm quan tài khi bố mẹ qua đời), 1 cái cuốc nhỏ và xà gạc (hàm nghĩa sau này bố mẹ mất sẽ dùng để làm cỏ và chăm sóc mộ phần), 1 quả bầu khô đựng đầy nước suối đầu nguồn, cùng hạt lúa giống và hạt bắp giống để mẹ trao lại cho các con (ngụ ý cha mẹ để lại cho con những hạt giống tốt)”, nghệ nhân Cil Ha Nếu cho biết. Mặc dù là nghi lễ của gia đình, phạm vi tổ chức tại gia đình, nhưng nghi lễ báo hiếu cha mẹ vẫn nhận được sự quan tâm của những người dân trong bon. Nó cho thấy tinh thần cố kết cộng đồng đã trở thành căn tính của người M’nông. Thông qua nghi lễ này, người M’nông chỉ dạy cho con cháu sống hiếu nghĩa với cha mẹ, sống trách nhiệm với cộng đồng.
Tờ mờ sáng, mọi thành viên trong gia đình của người được tổ chức nghi lễ báo hiếu, cũng như bà con trong bon mỗi người một công việc, tất bật sửa soạn nhà cửa, bếp núc, nước nôi, lễ vật... Sau khi lễ vật đã được bày biện đầy đủ, bố mẹ (người được tổ chức nghi lễ mừng thọ) ngồi ở vị trí trang trọng nhất trong căn nhà, đối diện với vợ chồng người con gái cả, dưới sự chứng kiến của những người trong dòng tộc. Chàng rể cả cất lời: “Hôm nay, vợ chồng con tổ chức nghi lễ báo hiếu bố mẹ để tỏ lòng biết ơn sâu sắc bố mẹ đã sinh ra, nuôi nấng, giáo dục chúng con nên người”. Nối lời chồng, người con gái cả lên tiếng: “Chúng con gửi lời cầu chúc bố mẹ nhiều sức khỏe, sống lâu cùng con cháu. Chúng con xin bố mẹ chúc phúc cho chúng con được khỏe mạnh, bình an”. Sau đó, con rể trao quần áo, tấm khăn choàng cho bố, con gái thì rót rượu mời bố. Tiếp theo, con gái trao quần áo, tấm khăn choàng, vòng cườm cho mẹ, con rể rót rượu mời mẹ. Bố mẹ dùng ngón tay trỏ sờ lên trán của các con, cháu, ý muốn cầu mong bình an, sức khỏe cho các thành viên trong gia đình. Sau những lời chúc của con cháu, người được mừng thọ sẽ kể chuyện đời của mình, dặn dò con cháu sống vui vẻ, thuận hòa, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, không được mâu thuẫn, so đo nhau bất kể việc lớn hay việc nhỏ, rồi khuyên con cháu rằng sau này lúc bố mẹ qua đời, con cháu đừng buồn, đừng khóc nhiều làm ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc. Tài sản của bố mẹ để lại là tài sản chung, con cháu không được đập phá, tranh chấp.
Phần nghi lễ kết thúc, các thành viên trong gia đình và bà con trong bon cùng nhau ăn tiệc, uống rượu mừng. Đàn ông trong bon thì đánh cồng chiêng, phụ nữ thì múa những điệu múa truyền thống. Người thì ngồi lại nói chuyện con cái, người thì bàn bạc công việc làm ăn, người thì chia sẻ những dự định trong tương lai... Theo ông Liêng Hót Ha Hai - Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông, UBND huyện Đam Rông tổ chức phục dựng, tái hiện nghi lễ báo hiếu cha mẹ của người M’nông nhằm khơi dậy truyền thống hiếu đạo của người M’nông trong việc thực hành nghi lễ báo hiếu, qua đó thể hiện tình yêu thương, sự kính trọng người cao tuổi, lòng biết ơn của con cháu dành cho đấng sinh thành. Đây cũng là dịp để lưu truyền các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của người M’nông trong cộng đồng.