Nhịp sống mới nơi vùng cao Khâu Đấng

Khâu Đấng là thôn đặc biệt khó khăn ở xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm. Địa danh 'Khâu Đấng' đang dần được định danh trên bản đồ du lịch cộng đồng của địa phương nhờ dự án hỗ trợ điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 Cổng làng văn hóa cộng đồng Khâu Đấng được đầu tư theo Dự án 6.

Cổng làng văn hóa cộng đồng Khâu Đấng được đầu tư theo Dự án 6.

Một ngày tháng Năm, men theo con đường nhỏ, chúng tôi trở lại Khâu Đấng. Vẫn giữ được vẻ yên bình, mộc mạc, nhưng Khâu Đấng không còn vẻ lặng lẽ, hiu hắt như thể bị lãng quên như trước nữa. Thấp thoáng ngay đầu thôn là những nếp nhà sàn, mái ngói âm dương phảng phất màu thời gian nằm lẩn khuất giữa tán cây xanh, bên luống rau xanh mướt mát hay khóm hoa rực rỡ sắc màu. Con đường bê tông dài chừng 4km vắt ngang những triền núi, dẫn từ đầu thôn đến khu vực Thôm Bon – nơi có ruộng bậc thang, thác nước và dòng suối hiền hòa, rải rác những phiến đá lô nhô như tô đậm thêm bức tranh sơn thủy hữu tình ở Khâu Đấng.

 Thiên nhiên hoang sơ, khí hậu mát trong là nét riêng để Khâu Đấng phát triển du lịch cộng đồng.

Thiên nhiên hoang sơ, khí hậu mát trong là nét riêng để Khâu Đấng phát triển du lịch cộng đồng.

“Thôn có 36 hộ với 200 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Sán Chỉ sinh sống. Bà con chủ yếu sống dựa vào canh tác lúa, ngô trên tổng diện tích 7ha đất nông nghiệp, trồng cây ăn quả, chăn nuôi. Hiện thôn chỉ còn 05 hộ nghèo, 07 hộ cận nghèo. Từ các chương trình mục tiêu quốc gia, Nhà nước đã đầu tư xây dựng đường sá, điện nước, nhà văn hóa, đưa du lịch về bản... Bà con cũng tích cực tham gia hiến đất, góp công góp sức, chung tay cùng làm”, Bí thư Chi bộ thôn Khâu Đấng, chị Hoàng Thị Mộng chia sẻ.

 Bản sắc văn hóa đậm đà là điều dễ nhận thấy khi đến với Khâu Đấng.

Bản sắc văn hóa đậm đà là điều dễ nhận thấy khi đến với Khâu Đấng.

Vốn là “thôn vùng cao của huyện vùng cao”, song giờ đây Khâu Đấng đang trải qua một cuộc "lột xác" nhờ các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Dự án Bảo tồn làng, bản văn hóa truyền thống (Dự án 6, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) đang triển khai thực hiện. Nhà nước không chỉ hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, đường sá, điện lưới..., mà còn trao sinh kế cho bà con bằng cách mở ra cơ hội phát triển du lịch cộng đồng bền vững.

Những ngôi nhà sàn gỗ lâu đời vốn là “bảo tàng sống” của văn hóa Sán Chỉ, nay có cơ hội được tôn tạo để bảo tồn, gìn giữ được các yếu tố gốc, tăng tuổi thọ công trình. Dự án còn tính toán hiện đại hóa tiện nghi với việc xây dựng hệ thống thoát nước, nhà vệ sinh khép kín, lối đi bê tông kết nối với đường làng, vừa đảm bảo vệ sinh mà vẫn giữ nguyên bản sắc. Trước mắt có 09 hộ dân đang được lựa chọn đầu tư tôn tạo theo hạng mục của Dự án 6.

Ngoài nét đẹp kiến trúc, thôn Khâu Đấng còn là nơi chứa đựng kho tàng văn hóa độc đáo của dân tộc Sán Chỉ. Bà con luôn có ý thức gìn giữ những nét đẹp của dân tộc mình, bảo tồn và phát huy giá trị các phong tục truyền thống như: Lễ cấp sắc, lễ đầy tháng, mừng thọ, đám hiếu... Đặc biệt, người dân trong thôn vẫn lưu giữ nghề se lanh dệt vải truyền thống, thường xuyên mặc trang phục dân tộc trong đời sống hằng ngày.

Từ khi có chủ trương của huyện đầu tư cho thôn phát triển thành điểm tham quan du lịch cộng đồng, bà con rất phấn khởi. Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân còn chung tay hiến đất làm đường, làm nhà văn hóa thôn, chỉnh trang nhà cửa, trồng hoa và cây xanh để tạo cảnh quan xanh – sạch – đẹp.

 Người dân Khâu Đấng lưu giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.

Người dân Khâu Đấng lưu giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.

Từng đi làm công nhân ở dưới xuôi một thời gian dài, nay chị Đặng Thị Nga quyết định về quê nhà làm ăn, học cách phát triển kinh tế từ mô hình du lịch cộng đồng. Mặc dù không phải là hộ đang được đầu tư theo Dự án, nhưng gia đình chị Nga vẫn chủ động tu sửa, bài trí nhà cửa để đón khách du lịch. Chị được tham gia tập huấn cách làm dịch vụ, giao tiếp với du khách, giữ gìn môi trường, học lại nghề dệt, tập luyện hát giao duyên, múa mặt nạ đặc sắc của dân tộc mình. Giờ đây, những lễ hội dân gian, làn điệu truyền thống, nghề se lanh dệt vải, những món ăn dân tộc như cơm đồ, bánh đường... không chỉ là nét sinh hoạt thường ngày mà còn trở thành sản phẩm du lịch bản địa hấp dẫn.

“Các hộ dân trong thôn đang rất mong đợi Dự án nhanh chóng hoàn thành các nội dung hỗ trợ. Thời gian tới đây, trong bối cảnh khi sáp nhập xã, tỉnh, chúng tôi hy vọng Dự án này vẫn tiếp tục được quan tâm thực hiện và phát huy hiệu quả đầu tư để Khâu Đấng có điều kiện vươn lên”, thoáng một chút băn khoăn, Bí thư Chi bộ thôn Khâu Đấng, chị Hoàng Thị Mộng bày tỏ tâm tư.

Gắn bảo tồn giá trị văn hóa bản địa với sinh kế, giúp người dân có thu nhập từ dịch vụ du lịch được kỳ vọng mở ra hướng phát triển mới cho Khâu Đấng. Khi người dân trở thành chủ thể của Dự án, những nếp nhà sàn không chỉ che nắng mưa, mà còn trở thành cầu nối đưa văn hóa Sán Chỉ vươn xa. Đây chính là hướng xóa nghèo, giúp đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên chính bằng cách giữ gìn và phát huy hồn cốt văn hóa truyền thống của dân tộc mình./.

Huyện Pác Nặm phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn khảo sát, đề xuất triển khai Dự án "Bảo tồn làng, bản, văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" (Dự án 6, thuộc Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) tại thôn Khâu Đấng, xã Bộc Bố (Pác Nặm), thời gian thực hiện từ năm 2023 - 2025.

Các nội dung đầu tư của Dự án này gồm: Xây nhà sinh hoạt cộng đồng thôn theo kiến trúc nhà sàn; bảo tồn, cải tạo, chỉnh trang lại 09 nhà sàn của 09 hộ gia đình trong thôn; xây dựng cổng làng, các biển chỉ dẫn; bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể...

Đến nay, một số hộ dân ở Khâu Đấng tham gia Dự án đã được hỗ trợ chăn, ga, gối, đệm, lắp wifi miễn phí, lắp quạt, thay dây điện mới, đổ bê tông gầm sàn nhà, tập huấn kỹ năng phát triển du lịch cộng đồng...

Trang Lê

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/nhip-song-moi-noi-vung-cao-khau-dang-post70774.html
Zalo