Bảo hiểm nông nghiệp: Người dân, doanh nghiệp chưa mặn mà

Bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) đã được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới, trở thành cứu cánh của người dân, doanh nghiệp (DN) mỗi khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh. Tại Việt Nam nói chung, tỉnh Bắc Giang nói riêng, lĩnh vực này còn khá mới mẻ. Sau bão số 3 và trận lũ vừa qua, vấn đề BHNN được nhiều người quan tâm, cho thấy tầm quan trọng của vấn đề này trong sản xuất nông nghiệp.

Khó triển khai bảo hiểm

Bão số 3 gây ra những thiệt hại nặng nề đối với sản xuất nông nghiệp. Thống kê cho thấy, tỉnh Bắc Giang bị thiệt hại hơn 18,2 nghìn ha lúa, hơn 2,7 nghìn ha rau màu, hơn 1,5 nghìn ha cây trồng lâu năm và hằng năm, hơn 6,5 nghìn ha cây ăn quả, hơn 37,4 nghìn ha rừng. Bên cạnh đó có khoảng 269 nghìn con gia súc, gia cầm và vật nuôi khác bị chết, lũ cuốn trôi, 1,6 nghìn ha thủy sản thiệt hại…

 Bão số 3 gây thiệt hại hàng tỷ đồng đối với HTX Rau sạch Yên Dũng.

Bão số 3 gây thiệt hại hàng tỷ đồng đối với HTX Rau sạch Yên Dũng.

Mặc dù bị tổn thất rất lớn nhưng trên địa bàn tỉnh không có hộ dân, hợp tác xã (HTX), DN nào được chi trả các khoản đền bù từ đơn vị cung cấp dịch vụ bảo hiểm. Công ty TNHH Dịch vụ chăn nuôi Hùng An, xã Phúc Hòa (Tân Yên) bị chết gần 1 nghìn con lợn nhưng do không tham gia bảo hiểm nên toàn bộ thiệt hại DN phải tự gánh chịu. Đại diện Công ty cho biết, BHNN là lĩnh vực mới, DN có ít thông tin, hơn nữa chủ quan nghĩ rằng lũ lụt không mấy khi xảy ra nên không mua bảo hiểm.

Tương tự, đối với HTX Rau sạch Yên Dũng, bão số 3 đã làm hư hỏng nhiều nhà lưới, nhà màng và diện tích lớn cây trồng, ước tính tổng thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng. Do không tham gia bảo hiểm nên HTX phải tự gắng gượng, xoay xở huy động các nguồn kinh phí để khôi phục sản xuất. “Muốn nhanh hoạt động ổn định trở lại, HTX chỉ còn cách vay vốn ngân hàng, mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ về lãi suất, thời gian vay để chúng tôi yên tâm tái sản xuất”, bà Trần Thị Thu Trang, Phó Giám đốc HTX chia sẻ.

Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam (ABIC) là thành viên của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam hiện đang triển khai gói BHNN (vật nuôi, cây trồng). Theo đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Chi nhánh Bắc Giang II, mặc dù bão số 3 gây thiệt hại lớn cho lĩnh vực nông nghiệp song trên địa bàn tỉnh không có trường hợp nào được chi trả bồi thường từ ABIC. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân còn có tâm lý e dè hoặc chưa có nguồn tài chính để tham gia.

Thời gian tới, đơn vị sẽ chủ động hơn trong việc giới thiệu sản phẩm, lợi ích của BHNN đến người dân, HTX. Đồng thời mong muốn có sự quan tâm, vào cuộc mạnh mẽ của các ngành, địa phương để hướng dẫn, hỗ trợ cho người dân tiếp cận, sử dụng sản phẩm BHNN, coi đây là “phao cứu sinh” mỗi khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh.

Tiếp tục có chính sách hỗ trợ

Thời gian qua, lĩnh vực BHNN được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành T.Ư và tỉnh quan tâm ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, tuy nhiên đến nay kết quả thực hiện còn hạn chế. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18/4/2018 về BHNN và Quyết định số 13/2022/QĐ-TTg ngày 9/5/2022 về thực hiện chính sách hỗ trợ BHNN.

Theo đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Chi nhánh Bắc Giang II, mặc dù bão số 3 gây thiệt hại lớn cho lĩnh vực nông nghiệp song trên địa bàn tỉnh không có trường hợp nào được chi trả bồi thường từ Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân còn có tâm lý e dè hoặc chưa chủ động nguồn tài chính để tham gia.

Các văn bản trên quy định hỗ trợ BHNN dành cho đối tượng: Cây trồng (lúa, cao su, hồ tiêu, điều, cà phê, cây ăn quả, rau); vật nuôi (trâu, bò, lợn, gia cầm); nuôi trồng thủy sản (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra). Nông dân khi gặp thiên tai (gồm bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, ngập lụt, sạt lở đất, nắng nóng, hạn hán, rét hại, mưa đá, sương muối, động đất, sóng thần...); dịch bệnh động vật, thực vật sẽ được hỗ trợ phí BHNN.

Để thực hiện các văn bản trên, tháng 7/2022, UBND tỉnh ban hành quyết định lựa chọn 161 xã, phường, thị trấn được hỗ trợ phí BHNN đối với chăn nuôi lợn. Công ty Bảo Việt Bắc Giang đã phối hợp Chi cục Chăn nuôi và Thú y thu thập thông tin dữ liệu để phục vụ công tác xây dựng sản phẩm và định phí bảo hiểm song đến nay chưa thể triển khai. Lý giải về vấn đề này, đại diện Công ty Bảo Việt Bắc Giang cho rằng, do đây là sản phẩm mới, phức tạp được triển khai tại khu vực nông thôn, đối tượng chủ yếu là nông dân nên cần bảo đảm tính chặt chẽ, chính xác, đồng thời DN vẫn chờ Bộ Tài chính phê duyệt nguyên tắc, quy trình để triển khai.

Ông Lương Đức Kiên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, ở nhiều quốc gia, BHNN được triển khai phổ biến, tại Hà Lan gần 100% trang trại chăn nuôi tham gia BHNN. Tại Việt Nam, do nhận thức của một bộ phận người dân đối với loại hình bảo hiểm này còn hạn chế, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp còn thấp, bấp bênh, chính sách BHNN còn nhiều vấn đề chưa rõ ràng. Cùng đó, giữa bên cung cấp dịch vụ bảo hiểm và bên mua còn những điểm chưa đồng thuận.

Cụ thể đối với vật nuôi, để được tham gia bảo hiểm phải đáp ứng về quy mô, chăn nuôi theo quy trình khoa học, được tiêm phòng vắc-xin đầy đủ, bảo đảm an toàn sinh học... song người chăn nuôi cho rằng, đáp ứng đủ các điều kiện trên thì chẳng phải mua bảo hiểm vì thực tế một số bệnh như: Lở mồm long móng, tai xanh, xoắn khuẩn, nhiệt thán… đã có vắc-xin phòng ngừa nên vật nuôi gần như không bị chết vì lý do này.

Ngược lại, phía DN bảo hiểm lại đánh giá, mức độ thiệt hại đối với nông nghiệp khi xảy ra thiên tai rất lớn, số tiền bồi thường cao, trong khi đa số người sản xuất vẫn theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ dẫn đến khó quản lý rủi ro…, đây là lý do mà các DN bảo hiểm không mặn mà triển khai.

Để thực hiện hiệu quả chính sách BHNN, giúp người dân giảm bớt gánh nặng, yên tâm sản xuất, thời gian tới, các cấp, ngành liên quan cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy cho người sản xuất về lợi ích của BHNN. Bên cạnh đó, Nhà nước tiếp tục có sự hỗ trợ phí bảo hiểm phù hợp để tạo động lực phát triển đa dạng sản phẩm, phù hợp với nhu cầu, điều kiện sản xuất nông nghiệp.

Các DN bảo hiểm chủ động tiếp cận đối tượng khách hàng tiềm năng, thiết kế các sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực tế và cải tiến chất lượng dịch vụ. Quan tâm đầu tư theo chiều sâu, mang tính dài hạn trong việc kiểm soát quy trình sản xuất và canh tác liên quan đến từng đối tượng bảo hiểm…

Bài, ảnh: Nguyễn Hưởng

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/bao-hiem-nong-nghiep-nguoi-dan-doanh-nghiep-chua-man-ma-082451.bbg
Zalo