Bảo hiểm cho nông nghiệp – rất cần nhưng không dễ

Ngày 4-11-2024, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã phát biểu giữa diễn đàn Quốc hội rằng 'Chưa bao giờ chúng ta thấy bảo hiểm nông nghiệp cần thiết như sau cơn bão Yagi'...

Người nông dân cần một tấm khiên bảo vệ trước những rủi ro, giúp họ vượt qua cơn bĩ cực do những thảm họa về thời tiết gây ra. Ảnh minh họa: Trung Chánh

Người nông dân cần một tấm khiên bảo vệ trước những rủi ro, giúp họ vượt qua cơn bĩ cực do những thảm họa về thời tiết gây ra. Ảnh minh họa: Trung Chánh

Bảo hiểm nông nghiệp - nuôi mãi không lớn

Biển Đông lại đón bão! Mấy hôm nay, báo đài lại loan tin về cơn bão số 9 đang hình thành ngoài khơi. Cơn bão này vừa qua, cơn bão khác lại ập tới. Thời tiết đang ngày càng cực đoan và khó lường trước tình trạng biến đổi khí hậu. Đời sống của người dân cũng trở nên bất định, đặc biệt là sinh kế của những người nông dân - nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và chịu sự tác động trực tiếp của các yếu tố về môi trường, khí hậu. Vừa qua, cơn bão Yagi lướt qua miền Bắc nước ta đã minh chứng rất rõ điều này. Hàng trăm ngàn héc ta cây trồng bị ngập úng, hư hại và hàng triệu con gia súc, gia cầm bị chết. Những thiệt hại này có thể làm kiệt quệ nhiều hộ nông dân.

Cứu trợ hay hỗ trợ từ phía Nhà nước, đoàn thể và các mạnh thường quân trong trường hợp này chỉ có thể là giải pháp tức thời. Về lâu dài, người nông dân cần một tấm khiên bảo vệ trước những rủi ro, giúp họ vượt qua cơn bĩ cực do những thảm họa về thời tiết gây ra. Ngày 4-11 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã phát biểu giữa diễn đàn Quốc hội rằng “Chưa bao giờ chúng ta thấy bảo hiểm nông nghiệp cần thiết như sau cơn bão Yagi”. Có thể nói phát biểu này của Bộ trưởng đã gợi lên một vấn đề rất cấp thiết hiện nay là làm sao để bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) thật sự trở thành một người bạn đồng hành của nông dân cả nước trước những rủi ro, thiệt hại đến từ thiên tai.

BHNN đã được triển khai thí điểm trong giai đoạn từ năm 2011-2013 theo Quyết định 315/2011/QĐ-TTg ngày 1-3-2011 của Thủ tướng Chính phủ và sau đó được gia hạn đến tháng 6-2014. Bảo Việt và Bảo Minh là hai doanh nghiệp tiên phong tham gia vào đợt thí điểm này. Tuy nhiên, kết quả thí điểm không đạt được kỳ vọng vì nhiều nguyên nhân, mà quan trọng nhất là do không có sự tương thích giữa cung và cầu. Đến năm 2018, Chính phủ tái khởi động lại việc thúc đẩy BHNN thông qua việc ban hành Nghị định 58/2018/NĐ-CP và sau đó là Quyết định 22/2019/QĐ-TTg, Quyết định 03/2021/QĐ-TTg, Quyết định 13/2022/QĐ-TTg về thực hiện chính sách hỗ trợ BHNN.

Qua đó cho thấy, Chính phủ vẫn luôn theo đuổi chính sách phổ cập rộng rãi sản phẩm bảo hiểm này đến với nông dân nhưng kết quả thu được thật đáng trăn trở. BHNN vẫn là một khái niệm xa lạ với phần đông nông dân Việt Nam. Số liệu thị trường bảo hiểm Việt Nam cho thấy BHNN đang có quy mô cực kỳ khiêm tốn qua nhiều năm dù có sự trợ cấp tài chính từ Nhà nước. Từ năm 2019 đến nay, tỷ trọng phí bảo hiểm gốc theo nghiệp vụ của BHNN trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ở mức rất thấp, từ 0,06-0,1%. Số tiền bồi thường bảo hiểm gốc năm 2022, 2023 đều dừng ở mức 3 tỉ đồng, số tiền bồi thường thuộc trách nhiệm giữ lại lần lượt là 26 tỉ đồng và 12 tỉ đồng.

Theo tìm hiểu của người viết, dù có đến 19/32 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ được cấp phép triển khai sản phẩm BHNN nhưng số doanh nghiệp triển khai trên thực tế chỉ khoảng một phần hai số lượng này. Độ đa dạng của sản phẩm BHNN cũng không cao. Ngoại trừ ba doanh nghiệp là Bảo Minh, Bảo Việt và Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp có trên bốn loại sản phẩm thì phần còn lại chỉ triển khai 1-2 sản phẩm bảo hiểm.

Gỡ khó cho bảo hiểm nông nghiệp

Thực tiễn tại Việt Nam cho thấy việc triển khai BHNN trên phạm vi toàn quốc vẫn là một thách thức rất lớn mặc dù đã trải qua hơn một thập niên kể từ khi Chính phủ bắt đầu thí điểm và trợ cấp tài chính. Để tháo gỡ những khó khăn này, cần có một chiến lược tổng thể, bao gồm các chính sách hỗ trợ cụ thể và các biện pháp thực hiện đồng bộ.

Đầu tiên, BHNN được nhìn nhận như một công cụ quản lý rủi ro tài chính và cần thiết nhưng không thể hoạt động và phát triển độc lập. BHNN cần được đặt trong một chiến lược tổng thể về quản lý rủi ro nông nghiệp toàn diện, bao gồm giảm thiểu rủi ro vật lý và thiết lập được các dịch vụ nông nghiệp cơ bản. BHNN có thể đóng góp vào quá trình hiện đại hóa doanh nghiệp nhưng chỉ có thể triển khai thành công khi có được các điều kiện nền tảng và đó chính là sự hiện diện của các dịch vụ nông nghiệp cơ bản từ khuyến nông, cung cấp kịp thời đầu vào (giống cây trồng, con giống, phân bón...) và thiết lập được kênh tiếp thị hiệu quả cho sản phẩm nông nghiệp.

Thứ hai, BHNN đối mặt với nhiều thách thức do vận hành phức tạp, đòi hỏi chuyên môn cao để quản lý và phát triển. Chi phí cung cấp và duy trì bảo hiểm ở các vùng nông thôn, đặc biệt là đối với các hộ nông dân nhỏ lẻ cũng là một rào cản lớn. Chi phí vận hành cao trong việc tiếp cận và phục vụ đối tượng này ảnh hưởng lớn đến mức phí bảo hiểm. Ngược lại, mức phí bảo hiểm cao lại là rào cản để nhóm đối tượng này tiếp cận BHNN. Do đó, thực tiễn quốc tế tốt đều cho thấy vai trò của Chính phủ là quan trọng và mang tính thiết yếu trong việc thúc đẩy và duy trì tính bền vững của BHNN.

Chính phủ cần tiếp tục duy trì chính sách trợ cấp tài chính cho nông dân, đặc biệt là nông dân nghèo và cận nghèo. Chính sách trợ cấp tài chính thúc đẩy BHNN cần được lồng ghép vào chính sách về hỗ trợ tín dụng và khuyến khích thực hành nông nghiệp tốt. Đồng thời, Chính phủ cần có cơ sở khuyến khích các tổ chức trung gian như ngân hàng về nông nghiệp, ngân hàng chính sách, quỹ tín dụng nhân dân, hợp tác xã và các tổ chức tài chính vi mô trong việc triển khai sản phẩm đến nông dân để giảm chi phí. Các tổ chức này có thể giúp tập hợp khách hàng đồng thời cung cấp sản phẩm bảo hiểm với chi phí thấp hơn. Những mô hình này đã được áp dụng thành công ở các quốc gia như Bangladesh, Ấn Độ, Nepal, và Philippines, nơi các tổ chức tài chính vi mô và hợp tác xã cung cấp cả bảo hiểm vi mô và tín dụng vi mô cho cộng đồng nông thôn.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần đóng vai trò hỗ trợ kỹ thuật trong việc xây dựng và cung cấp cơ sở dữ liệu tập trung về thống kê nông nghiệp và thời tiết, giúp cải thiện khả năng tiếp cận thông tin và giúp các doanh nghiệp có nguồn dữ liệu đầu vào chất lượng, chi phí thấp.

Ngoài ra, cần có sự đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các sản phẩm bảo hiểm phù hợp với từng nhóm nông dân, khu vực, cây trồng, vật nuôi... Các chương trình bảo hiểm hiện nay thường dựa quá nhiều vào bảo hiểm bồi thường tiêu chuẩn, trong khi cần khuyến khích bảo hiểm theo rủi ro cụ thể hoặc bảo hiểm chỉ số, phù hợp hơn với các điều kiện địa phương và dễ quản lý hơn.

Cuối cùng, rào cản rất lớn của BHNN tại Việt Nam nằm ở nhận thức của nông dân về vai trò và lợi ích của loại hình bảo hiểm này. Phần lớn nông dân vẫn coi bảo hiểm là một chi phí không cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh thu nhập thấp và các ưu tiên chi tiêu khác cao hơn. Chính vì vậy, công tác truyền thông và đào tạo để nông dân hiểu rõ hơn về cách BHNN có thể giúp họ giảm thiểu rủi ro, duy trì sản xuất và khôi phục sản xuất sau thiên tai phải được chú trọng. Các chương trình đào tạo nên được tổ chức tại cấp địa phương với sự tham gia của các cơ quan quản lý, công ty bảo hiểm, tổ chức tài chính vi mô, các tổ chức xã hội... Đồng thời, sử dụng các kênh thông tin gần gũi với nông dân sẽ giúp nâng cao hiệu quả truyền thông, như các buổi họp mặt cộng đồng, đài phát thanh địa phương hoặc mạng xã hội.

(*) Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM

Lưu Minh Sang (*)

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/bao-hiem-cho-nong-nghiep-rat-can-nhung-khong-de/
Zalo