Bao giờ hết cảnh thiếu bãi đỗ xe?
Sự phát triển ồ ạt của phương tiện cá nhân trong khi hạ tầng giao thông tĩnh không theo kịp đang khiến Hà Nội rơi vào khủng hoảng thiếu bãi đỗ xe. Tình trạng đỗ xe trên vỉa hè, lòng đường không chỉ gây ách tắc giao thông mà còn tạo áp lực lớn cho quản lý đô thị. Đã đến lúc cần nhìn nhận nghiêm túc về bài toán bãi đỗ xe, không chỉ là chuyện chỗ để xe, mà còn là chuyện của quy hoạch, chính sách và tương lai đô thị bền vững.

Điểm trông giữ xe trên phố Nguyên Công Hoan, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Bãi đỗ xe đáp ứng chưa đến 10% nhu cầu
Hà Nội đang đối mặt với một nghịch lý đô thị nan giải: số lượng phương tiện cá nhân tăng nhanh chưa từng có trong khi hạ tầng đỗ xe lại phát triển chậm chạp và manh mún. Theo số liệu từ Sở GTVT Hà Nội (nay là Sở Xây dựng), toàn TP hiện có hơn 8 triệu phương tiện, trong đó hơn 1,5 triệu là ô tô. Mỗi ngày, Hà Nội “gánh thêm” khoảng 1.100 phương tiện mới, chưa kể lượng xe vãng lai từ các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, diện tích đất dành cho giao thông tĩnh – nơi để xe dừng, đỗ – chỉ đạt dưới 1%, trong khi theo quy hoạch đáng ra phải từ 3 - 4%. Cả TP hiện mới có khoảng 72 bãi đỗ xe chính thức được khai thác, chỉ chiếm 4% so với kế hoạch đề ra, đáp ứng chưa đến 10% nhu cầu thực tế.
Việc thiếu bãi đỗ xe trầm trọng dẫn đến hệ quả dễ thấy: ô tô, xe máy đỗ tràn lan xuống lòng đường, vỉa hè, thậm chí lấn chiếm cả hành lang thoát hiểm của các tòa nhà, khu dân cư. Tại nhiều tuyến phố trung tâm, cảnh xe xếp hàng nối dài trên cả hai bên đường đã trở thành hình ảnh quen thuộc. Không ít người dân bức xúc vì lối đi bộ bị chiếm dụng, người đi bộ buộc phải đi xuống lòng đường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. Trong khi đó, hàng loạt bãi đỗ xe tự phát mọc lên không phép, không đảm bảo an toàn cháy nổ và trật tự đô thị, gây thất thu ngân sách và khó khăn cho công tác quản lý.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này không khó để chỉ ra. Trước tiên, tốc độ phát triển của phương tiện cá nhân tại Hà Nội đang vượt xa tốc độ phát triển hạ tầng đỗ xe. Với mức tăng trưởng xe ô tô hơn 10% mỗi năm, cùng sự gia tăng thu nhập và xu hướng sở hữu ô tô ngày càng phổ biến, nhu cầu về bãi đỗ xe trở nên bức thiết. Tuy nhiên, quỹ đất dành cho hạ tầng giao thông tĩnh lại vô cùng hạn hẹp. Nhiều vị trí quy hoạch bãi đỗ xe đã được phê duyệt nhưng không thể triển khai vì vướng giải phóng mặt bằng hoặc nằm trong khu vực đất ở, đất công sở, đất dự án chưa sử dụng. Không ít nhà đầu tư cũng e ngại khi phải bỏ ra nguồn vốn lớn để xây dựng bãi đỗ xe ngầm hoặc cao tầng nhưng giá trông giữ lại bị khống chế, dẫn tới hiệu quả tài chính thấp.
Một vấn đề khác là sự thiếu đồng bộ trong công tác quy hoạch và thực thi. Không ít dự án khu đô thị mới hoặc công trình công cộng được phê duyệt và triển khai mà không tính toán đầy đủ đến nhu cầu đỗ xe. Tình trạng “xây trước – nghĩ sau”, dẫn đến thiếu hụt nghiêm trọng chỗ đỗ ngay cả ở những công trình mới hoàn thành. Trong khi đó, ý thức của người dân về việc sử dụng phương tiện cá nhân và tuân thủ quy định dừng đỗ cũng chưa cao, khiến nhiều tuyến phố nội đô vốn đã chật chội lại càng trở nên hỗn loạn.

Điểm trông giữ xe trên phố Nguyên Công Hoan, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Cần lời giải tổng thể
Trước thực trạng trên, TP Hà Nội đã và đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ nút thắt giao thông tĩnh. Trong ngắn hạn, Sở GTVT (nay là Sở Xây dựng) đã phối hợp với các xã, phường rà soát các tuyến phố có khả năng cho phép tạm dừng đỗ xe có thu phí trên lòng đường, hè phố. Một số khu đất dự án chưa sử dụng cũng được tạm thời chuyển đổi thành điểm đỗ xe phục vụ người dân. Tuy nhiên, giải pháp “chữa cháy” này chỉ có tác dụng tức thời và không thể thay thế cho một chiến lược dài hạn.
Luật Thủ đô 2024 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 cũng tạo hành lang pháp lý và cơ chế ưu đãi để thu hút đầu tư vào lĩnh vực giao thông tĩnh. Theo đó, các dự án xây dựng bãi đỗ xe ngầm, cao tầng sẽ nhận được các ưu đãi như: miễn tiền thuê đất, miễn thuế nhập khẩu thiết bị và được phép khai thác thương mại không gian ngầm đi kèm.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, giải pháp kỹ thuật hay ưu đãi đầu tư vẫn chưa đủ để giải bài toán thiếu bãi đỗ xe một cách căn cơ. Theo các chuyên gia, TP cần thay đổi tư duy quy hoạch đô thị, trong đó giao thông tĩnh phải được đặt ở vị trí trung tâm trong quy hoạch tổng thể. Không chỉ cần thêm đất, mà cần quy định bắt buộc diện tích đỗ xe phù hợp trong mọi công trình xây dựng mới, đồng thời tăng cường kiểm tra việc thực hiện. Bên cạnh đó, cần phân cấp rõ ràng trách nhiệm quản lý bãi đỗ xe cho từng địa phương, gắn với cơ chế tài chính minh bạch, sẽ giúp tăng hiệu quả thực thi.
Nhiều TP trên thế giới đã ứng dụng sáng tạo giải pháp bãi đỗ nhằm khắc phục khan hiếm chỗ đỗ. Tại Tokyo (Nhật Bản), dù diện tích đất cực kỳ hạn chế, nhưng nhờ ứng dụng các bãi đỗ xe cơ giới hóa, tháp xoay tự động và quản lý qua cảm biến, TP này vẫn có thể đáp ứng nhu cầu đỗ xe lớn mà không cần “xẻ thịt” vỉa hè. Singapore lại là điển hình của việc định giá bãi đỗ theo thời gian thực, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng. Còn ở nhiều TP châu Âu như Zurich hay Copenhagen, chính quyền không mở rộng bãi đỗ mà tập trung phát triển hạ tầng xe buýt, xe đạp công cộng, tạo điều kiện để người dân giảm phụ thuộc vào phương tiện cá nhân.
Với Hà Nội, giải pháp cuối cùng không nằm ở việc có thêm bao nhiêu bãi đỗ, mà là việc kiểm soát được nhu cầu sử dụng phương tiện cá nhân. Một khi giao thông công cộng thực sự thuận tiện, an toàn và hiệu quả, người dân sẽ không cần phải sở hữu xe riêng, vì thế áp lực lên bãi đỗ cũng sẽ giảm đi đáng kể. Điều này đòi hỏi một chính sách đồng bộ, từ quy hoạch, pháp lý đến thay đổi hành vi người dân – một chiến lược dài hơi nhưng bắt buộc phải làm nếu Hà Nội muốn trở thành một đô thị văn minh, hiện đại và đáng sống.