Thực chiến hỗ trợ vận hành bộ máy chính quyền địa phương hai cấp
HNN.VN - Sau ba ngày đi vào hoạt động chính thức theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp, công việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tại các Trung tâm Phục vụ Hành chính công cấp xã vẫn còn một số lúng túng đang được tập trung xử lý với quyết tâm không để bộ phận một cửa bị nghẽn.

Bộ phận một cửa tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công phường Mỹ Thượng thực hiện thủ tục cho người
Vừa vận hành, vừa hoàn thiện
Những ngày đầu đi vào vận hành trung tâm hành chính công 2 cấp, tại một số địa phương như Phong Dinh, Phong Điền, Kim Trà, Long Quảng, Kim Long, Mỹ Thượng, Vỹ Dạ... vẫn còn gặp khó khăn trong kết nối hệ thống, dữ liệu chưa đồng bộ, có lúc bị gián đoạn. Một số Trung tâm Phục vụ Hành chính công (PVHCC) còn lúng túng với các nền tảng mới, như thiết lập tài khoản, sử dụng chữ ký số, điều phối hồ sơ trên phần mềm, hay chưa kết nối được với hệ thống trả kết quả.
Tại phường Mỹ Thượng, ông Nguyễn Đức Phú, Phó Giám đốc Trung tâm PVHCC phường sốt ruột khi các bộ phận vẫn chưa thể thu phí, lệ phí trên hệ thống mà phải viết biên lai thu phí bằng giấy. Hay tại Trung tâm PVHCC phường Vỹ Dạ, dù đồng hồ đã điểm qua 11h30, nhưng trên máy tính của chuyên viên bộ phận chứng thực vẫn hiển thị biểu tượng "xoay vòng" chờ "loading" nên cán bộ nhân viên xử lý hồ sơ đành phải nói lời "xin lỗi" và hẹn công dân này đầu giờ chiều quay trở lại.
Ông Nguyễn Kim Tùng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho biết, lường trước tình huống này và để kịp thời khắc phục sự cố, từ tháng 6/2025, các tổ kỹ thuật hướng dẫn trực tiếp hoặc kết nối từ xa qua nhóm điều hành trực tuyến được thành lập. Nguồn lực là lãnh đạo các sở, ngành kết nối trực tuyến để giải đáp xử lý kịp thời.
VNPT, Viettel đảm nhiệm về kỹ thuật và 166 đầu mối bưu chính công ích với điểm cầu chính được vận hành tại Sở KH&CN. Ngoài ra, thành phố tiếp tục duy trì hoạt động của các "Tổ công nghệ số cộng đồng", "Đội hỗ trợ phản ứng nhanh" để thực hiện "cầm tay chỉ việc", hỗ trợ, giải đáp vướng mắc kịp thời cho cán bộ và người dân tại cơ sở.
Tại Trung tâm PVHCC phường Phong Dinh, trong ngày thứ 2 vận hành mô hình mới, đơn vị này còn lúng túng khi tiếp nhận hồ sơ xin cấp phép xây dựng. Do được sáp nhập từ các xã Phong Chương, Phong Bình và phường Phong Hòa, khi xử lý hồ sơ của người dân thuộc địa bàn cũ, phường phải xin ý kiến từ UBND thành phố, Sở Xây dựng để xác định có cần cấp phép hay không. Nhờ hệ thống hội nghị trực tuyến kết nối giữa UBND thành phố và các sở, ngành với 40 Trung tâm PVHCC được thiết lập từ trong tháng 6, những vướng mắc như tại phường Phong Dinh đã được tháo gỡ nhanh chóng, giúp TTHC được giải quyết hiệu quả, thuận lợi hơn cho người dân.

Hội nghị trực tuyến với sự tham gia của nhiều bên liên quan được tổ chức hàng ngày để kịp thời hỗ trợ, xử lý sự cố hành chính công cho các địa phương
Qua những ngày vận hành hội nghị trực tuyến do ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố điều hành, cùng nhóm thực chiến hỗ trợ, xử lý chuyển đổi mô hình chính quyền 2 cấp được huy động từ Sở KH&CN, Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC), HueCIT, các doanh nghiệp viễn thông, các sở, ngành…, nhiều vướng mắc về kỹ thuật, hạ tầng, hồ sơ thủ tục tại các xã, phường đã được giải quyết kịp thời. Ngoài điều hành, hỗ trợ từ xa, tại mỗi địa phương còn được bố trí tổ công nghệ bám sát tại chỗ, xử lý ngay các lỗi phát sinh, tránh để bộ phận một cửa bị tắc nghẽn, gây phiền hà cho người dân.
Tất cả cùng nhập cuộc
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, hệ thống hành chính công tại các phường, xã đến nay vẫn còn gặp trục trặc về cấu hình cũng như các quy trình; dữ liệu hệ thống chưa kết nối một cách thống nhất, đồng bộ; một số giải pháp vẫn chưa thực hiện được... Vì thế, tạm thời trong giai đoạn đầu vận hành mô hình chính quyền 2 cấp, nhóm hỗ trợ công nghệ cùng lãnh đạo các sở, ngành và ban giám đốc 40 trung tâm hành chính công phải tham gia họp trực tuyến vào đầu và cuối mỗi ngày. Cuộc họp đầu giờ sáng để cập nhật, chỉ đạo xử lý công việc và cuộc họp cuối giờ chiều nhằm tổng hợp khó khăn, rút kinh nghiệm, điều chỉnh phương án vận hành. Cách làm này bảo đảm điều hành xuyên suốt, linh hoạt, kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh.
Không chỉ xử lý sự cố, IOC - tổ thực chiến xử lý chuyển đổi mô hình chính quyền địa phương 2 cấp cùng các sở, ngành còn được giao xây dựng các tài liệu hướng dẫn, cập nhật câu hỏi, đáp phổ biến thành "Cẩm nang hành chính công" để giúp cán bộ cấp xã, các trung tâm hành chính công tra cứu, áp dụng xử lý, giải quyết nội dung tương tự một cách đồng bộ, thống nhất.

Nhân viên tại các trung tâm hành chính công cấp xã tận tình hướng dẫn người dân làm hồ sơ thủ tục
Ngoài các tổ hỗ trợ công nghệ, vai trò của những "hạt nhân công nghệ" tại mỗi trung tâm hành chính công cũng được đề cao, với yêu cầu phải được tập huấn, nâng cao nghiệp vụ ngay trong quá trình làm việc. Một điểm quan trọng khác là công tác tập huấn được thành phố tập trung và xác định phương châm "vừa làm, vừa đào tạo", thực hành "bắt tay chỉ việc" để công chức, viên chức nâng cao kỹ năng xử lý thực tế.
Ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh, Trung tâm PVHCC là "bộ mặt" của địa phương, nên từng chi tiết, từ việc phân công người hướng dẫn đến giữ gìn trật tự nơi tiếp dân đều cần được "chăm chút". Nếu thiếu người hỗ trợ, cần chủ động đề xuất bổ sung nhân lực để đảm bảo hoạt động trơn tru trong giai đoạn đầu.
Theo thống kê từ Trung tâm PVHCC thành phố, đến 10h ngày 3/7, 40 trung tâm hành chính công cấp xã đã tiếp nhận 1.283 hồ sơ; trong đó đã giải quyết xong 382 hồ sơ. Đơn vị tiếp nhận nhiều nhất là UBND phường Phú Xuân với 151 hồ sơ, UBND xã Quảng Điền 151 hồ sơ. Các đơn vị giải quyết đạt tỷ lệ cao nhất: UBND xã Quảng Điền với 61 hồ sơ, UBND xã Hương An 36 hồ sơ. Hồ sơ tập trung chủ yếu tại các thủ tục: Chứng thực bản sao từ bản chính, đăng ký kinh doanh, chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh, khai tử, đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...